Tiêu dùng bền vững – chuyện không bao giờ cũ

ThienNhien.Net – Hơn mười năm trước, Báo cáo phát triển con người năm 1998, với tựa đề Tiêu dùng vì mục tiêu phát triển, đã đề cập một cách thẳng thắn sự mất cân bằng trong tiêu dùng toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng 1/5 những người giàu nhất trên thế giới sử dụng 58% năng lượng, còn 1/5 người nghèo nhất chỉ sử dụng chưa đến 4%. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu dùng quá mức luôn được nhắc đến trong các chương trình nghị sự gần đây, cả trên quy mô quốc gia và quốc tế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm tiêu dùng toàn cầu, để chuyển đổi các nền kinh tế trên thế giới hiện nay thành những nền kinh tế thải ít các-bon, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, mà vẫn tạo ra cơ hội gia tăng chất lượng cuộc sống của những người tiêu dùng thu nhập thấp.

Tiêu dùng, phúc lợi và sự phát triển bền vững

Mô hình kinh tế toàn cầu của chúng ta đang dựa trên giả định rằng tiêu dùng càng nhiều tức là kinh tế càng phát triển, phúc lợi tạo ra càng lớn. Nguồn cung tài nguyên thiên nhiên tạo ra sự gia tăng trong tiêu dùng nhưng đồng thời không ngừng hạn chế tiêu dùng. Với mối đe dọa đẩy lùi phát triển kinh tế của biến đổi khí hậu và cảnh báo rằng dân số thế giới sẽ tăng lên đến 9 tỷ người vào năm 2050 của Liên Hợp Quốc, các nhà hoạch định chính sách phải đặt câu hỏi liệu tiêu dùng và phúc lợi có tăng lên vô hạn hay không?

Bằng chứng chỉ ra rằng người nghèo hơn thực sự có lợi nhờ thu nhập cao hơn kết hợp với tiêu dùng nhiều hơn, nhưng ở những mức thu nhập cao hơn, mối liên hệ giữa tiêu dùng cao hơn và phúc lợi lớn hơn lại mất đi.

Mối liên hệ giữa tiêu dùng các nguồn tài nguyên khác nhau và các tác động môi trường của chúng rất khó để định lượng. Do đó, các chiến dịch tiêu dùng thường nhắm đến những lĩnh vực tiêu dùng có mục tiêu rõ ràng hơn là những lĩnh vực có tác động lớn.

Mấu chốt vấn đề đối với những nhà hoạch định chính sách quốc gia là liệu sự phát triển kinh tế có thể và làm thế nào để giảm dần mức tiêu thụ tài nguyên và tác động môi trường. Chính phủ các nước đều nỗ lực tìm các giải pháp. Chẳng hạn, năm 2006-2007, Ấn Độ tăng GDP 8% mà chỉ tăng tiêu thụ năng lượng 3,7%.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế đi đôi với giảm tiêu dùng nguyên liệu và các tác động môi trường là khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật, nhưng chưa chắc khả thi về mặt chính trị.

Tiêu dùng, thương mại và phát triển

Người ta thường lập luận rằng các nước thu nhập thấp hưởng lợi nhiều từ các thị trường phát triển như Liên minh Châu Âu. Do vậy, nếu các nước giàu giảm tiêu dùng, từ đó giảm giao thương, liệu có hay không một tác động tiêu cực đối với những người nghèo nhất trên thế giới?

Nhìn nhận trên cả hai khía cạnh thuận lợi và khó khăn, có thể thấy thương mại là một lĩnh vực phức tạp. Thương mại thực sự tạo ra lợi ích, kích thích sự thay đổi kinh tế trên quy mô địa phương, quốc gia và khu vực. Các cơ hội nâng cao kỹ năng và công nghệ không ngừng tăng lên. Nền kinh tế càng mở thì lợi ích lại càng nhân lên.
Nhưng vẫn có những rủi ro. Các ngành công nghiệp ở các nước xuất khẩu có thể không thắng được trong cuộc cạnh tranh với những công ty sản xuất hiệu quả hơn. Những nhà cung cấp ở các nền kinh tế mới mở cửa ngày càng lấy người mua làm trọng tâm. Chẳng hạn, trong ngành thực phẩm, các nhà bán lẻ yêu cầu các nhà cung cấp phải đáp ứng những nhu cầu về quy mô, chất lượng, độ an toàn, quy cách đóng gói. Những yêu cầu này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà sản xuất nhỏ và thiếu vốn.

