Mối quan ngại từ những con đập mang tên Trung Quốc

Xây đập thủy điện trên các dòng sông đã trở thành vấn đề nhức nhối bấy lâu. Từ Tây Tạng, Đông Nam Á cho tới châu Phi, các con đập thi nhau mọc lên, hủy hoại thiên nhiên ở cả thượng nguồn lẫn hạ nguồn. Điểm chung của các con đập là đều mang dấu ấn Trung Quốc và đều gây ra những quan ngại không chỉ về môi trường, an ninh nguồn nước mà cả hiệu quả kinh tế. Bài viết dưới đây của học giả Gregory McCann đăng trên trang Asia Sentinel sẽ làm rõ hơn thông điệp này.

Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học của Indonesia và quốc tế đã trình làng giống vượn lớn nhất thế giới: Đười ươi Tapanuli, tên khoa học là Pongo tapanuliensis. Phân loài này thuộc giống Đười ươi Sumatra, chúng chỉ được tìm thấy ở hai khu rừng phía tây nam hồ Toba trên đảo Sumatra, trong một khu vực được gọi là Batang Toru. Rừng mưa nhiệt đới này cũng là nơi trú ngụ của các loài được IUCN xếp hạng Cực kỳ nguy cấp (CR) như Hổ Sumatra và Chim Hồng hoàng mũ cát, thậm chí có thể có cả một vài con Tê giác Sumatra ở đó.

Thật khó tưởng tượng có một hệ sinh thái nào quan trọng hơn để bảo tồn và ít ai có thể mơ mộng đến việc xây dựng một đập thủy điện trên dòng sông chính của hệ sinh thái này bởi nó sẽ nhấn chìm một hẻm núi nhiệt đới khổng lồ vốn là một trong những môi trường sống chính của Đười ươi Tapanuli thuộc hệ sinh thái Batang Toru. Tuy nhiên, một số công ty lớn đã có ý tưởng đó và đang thực thi rốt ráo.

Trong giai đoạn đầu, Ngân hàng Goldman Sachs đã lên kế hoạch cấp vốn cho dự án nhưng khi bị công luận phản đối kịch liệt nhằm bảo vệ những con đười ươi thì Goldman đã lùi bước.

Tuy nhiên, Sinohydro của Trung Quốc thì không mảy may suy nghĩ gì về những con đười ươi, các loài đang bị đe dọa hay việc mất rừng, thậm chí cả sự phản đối kịch liệt của dư luận trong và ngoài nước. Sinohydro, một công ty đi khắp các vùng nhiệt đới để xây dựng những con đập gây tranh cãi, đã thế chân Goldman để chi tiền xây đập. Và để nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án vốn được Bắc Kinh chống lưng, Sinohydro tuyên bố rằng con đập là một phần của Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI). Đười ươi, hổ hay rừng mưa nhiệt đới cũng không bằng xây đập!

Xa hơn ở Indonesia, một con đập được Trung Quốc hậu thuẫn trên sông Kayan ở Kalimantan cũng sẽ làm ngập một phần trung tâm Borneo. Ngoài ra, việc Sinohyrdo băng qua biên giới sang Sarawak (Malaysia) để xây đập Bakun cùng với các con đập khác do các công ty thủy điện Trung Quốc xây dựng tại đây cũng gây thiệt hại nặng nề cho các dân tộc bản địa như người Penan sống trong rừng và cả các loài động vật hoang dã, loài đười ươi Borneo và chim Hồng hoàng mũ cát.

Các dự án này đều gây tranh cãi nhưng lại là bình thường với các công ty thủy điện Trung Quốc. Công ty năng lượng quốc tế Hydrolancang được cho là ứng cử viên chính để xây dựng một con đập dài 18km trên sông Mê Công ở Sambor thuộc tỉnh Kratie (Campuchia) và theo một báo cáo bị rò rỉ thì con đập này sẽ giết Mê Công theo đúng nghĩa đen. Hàng triệu người dân nghèo ở nông thôn Campuchia dựa vào nguồn cá từ sông Mê Công làm chất đạm và về cơ bản đó là một nguồn chất đạm miễn phí – nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với Hydrolancang. Công ty này thậm chí không buồn chớp mắt khi ghé các làng, trường học, trang trại, ngư trường và các điểm hành lễ bị ngập nước ở tỉnh Stung Treng gần đó do ảnh hưởng của đập Hạ Sesan 2. Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất là phần lớn năng lượng từ đập Sesan 2 sẽ được xuất sang Việt Nam thay vì được sử dụng tại địa phương.

