Liên Hợp Quốc công bố báo cáo hiện trạng các thành phố

ThienNhien.Net – Trong buổi ra mắt bản báo cáo xuất bản định kỳ “Hiện trạng các thành phố trên thế giới 2008-2009”, Giám đốc điều hành Chương trình Định cư của Liên hợp quốc (UN-HABITAT), Anna Tibaijuka, nhận định rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gắn với cuộc khủng hoảng nhà đất, do đó những người nghèo bị buộc phải tự lo liệu cho chính bản thân mình. Bà khuyến cáo các chính phủ phải có trách nhiệm cung cấp những ngôi nhà giá rẻ hơn cho những người có thu nhập thấp và không được thả nổi thị trường nhà đất.

Theo UN-HABITAT, sự phân bố thu nhập (được tính bằng hệ số Gini) khác nhau một cách rõ rệt giữa các khu vực kém phát triển, thể hiện rõ rệt nhất ở các thành phố châu Phi và châu Mỹ La tinh. Các thành phố thuộc các nước Nam Phi đứng đầu trong danh sách bất bình đẳng của thế giới, tiếp theo đó là các thành phố của Bra-xin, Cô-lôm-bi-a, Ác-hen-ti-na, Chi lê, Ê-cu-a-đo, Goa-tê-ma-la và Mê-hi-cô. Sự bất bình đẳng ở những khu vực này ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện rõ trong sự phân cách giàu nghèo một cách bất hợp lý, bắt nguồn từ những sai lầm mang tính hệ thống.

Bất bình đẳng tồn tại ở nhiều dạng, từ sự khác nhau giữa khả năng và cơ hội của con người, sự tham gia vào hệ thống chính trị cho tới sự chênh lệch trong mức sống và cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên, các dịch vụ và lợi ích cơ bản.

Bên cạnh những nguyên nhân truyền thống gây ra sự bất bình đẳng, như sự chia cắt về không gian, sự tiếp cận một cách không bình đẳng với giáo dục và kiểm soát các nguồn tài nguyên và thị trường lao động, hiện tại cũng đã xuất hiện thêm những nguyên nhân mới như bất bình đẳng trong việc tiếp cận với công nghệ và khả năng liên lạc. Việc không được tiếp cận với khoa học công nghệ cao ở các nước cận sa mạc Sa-ha-ra khiến khu vực này bị cô lập với nền kinh tế toàn cầu.

Tại châu Phi, sự bất bình đẳng trong thu nhập tại các thành phố cao nhất ở Nam Phi. Nuớc này vẫn chưa thể phá vỡ được mô hình kinh tế, chính trị tập trung vào tay một số ít người mặc dù những chính sách và chiến lược phân phối lại trong những năm gần đây đã giảm nhẹ được chút ít sự bất bình đẳng.

Mặt khác, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh tại vài nước châu Phi không làm giảm sự chênh lệch thu nhập và tiêu thụ. Thay vào đó, sự bất bình đẳng tại các thành phố ở châu Phi, bao gồm Ma-pu-tô (Mô-dăm-bích), Nai-rô-bi (Kê-ni-a) và A-bít-dan (Cốt-đi-voa), vẫn ở mức cao do vẫn có sự tập trung của cải trong tay một số cá nhân.

Nhìn chung, sự bất bình đẳng ở các thành phố tại các nước châu Phi có xu hướng cao hơn so với vùng nông thôn. So với các thành phố ở Bắc Phi thì các thành phố cận sa mạc Sahara ít có được sự bình đẳng hơn.

Trong khi đó, tại các nước đang phát triển tại châu Á, mức bình đẳng tại các thành phố có xu hướng cao hơn các nơi khác mặc dù mức bất bình đẳng tại các thành phố này có tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, như ở Hồng Kông (Trung Quốc), Niu Đê-li (Ấn Độ), Tp. Hồ Chí Minh, Đa-vao (Phi-líp-pin) và Cô-lôm-bô (Xơ-ri-lan-ca).

Ở Trung Quốc, mặc dù các thành phố tại Trung Quốc có xu hướng bình đẳng hơn các thành phố châu Á khác, trong đó Bắc Kinh là một trong số những thành phố bình đẳng nhất trong khu vực. Sự bùng phát của kinh tế Trung Quốc cũng dẫn tới sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng với nhau. Người dân sống tại những thành phố phía Đông của đất nước thường có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn những người sống tại các khu vực nông thôn miền Tây xa xôi.

Tại Băng-la-đét, Ấn Độ, Pa-kít-xtan và In-đô-nê-xi-a, mức độ bất bình đẳng tương đối thấp so với nhiều thành phố tại châu Âu, Ca na đa và Úc mặc dù tỉ lệ nghèo đói ở các nước này cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, các phân tích gần đây cho rằng, trong tương lai, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng tại các thành phố. Đó là hệ quả của các chính sách tự do hoá và công nghiệp hoá song thiếu hụt đầu tư vào những hàng hoá công cung cấp cho những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Bằng chứng từ nhiều nước trên thế giới cho thấy lợi ích từ tăng trưởng kinh tế không được hiện thực hoá trong những xã hội có mức độ bất bình đẳng và nghèo đói cực kỳ cao. Những xã hội có mức bất bình đẳng thấp thường đạt được hiệu quả cao hơn trong việc giảm tỉ lệ đói nghèo so với những nước mà mức bất bình đẳng cao hơn.

Bất bình đẳng cũng có tác động ngược tới hiệu quả kinh tế vì chúng làm tăng chi phí tái phân phối và ảnh hưởng tới sự phân bổ các nguồn tài nguyên đầu tư.

Bản phân tích của UN- HABITAT về tình trạng bất bình đẳng tại đô thị 28 nước đang phát triển chỉ ra rằng từ những năm 1980, gần một nửa trong số các nước này đã đưa ra các chính sách làm giảm mức độ bất bình đẳng tại các đô thị trong khi đang vẫn tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn như Ma-lai-xi-a đã đều đặn giảm được mức bất bình đẳng tại các đô thị kể từ những năm 1970 thông qua việc triển khai những chính sách vì người nghèo và phát triển tài năng cũng như nguồn lực con người.

Tương tự, Chương trình bình đẳng, ổn định và tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a đã đảm bảo được sự phân phối thu nhập và xoá đói giảm nghèo luôn là một bộ phận của phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách thúc đẩy sự bình đẳng tạo Ru-an-đa đã đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện nay không làm tăng tình trạng bất bình đẳng. Thực tế tại các nước này đã chỉ ra rằng việc tăng trưởng kinh tế mà không làm tăng sự bất bình đẳng là hoàn toàn có thể,và sự giảm thiểu mức độ bất bình đẳng về thực chất chính là một chiến lược tăng trưởng.