Bản quyền giống cây trồng – Ai bán, ai mua?

Tháng 12/2006, Việt Nam mới tham gia Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV). Nhưng trước đó một số tác giả đã bán bản quyền giống cây trồng cho DN theo Luật Sở hữu trí tuệ…

Bán bản quyền kiểu… nửa vời

Người đầu tiên mạnh dạn bán đi “đứa con đẻ” của mình chính là PGS Nguyễn Văn Hoan, Trường ĐHNN I khi ông bán bản quyền giống lúa lai 2 dòng Việt lai 20 cho Công ty CP Kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng. “Phát súng khai hoả” của ông Hoan lập tức thu hút sự chú ý của làng giống cây trồng . Chỉ có điều đây là hợp đồng mua bán bản quyền không trọn vẹn. Theo thỏa thuận, ông Hoan chỉ đồng ý bán bản quyền SX hạt lai F1 cho Công ty ( không bán bản quyền dòng bố mẹ – PV).
Thế nên mới có chuyện vụ mùa 2007 một đơn vị khác đã dùng giống bố R20 để SX hạt lai F1 (tổ hợp VL 20) khiến Công ty CP NN công nghệ cao Hải Phòng khởi kiện việc vi phạm bản quyền. Về lý thì đơn vị này không vi phạm bởi Công ty CP Nông nghiệp CNC Hải Phòng chưa mua bản quyền dòng bố mẹ. Câu hỏi đặt ra là họ đã lấy giống bố từ đâu ra để SX hạt lai F1?

Việc bán bản quyền GCT ở ta còn nhiều lỏng lẻo. Việc “mua đứt bán đoạn” không chặt chẽ khiến DN phải chịu thiệt thòi. Mới đây, trong cuộc họp do Bộ NN – PTNT tổ chức, có đại biểu cho rằng, không nên tự ý bán bản quyền GCT cho DN. Bởi theo ông thì Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ để các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo ra một tổ hợp lúa lai. Sau khi thành công đề tài, tác giả này định bán bản quyền sản xuất giống F1 cho một Cty của Trung Quốc với giá chỉ vài trăm triệu. Nếu bán cả dòng bố mẹ cho họ thì quá uổng phí, phần Nhà nước thu về chẳng được bao nhiêu…

Sau cuộc họp đó, bản hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai 2 dòng TH3 – 4 của GS Nguyễn Thị Trâm, Trường ĐHNN I với Công ty CP Giống cây trồng TƯ tạm thời “stop”.

Ông Đỗ Bá Vọng, PGĐ Công ty CP Giống cây trồng TƯ cho biết, chúng tôi muốn mua bản quyền tổ hợp lúa lai TH 3-4 nhằm quảng bá thương hiệu riêng cho Cty. Bà Trâm đổi ý không bán, mà chuyển giao SX giống thông qua hợp đồng thì chỉ mang tính chất thuê, mượn. Nếu mua bản quyền được là cái tốt, còn chuyển giao thì chúng tôi không làm”.

Cũng theo ông Vọng thì Công ty đã mua bản quyền được 2 giống lúa thuần gồm ĐB6 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm GCT & phân bón Quốc gia và Khang dân đột biến của Viện Di truyền nông nghiệp. “Bây giờ giống lúa nhiều vô kể, chúng tôi tính phải mua giống để độc quyền sản xuất và phân phối sản phẩm. Vụ đầu 2 giống trên chỉ bán được vài chục tấn nhưng vụ tới có thương hiệu Công ty sẽ cung ứng được nhiều hơn”.

Ông Phan Xuân Hào, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô cho biết, đến nay Viện chưa bán bản quyền giống cho một đơn vị nào bởi chúng tôi chưa làm thủ tục công nhận bảo hộ dòng bố mẹ giống cây trồng.

Các điều 190 và 187 Luật Sở hữu trí tuệ còn mâu thuẫn nhau, lại không rõ ràng nên việc bán bản quyền giống ngô cũng khó. Khi các giống chưa được bảo hộ thì tác giả chưa thể bảo vệ quyền lợi của mình…

Bán hay đừng?

Theo GS-TS Trần Duy Quý, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp VN thì cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học bán bản quyền GCT. Nếu tác giả bán được bản quyền thì sẽ trả lại tiền đầu tư của Nhà nước và có vốn để tái đầu tư.

Chẳng hạn Viện Di truyền nông nghiệp vừa bán bản quyền giống Khang dân đột biến với giá 350 triệu đồng. Chia ra thì nhóm tác giả được 150 triệu, nộp lại Nhà nước 100 triệu, bộ môn 50 triệu, Viện 100 triệu. Theo ông Quý thì giá bán bản quyền là rẻ so với công sức mà tập thể tác giả bỏ ra nghiên cứu từ 4 – 5 năm. Chưa kể hằng năm viện phải bỏ ra 7 – 10 triệu hỗ trợ nghiên cứu, vài chục triệu tổ chức hội nghị đầu bờ… Nhưng rõ ràng việc bán bản quyền có 3 cái lợi: Một là khuyến khích cán bộ làm khoa học, họ sẽ có một khoản tiền để tái đầu tư nghiên cứu. Hai là cải thiện đời sống cho cán bộ. Đặc biệt là khi chuyển nhượng bản quyền, các DN sẽ quảng bá thương hiệu, giống được bồi dục duy trì ổn định hàng năm…

Theo ông Quý, trước đây các tác giả chọn tạo giống thành công rồi đưa ra SX đại trà. Mặc dù là giống tốt nhưng SX kiểu mạnh ai nấy làm nên không thể duy trì lâu được. Ngay như DT10, giống lúa đầu bảng cùng 20 giống lúa khác của Viện Di truyền nông nghiệp được công nhận từ năm 1990 đến nay, Viện chẳng bán bản quyền cho ai nên các giống dần…đi vào quên lãng.

GS Nguyễn Thị Trâm, tác giả lúa lai 2 dòng TH3-3, TH3-4 cho biết, đã có nhiều đơn vị hỏi mua bản quyền 2 giống lúa trên nhưng bà còn băn khoăn bởi năng lực của họ. Bởi nếu bán cho đơn vị không đủ năng lực thì giống sẽ không phát huy được.

Riêng giống TH3-3 bà Trâm đã chuyển giao thông qua hợp đồng cho 10 đơn vị, sản xuất ổn định khoảng 1.000 tấn giống/năm. Do giống này đã SX đại trà nên bà không bán bản quyền. Còn TH3-4 đang chờ quyết định công nhận giống chính thức của Bộ NN – PTNT và bằng bảo hộ GCT. “Có thể chúng tôi sẽ bán bản quyền giống này cho Cty CP GCT Trung ương trong thời gian tới”- bà Trâm nói.