Xuôi xuống phía tây nam Campuchia, một con đập của Trung Quốc trên sông Tatai gần đây đã xả lũ ngay trong lúc có mưa lớn và cuốn trôi một resort du lịch sinh thái nổi tiếng được xây dựng trên sông. Những con “quái vật” ở sông như Cá tra dầu đang trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết.

Với một chuỗi bảy con đập lớn, Sinohydro đã cơ bản phá hủy sông Nam Ou dài 450 km ở miền bắc Lào, nơi có 84 loài cá, trong đó có 29 loài là đặc hữu. Các chuyến du lịch bằng thuyền hiện không còn được tổ chức trên con sông này nữa và hầu như tất cả điện năng sẽ được xuất sang Trung Quốc. Lào đã nói rõ rằng không quan tâm đến giá trị đa dạng sinh học của các con sông, một thái độ bổ sung cho sự hủy diệt gần như mang tính hệ thống và rập khuôn của tất cả các con sông chảy tự do ở Đông Nam Á. Và đáng chú ý là Lào vẫn hào hứng xúc tiến những con đập mới bất chấp thảm họa vỡ đập ở tỉnh Attapeu vào mùa hè vừa qua.

Các kỹ sư Trung Quốc muốn dùng chất nổ khơi thông các ghềnh đá trên sông Mê Công tại Thái Lan để tàu bè có thể dễ dàng qua lại hơn, nhưng những ghềnh đá này là nơi sinh sản của nhiều loài cá mà người dân địa phương sống dựa vào. Trong khi đó, một con đập trên phần sông Hồng ở Trung Quốc đã gây ra sự tàn phá ở Việt Nam khi Trung Quốc xả một lượng lớn nước lúc có bão.

Các công ty Trung Quốc đang tham gia vào rất nhiều dự án thủy điện ở Myanmar, nhiều dự án nằm trong các khu vực nhạy cảm về sắc tộc, quân sự và sinh học. Đập Myistone khổng lồ ở phía bắc đã bị dừng nhưng không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sông Salween – được gọi là sông Nu ở tỉnh Vân Nam – là một trong số ít con sông còn chưa bị xây đập ở Trung Quốc, do những lo ngại về sinh thái và nhân đạo của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhưng Trung Quốc lại muốn xây các con đập lớn trên Salween ở Myanmar. Nhiều đập của Trung Quốc trên các con sông ít được biết đến hơn ở Myanmar hoặc đang được xây dựng hoặc nằm trên bản vẽ.

Trung Quốc đã và đang xây dựng rất nhiều con đập trên sông Mê Công khiến tuyến đường thủy nổi tiếng vì đa dạng sinh học và thông thoáng này sẽ sớm trở thành một chuỗi các hồ nước ứ đọng. Nhiều thung lũng của tỉnh Vân Nam đã bị nhấn chìm mãi mãi, như phát hiện của một nhiếp ảnh gia trong hành trình từ cửa sông Mê Công ở Việt Nam đến thượng nguồn ở Tây Tạng, và một số người đang bắt đầu tự hỏi liệu Bắc Kinh có đang sử dụng các con đập trên sông Mê Công như một mối đe dọa quân sự chống lại các nước láng giềng, đe dọa sẽ giữ nước lại và khiến nạn đói bùng phát nếu họ không tuân theo các chính sách của Trung Quốc.

Có hàng ngàn con đập ở Trung Quốc, trong đó có nhiều con sông bị xây đập bắt nguồn từ Tây Tạng, Tân Cương… và chảy sang các nước láng giềng. Một số nhà bình luận nhận ra rằng mục tiêu thực sự của các con đập này là chuyển nước trở lại Trung Quốc thay vì để dòng chảy tự nhiên đến các nước láng giềng, hàm ý Trung Quốc đang trở thành “thủy bá”.

