Quảng Nam: Khai thác tiềm năng du lịch miền núi

ThienNhien.Net – Các huyện miền núi của tỉnh có thế mạnh về du lịch, là khu vực ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử trong đề án“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch ở khu vực này chỉ mới là bước khởi đầu.

Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 nêu rõ: Phát triển du lịch miền núi nhằm khai thác triệt để tiềm năng du lịch lịch sử – sinh thái – văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc các cộng đồng dân tộc miền núi. Trong đó, khu vực ưu tiên phát triển du lịch sinh thái là các huyện phía tây như: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… mà trung tâm của cụm du lịch này là thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn).

Khu vực này có nhiều cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, các suối nước nóng, thác nước và nhiều di tích cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, làng văn hóa của các dân tộc thiểu số, đường Hồ Chí Minh huyền thoại… Đông Giang là điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách quốc tế trong hành trình du lịch bụi khám phá đường Hồ Chí Minh và cũng sở hữu khá nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Hồ Ban Mai nằm trên trục quốc lộ 14B thuộc xã Ba (Đông Giang) vẫn còn giữ vẻ hoang sơ, nằm giữa rừng nguyên sinh thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Khu Hang Gợp (thuộc xã Mà Cooih) đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đang được quy hoạch thành khu du lịch trong hệ thống tham quan tuyến đường Hồ Chí Minh…

Huyện Tây Giang cũng có đường Trường Sơn vắt ngang qua điểm tham quan tại trung tâm cụm xã A Zích, địa đạo ở xã A Nông, khu vực trung tâm hành chính huyện với làng truyền thống Cơtu tại A Tiêng, thôn Pơ Ning thuộc xã Lăng còn giữ nguyên nét văn hóa độc đáo của đồng bào…

Tiềm năng lớn nhưng việc đầu tư, khai thác du lịch miền núi mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhìn thấy tiềm năng kinh tế nhưng cũng chưa thực sự mặn mà. “Đến nay, chỉ có làng truyền thống Bhơ Hồông khai trương từ tháng 04/2008 do doanh nghiệp Le Nguyen Travel khai thác, tuy nhiên cũng chưa đem lại hiệu quả, vì từ đó đến nay chỉ có 4 tour với khoảng 30 khách du lịch. Trong khi đó, khách du lịch đi lẻ thì không đếm xuể” – ông Văn Quý Thành, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Giang, cho hay.
Cũng theo ông Thành, một số điểm du lịch như suối nước nóng cách làng truyền thống Bhơ Hồông 500m đã có doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư với vốn ban đầu khoảng 3 tỷ đồng. Hồ Ban Mai (xã Ba) được Công ty TNHH Phước Tiến, khu Hang Gợp (xã Mà Cooih) quy hoạch rộng 2,7ha đang được Công ty TNHH Duy Linh xúc tiến đầu tư…

Ông Phạm Quốc Hường, Phó phòng VH-TT huyện Tây Giang, cũng bày tỏ: “Điểm khai thác du lịch trên địa bàn thì nhiều nhưng do điều kiện mới tái lập huyện nên khó khăn về nhân lực, một số lĩnh vực cần được chú trọng đầu tư ở huyện mới, đặc thù địa hình hiểm trở, đời sống khó khăn, dân trí thấp… nên du lịch ở huyện vẫn chưa thể phát triển. Năm 2008 bắt đầu đặt vấn đề và năm 2009 huyện sẽ bắt tay triển khai khảo sát, quy hoạch để xây dựng một số điểm, tour, tuyến tham quan du lịch”.

Đã có định hướng phát triển du lịch miền núi, hy vọng với tiềm năng du lịch vốn có cùng với những nỗ lực xúc tiến quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các ngành liên quan, tỉnh Quảng Nam sẽ khai thác tốt du lịch khu vực miền núi trên địa bàn, đưa những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử, sinh thái đến với du khách, qua đó góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trong vùng.