Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: bài toán không của riêng ai

ThienNhien.Net – Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tưởng chừng đã quá quen thuộc với tất cả mọi người vì sự thực không ai xem thường sức khoẻ của mình cả, tuy nhiên để hiểu một cách rõ ràng và thực hiện thật tốt vấn đề thì không một cá nhân nào có thể đứng ra giải quyết một cách toàn diện. Chính vì vậy VSATTP đang trở thành một bài toán nan giải đòi hỏi sự hợp tác thực hiện của toàn xã hội. Đảm bảo VSATTP cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đang là vấn đề hết sức phức tạp, nảy sinh ở nhiều phương diện: từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng. Cho nên việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là việc tuân thủ một chuỗi điều kiện và biện pháp cần thiết trong quá trình hình thành chất lượng thực phẩm qua nhiều khâu: quản lý – điều hành – giám sát, thẩm định – và chứng nhận VSATTP.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn rất phức tạp. Ở nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn vỉa hè, đường phố … chưa đảm bảo vệ sinh. Một số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng phun trên rau làm cho sự tồn dư hoá chất trong nông sản còn cao. Một số mặt hàng hải sản để bảo đảm sự tươi sống lâu dài nhiều người đã dùng đến những chất kích thích bảo quản rất nguy hiểm. Một số vấn đề quan trọng nữa là do sự kiểm soát thực phẩm qua biên giới và trên thị trường còn rất lỏng lẻo. Chính vì nhiều nguyên nhân đó mà thực phẩm sạch trở nên quá xa xỉ đối với nhiều người, nhất là người dân nghèo. Phức tạp hơn, Đồng Nai lại là tỉnh tập trung khá nhiều khu công nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, trường nghề do đó số lượng bếp ăn tập thể tương đối nhiều. Chỉ riêng với Thị xã Long Khánh đã có tới 186 cơ sở thực phẩm do Thị xã quản lí. Ở nhiều bếp ăn tập thể nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm còn lớn.

Dạo qua một vòng các trung tâm buôn bán trong tỉnh như chợ Tam Hiệp, chợ Long Bình, chợ công nhân trước khu công nghiệp Biên Hoà II… nhận thấy có nhiều hàng bún, phở, chè…“vô tư” bày bán trên mặt bàn mà không có dụng cụ che đậy. Giấy ăn, thức ăn vứt bừa bãi trên nền đất và chủ quán có thể quét dọn bất cứ lúc nào, kể cả khi khách đang ăn. Trong vòng hai năm trở lại đây vấn đề cúm gia cầm đã trở thành nghiêm trọng, tuy nhiên nhiều người bán trứng gia cầm sống không có dấu kiểm dịch và giấy tờ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…Tình trạng này diễn ra một cách công khai, hàng ngày, ở nhiều nơi mà chưa hề thấy ai nhắc nhở. Nhiều người tỏ ra thờ ơ với thói quen ăn uống nơi vỉa hè, chợ búa… họ cho rằng “đầy người vẫn ăn đó thôi, đâu đã việc gì”.


Trứng gia cầm không có dấu kiểm dịch bày bán ở chợ Long Bình. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Việc sử dụng thực phẩm chưa đủ độ chín tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao, nhất là dịch tả. Trong khi chúng ta chưa kiểm soát được các loại dịch bệnh và mọi người vẫn có thói quen ăn uống mất vệ sinh thì dịch bệnh phát sinh, lây lan là điều khó tránh khỏi. Điều đó cho thấy rằng nguyên nhân làm mất VSATTP không chỉ là ở người sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mà quan trọng và trực tiếp hơn là do nhận thức không đầy đủ, chủ quan của người tiêu dùng. Năm 2008, toàn tỉnh có 2 vụ ngộ độc làm 175 người mắc. Quý 1 năm 2009 có một vụ làm 720 người có triệu chứng ngộ độc, 115 người phải nhập viện. Qua chẩn đoán cho thấy nguyên nhân của các vụ ngộ độc trên là do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh chế biến, thực phẩm quá hạn bị biến chất nên độc tố mà người tiêu dùng không xem kỹ khi mua.

Để đảm bảo VSATTP, thời gian qua ngành y tế đã thực sự nỗ lực với nhiều giải pháp thể theo chỉ thị số 08/1999/CP-TTg về tăng cường cho công tác VSATTP. Thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức như: tải nhiều tin, bài, phóng sự trên các thông tin đại chúng, phát băng zon, áp phích, tờ rơi … thực hiện kiện toàn Ban chỉ đạo VSATTP, giáo dục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy công tác bảo đảm VSATTP vẫn còn nhiều tồn tại: công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên (chỉ chú trọng vào những dịp lễ lớn) và chưa thực sự sâu sát (chủ yếu thanh tra ở những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn). Trong khi đó các quán ăn nhỏ lẻ, quán ăn dọc vỉa hè lại là những nơi tiềm ẩn nguy cơ.

Để xảy ra tình trạng vi phạm VSATTP thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp chính quyền, các ban, ngành chức năng. Tuy nhiên hậu quả và sai phạm trực tiếp vẫn là ở người tiêu dùng. Chính vì vậy hơn lúc nào hết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mọi người, bảo vệ trật tự, an toàn cho xã hội, mỗi người dân trong toàn tỉnh Đồng Nai nói riêng cũng như cả nước hãy nâng cao nhận thức của bản thân, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ban ngành để công tác bảo đảm VSATTP đi vào nền nếp, để bài toán về VSATTP không còn nan giải.