Các con đập của Trung Quốc trên sông Brahmaptura là trường hợp điển hình. Đập lớn nhất được xây dựng trên “đường bẻ cong” ngoạn mục, nơi Brahmaputra (còn gọi là sông Yarlung ở Tây Tạng) đổi hướng và chảy về phía nam vào Ấn Độ và Bangladesh. Dòng sông là một trong những mệnh mạch chính đổ vào hai nước này. Đập Tạng Mộc (Zangmu) sẽ cắt đứt dòng nước trọng yếu chảy đến các nước láng giềng phía nam nhưng không chỉ dòng chảy của sông trở nên thất thường, nó còn có thể vĩnh viễn giảm một lượng đáng kể nếu nước ở Tây Tạng được chuyển dòng sang các khu vực khác của Trung Quốc – điều mà Bắc Kinh rất có thể sẽ thực hiện.

Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc có vẻ là đầu tàu xây dựng con đập lớn nhất thế giới trên sông Congo ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Công ty này cũng chính là “thủ phạm” phá hủy hẻm núi từng là kỳ vĩ nhất của Trung Quốc – hẻm Tam Hiệp ở miền Trung nước này. Nó không khác gì một thảm họa môi trường. Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng nhiều đập trên lục địa châu Phi và những con đập này không chỉ đắt đỏ, như trường hợp một con đập trị giá 5,8 tỷ USD ở Nigeria, mà hầu như tất cả các con sông bị chặn để xây đập đều là các tuyến giao thông và ngư nghiệp quan trọng đối với người dân địa phương.

Nhiều đập thủy điện được xây trong các khu vực độc nhất vô nhị về mặt sinh học và làm ngập các sinh cảnh hoang dã, vườn quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã, thậm chí buộc cư dân bản địa sống trong khu vực phải di dời. Như Asia Sentinel đã ghi nhận, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi hầu như luôn làm tăng nạn buôn bán thịt thú rừng và gây ra suy thoái môi trường chung.

Trung Quốc hiện tham gia vào việc xây đập ở vùng Balkan, châu Mỹ Latinh, Philippines, Tajikistan, Nepal, Argentina, Fiji và nhiều nơi khác với phương châm không dòng sông nào là quá nhỏ, không quốc gia nào bị che khuất, không dự án nào không thể triển khai, đặc biệt khi nó được coi là một phần của chiến lược BRI.

Không chỉ áp đảo về mặt số lượng, chiến lược “thuỷ bá” của Trung Quốc còn gây mối lo ngại ngày càng tăng về tác động môi trường đối với các nước chủ nhà.

Trên thực tế, hầu hết các đập lớn đều không đáng tin cậy về mặt kinh tế chứ chưa nói đến chức năng như các nguồn năng lượng “xanh” mà những người ủng hộ vẫn rao giảng, thậm chí nhiều đập – đặc biệt là các đập ở vùng nhiệt đới – còn là các nguồn phát thải CO2 lớn và có thể gây ra thảm họa cho hành tinh. Tuy nhiên, điều quan ngại này không thể giảm tốc được các công ty Trung Quốc sốt sắng xây đập như Sinohydro, Hydrolancang và các công ty khác.

Hầu như các con sông của Trung Quốc đã bị “đập bể” nhiều lần và không còn nhiều việc để làm đối với kế hoạch xây đập trong nước, vì thế các công ty nước này dường như có nhiệm vụ vươn vòi ra khắp thế giới để xây đập trên các con sông hoang dã còn lại. Thật đáng lo ngại khi CEO của các công ty thủy điện Trung Quốc – với sự chống lưng từ Bắc Kinh – miệt mài nghiên cứu bản đồ các con sông lớn trên thế giới, rốt ráo lập kế hoạch để liên lạc với các chính phủ, bôi trơn nếu cần thiết, và sau đó tàn phá những con sông hoang dã của hành tinh – dưới danh nghĩa “tiến bộ” và “phát triển”, như thể chỉ một con đập là đủ đưa một quốc gia thoát khỏi đói nghèo.

Ngược dòng thời gian trở lại đầu thế kỷ 20, nhà sưu tầm thực vật vĩ đại người Anh Frank Kingdon-Ward, trong hành trình đi dọc biên giới Vân Nam – Miến Điện, đã nhận xét rằng khi Trung Quốc còn yếu, có thể nước này tử tế, nhưng khi mạnh lên thì nước này là người hàng xóm tồi tệ nhất. Ngày nay, điều này đúng không chỉ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ, Myanmar, Lào, Việt Nam mà với toàn bộ hành tinh. Và Trung Quốc cần phải bị ngăn bước cũng như chịu trách nhiệm cho các hành động của mình, nếu không suy thoái môi trường trên toàn hành tinh sẽ xảy ra với tốc độ ngày một chóng vánh.