Sản xuất thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái ở Đà Nẵng

ThienNhien.Net – Hiện nay, sản xuất thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường là vấn đề thời sự nóng hổi, ngay cả trong sản xuất nông nghiệp. Do người dân chưa thấy hết vai trò của nó, nên nhiều sản phẩm làm ra tuy đạt năng suất cao, quay vòng vốn nhanh nhưng không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Việc sử dụng các hóa chất trong sản xuất một cách tùy tiện dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt quá mức cho phép nhất là trong sản xuất rau, màu có vòng quay ngắn đang là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm qua ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc định hướng phát triển một nền nông nghiệp bền vững, sạch gắn với bảo vệ môi trường đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Nhiều giải pháp đặt ra đã phát huy hiệu quả như tổ chức sản xuất tập trung, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhờ vậy, sản phẩm nông nghiệp của thành phố được thị trường chấp nhận kể cả trong thời điểm ở một số địa phương khác đang có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Kết quả trên có được trước hết là do công tác vận động, tuyên truyền, ý thức của người dân cũng như sự hưởng ứng đồng thuận của toàn xã hội. T

hành phố đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể như qui hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung ở ngoại thành, hỗ trợ di dời, nghiêm cấm chăn nuôi trong nội thành, qui hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung…, bước đầu đã phát huy tác dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Đây là yếu tố cần thiết để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm tại địa phương.

Áp dụng qui trình chăn nuôi khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, công trình khí sinh học (hầm biogas) đã phần nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở những vùng chăn nuôi tập trung. Điển hình là trang trại của ông Huỳnh Như Khánh ở Thôn 5-xã Hoà Ninh – huyện Hoà Vang với diện tích khoảng 2 ha, kết hợp phát triển chăn nuôi heo hướng nạc với trồng tiêu.

Sản phẩm chính của trang trại là sản xuất heo thịt có tỉ lệ nạc cao cung cấp cho thị trường thành phố. Nhờ được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đầu tư, hỗ trợ con giống chất lượng cao và được cán bộ Trung tâm tư vấn kỹ thuật chăn nuôi tiến tiến như sử dụng chuồng lồng hoàn toàn, sử dụng con giống có chất lượng tốt, quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt, sử dụng chế phẩm EM…cũng như phương pháp phòng bệnh mà trang trại đã thu được những thành quả nhất định.

Ông Khánh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm bioga (25m3) để xử lý chất thải nuôi heo. Công trình khí sinh học này đã đem lại một nguồn lợi đáng kể, chỉ tính riêng cho việc dùng gas để đun nấu phục vụ gia đình mỗi năm, đã tiết kiệm được trên 2 triệu đồng tiền chất đốt. Ngoài ra, khí hầm bioga còn được tích hợp để sử dụng chạy máy phát điện công suất 2 Kw đủ để thắp sáng, sưởi ấm, chạy máy bơm nước phục vụ tại trại. Phụ phẩm của công trình xử lý sinh học cũng tiết kiệm chi phí phân bón khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhờ làm tốt khâu xử lý môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường nên những năm qua trang trại chăn nuôi hầu như không bị ảnh hướng bởi dịch bệnh từ bên ngoài vào.

Một ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp khác đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là mô hình sản xuất phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gia súc. Sản phẩm phân vi sinh làm ra, được người nông dân sử dụng cho trồng rau, màu ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Nhờ vậy vừa đảm bảo giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho chính người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Đặc biệt, việc bón phân hữu cơ vi sinh này vượt trội so với các loại phân hoá học khác như giúp đất tơi xốp, bổ sung các loại vi sinh vật hữu ích cho cây trồng và tiết kiệm được khoảng 3.800.000 đồng/ha/năm.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường về lâu dài giúp tạo dựng một nền nông nghiệp bền vững. Tận dụng tốt và triệt để nguồn phế phụ phẩm từ nông nghiệp, trả lại cho đất những gì mà ta lấy đi, đó cũng là cách mà chúng ta bảo vệ môi trường sống của chính mình. Để thay đổi một tập quán sản xuất lâu đời, cần phải có một quá trình bền bỉ, kiên trì, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. Trong đó vai trò của những người làm công tác khuyến nông đóng góp một phần không nhỏ. Sản phẩm của một nền nông nghiệp đô thị luôn gắn với một thị trường nhất định, đó là thị trường tại chỗ, thị trường nội địa.

Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tạo những kênh phân phối ổn định gắn với xuất xứ của sản phẩm rõ ràng, chính là những yếu tố tác động tích cực vào quá trình sản xuất những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái vùng quê ngày càng thu hút khách đến tham quan, thưởng ngoạn.