Các nhà tư tưởng hàng đầu hiện nay đang xem xét lại giả định rằng thương mại sẽ mang lại những lợi ích tự nhiên cho phát triển. Câu hỏi “Liệu việc tiến hành các hoạt động thương mại với những quốc gia giàu có đem lại lợi ích cho những quốc gia nghèo?” vẫn còn để ngỏ. Một sự tập trung sâu sắc hơn vào thương mại khu vực và giá trị gia tăng, được hậu thuẫn bởi những chiến lược phát triển có sức mạnh, có thể giúp những người nghèo đảm bảo kế sinh nhai trong khi giảm sự phụ thuộc của họ vào tiêu dùng ở những nước giàu.

Một quan điểm chính trị mới về tiêu dùng

Các cuộc thảo luận trên quy mô quốc tế xoay quanh vấn đề tiêu dùng vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào những lựa chọn tiêu dùng mang tính cá nhân, tự nguyện. Cho tới ngày nay, rất nhiều chính sách tư và công đã được đưa ra nhằm thay đổi vấn đề tiêu dùng của các cá nhân, chẳng hạn bằng cách gia tăng tiêu dùng hiệu quả năng lượng nội địa và thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương. Nhưng có ba hạn chế chủ yếu đối với những kết quả tiềm năng của các giải pháp này.

Trước hết, lựa chọn cá nhân của người tiêu dùng bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như quy hoạch đô thị lấy ô tô làm phương tiện giao thông trung tâm, hay bởi các mâu thuẫn chính sách, như yêu cầu cân bằng giữa an toàn thực phẩm với sự lãng phí thực phẩm. Thứ hai, cái chúng ta mua không phải là nguyên liệu thô mà là hàng hoá và dịch vụ, có nguồn gốc từ những chuỗi giá trị phức tạp và những ảnh hưởng khó có thể hiểu cho thấu. Cuối cùng, tiêu dùng hộ gia đình đóng góp chưa đến ¼ lượng tiêu dùng toàn cầu. Điều này nói lên tầm quan trọng của mua sắm từ chính phủ và chính sách của nhà nước.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho tiêu dùng quá mức, chúng ta cần nhìn nhận các xã hội và các cơ cấu như một tổng thể. Các biện pháp ngắn hạn có thể dựa trên việc cải thiện tính hiệu quả của những phương thức sản xuất và tiêu dùng hiện hành. Tuy nhiên, về lâu dài, điều cần làm là xem xét lại đối tượng và cách thức chúng ta tiêu dùng. Theo cả hai cách, những thay đổi thật sự trong các vấn đề tiêu dùng sẽ thách thức ý tưởng về lựa chọn cá nhân tối đa. Thay vào đó, chúng ta cần một định hướng lựa chọn tiêu dùng, xem xét một cách nghiêm túc những khuyến cáo khẩn cấp về chỉ tiêu tiêu dùng cacbon, nước, thịt và những đối tượng tiêu dùng có ảnh hưởng tới hệ sinh thái khác.

Việc đối xử một cách công bằng với những người tiêu dùng thu nhập thấp cũng rất quan trọng. Báo cáo phát triển con người năm 1998 đã đề xuất những nguyên tắc tổng thể để đảm bảo một mức tiêu dùng cơ bản cho tất cả mọi người trong khi vẫn giảm được những hậu quả của tiêu dùng quá mức. Trong khi nhiều chính phủ đã hành động để hạn chế sự tiêu dùng quá mức trên quy mô quốc gia, có rất ít những sáng kiến tạo ra động lực để phân phối lại các vấn đề tiêu dùng.

Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn. Các chính phủ và các nhà kinh doanh phải tận dụng các cơ hội mà các thành tựu môi trường đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí dài hạn. Bên cạnh đó, việc đối xử công bằng với những người tiêu dùng có thu nhập thấp đòi hỏi việc áp dụng những cơ chế giá cả một cách cẩn thận như một phương pháp để giảm tiêu dùng nhằm tránh sự hạn chế tiếp cận với hàng hoá và dịch vụ . Các doanh nghiệp vì người nghèo cũng cần sự hỗ trợ để kiểm soát những khoản đầu tư đòi hỏi nhiều vốn và phát thải nhiều các-bon, vốn đòi hỏi lượng tài nguyên lâu dài.

Một chương trình nghị sự toàn cầu để giải quyết các vấn đề tiêu dùng phải kết hợp với những ý tưởng và đại diện của số đông người nghèo trên thế giới. Chúng ta cần nhận ra những bất công giữa người với người, chứ không chỉ giữa quốc gia này với quốc gia khác, và cần nhấn mạnh vào những quyết định tiêu dùng tập trung hơn là những lựa chọn tiêu dùng cá nhân.