Những đập thủy điện “đắt giá”

ThienNhien.Net – Gói kích thích kinh tế trị giá 4 ngàn tỷ NDT (tương đương 585 tỷ USD) được chính phủ Trung Quốc công bố gần đây đã khơi lại mối quan tâm đến các dự án thuỷ điện ở vùng Tây Nam nước này. Tỉnh Vân Nam và tỉnh Tứ Xuyên đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được quy hoạch hay đang trong quá trình thi công. Đáng chú ý là nhiều công trình trong số đó được thi công trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tại công trường xây dựng đập Guanyinyan ở tỉnh Hồ Bắc, và đập Ludila ở tỉnh Quế Lâm việc thi công đang được thực hiện mặc dù cả hai con đập này đều chưa có bất cứ hoạt động đánh giá tác động môi trường nào. Thậm chí chưa có cả các kiểm định an toàn cơ bản nhất cũng như sự giám sát của chính phủ. Cơ quan chính phủ phụ trách thuỷ điện tuyên bố rằng các hoạt động đang triển khai là một phần của quá trình chuẩn bị nhằm đánh giá tính khả thi của công trình, song thực chất việc xây dựng, như làm đường, xây đập tràn và trụ cầu vẫn đang diễn ra. Phế thải từ hoạt động xây dựng được đổ trực tiếp xuống sông Jinsha và lượng bùn tăng lên nơi đây đang phá huỷ hệ sinh thái của vùng thung lũng khô hạn này.

Nghiêm trọng hơn, hồ chứa nước của đập nằm trên đoạn đứt gãy Chenghai và gần các dốc núi có nền địa chất không ổn định, nơi rất dễ xảy ra lở đất và động đất. Tháng 8 năm 2008, 8 người đã thiệt mạng trong một vụ lở đất gần đập Ludila. Rõ ràng đánh giá tác động môi trường là rất cần thiết khi đập được xây dựng ở khu vực dễ xảy ra các biến động địa chất.

Tương tự như vậy, tại đập Ahai thuộc tỉnh Yongsheng, các dự án vẫn tiếp tục được triển khai dù chưa có sự phê chuẩn chính thức. Các công trình phụ trợ như đường xá, đập tràn và trụ cầu đã hoàn thành cách đây 3 năm. Các nhà quản lý môi trường vẫn chỉ dự định khảo sát và xem xét có phê chuẩn dự án hay không trong khi con đập đã xây gần xong. Việc bỏ qua quá trình đánh giá tác động môi trường có nghĩa là dự án này bất hợp pháp, do vậy công việc được tiến hành bí mật. Người ta đã dựng lên các biển hiệu giống các biển hiệu của một khu vực quân sự nhằm hạn chế khách tham quan.

Trong lúc đó, công ty chủ đầu tư của dự án đập ở Jin’anqiao thuộc tỉnh Yulong chưa tiến hành bất kì nghiên cứu tác động môi trường nào mặc dù đập tràn, trụ cầu và bản thân con đập đã được xây xong và các máy phát điện đã được lắp ráp để thử nghiệm.

Dự án hệ thống 8 con đập dọc khe Hổ Khiêu là một trong các dự án thuỷ điện đầu tiên thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông, và kết quả là dự án này bị huỷ bỏ. Tuy nhiên, dự án này lại được triển khai tại thượng nguồn sông với một cái tên khác: Đập Longpan. Quy hoạch dự án không thay đổi, hoạt động khoan thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đang diễn ra. Nếu con đập này được xây dựng ở Longpan thì 100 000 người dân sống ở khu vực sông Jinsha sẽ buộc phải tái định cư và hơn 130 km2 đất nông nghiệp sẽ bị ngập. Điều đó cũng có nghĩa là dự án trị giá 40 tỷ NDT (tương đương với 5,9 tỷ USD) sẽ vi phạm trực tiếp lời cam kết của chính phủ là giữ lại tối thiểu 1.2 triệu km2 đất nông nghiệp. Các kết luận của quá trình đánh giá tác động môi trường đối với dự án này sắp được công bố.

Ở khu vực đập Saige trên dòng Nộ Giang, các hoạt động ở đường ngầm và các công trường xây dựng đang diễn ra. Trong quá trình chuẩn bị thi công, các nhánh của sông Nộ Giang bị chia nhỏ cho các nhà thầu. Mặc dù chưa triển khai đánh giá tác động môi trường, hoạt động xây dựng vẫn diễn ra từ vài năm trước. Chưa có một dự án nào lại gây ra nhiều tranh cãi như dự án này: các vấn đề về đa dạng sinh học, xói mòn đất, các thảm hoạ địa chất, công tác di dời và di sản văn hoá đều thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, báo chí và cộng đồng đang đối mặt với một cuộc đấu tranh đầy khó khăn nhằm bảo vệ dòng sông lớn cuối cùng chưa bị khai thác của Trung Quốc. Đập Yabiluo trên dòng sông này được dự tính xây dựng chỉ cách khu vực di sản thế giới UNESCO 5,5 km, với hồ chứa mở rộng tới khoảng 3 km. Hồ chứa Maji thậm chí còn ở gần hơn: bản thân con đập sẽ chỉ cách di sản thế giới 2 km, và hồ chứa nước cách 810 m. Khi phải lựa chọn hai phương án giữa bảo tồn di sản và tiếp tục xây dựng các dự án thuỷ điện, chính quyền địa phương sẽ luôn luôn tìm cách biện minh để chọn lựa phương án thứ hai.

Sự phát triển thuỷ điện sẽ có tác động tiêu cực nhất tới thổ nhưỡng, hệ thực vật, các dòng sông cũng như các thế hệ dân tộc thiểu số địa phương (người Yi, Lisu, Nu, Pumi, Naxi và Tibetans). Các dân tộc sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích quốc gia và chỉ mong được sống yên ổn. Mức sống của người Naxi ở thị trấn Shigu, thuộc Lijiang – một điểm chuyển tiếp chính giữa Long March và làng Chezhou của tỉnh Shangri – La, cao hơn nhiều dân tộc khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các dự án thủy điện có thể đẩy họ trở lại tình cảnh đói nghèo. Đa số người dân ở đây không muốn di dời. Họ cho rằng nếu dự án này có thể mang lại lợi ích cho cả quốc gia và người dân, thì tại sao không tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường công khai.

Sự phát triển thuỷ điện sẽ mang lại nhiều tổn hại về mặt xã hội và môi trường. Các hồ chứa sẽ làm ngập úng một diện tích lớn đất nông nghiệp và các hệ sinh thái; hoạt động xây dựng sẽ thải một lượng lớn rác thải xuống các dòng sông, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động tưới tiêu ở thượng nguồn. Vấn đề tái định cư của người dân địa phương sẽ gây áp lực lên nguồn tài nguyên đất, trong khi các cánh đồng ngập trong nước sẽ thải khí mêtan – một khí nhà kính rất độc hại – vào không khí. Thậm chí nếu chúng ta bỏ qua các nhân tố “mềm” như tác động lên di sản, văn hoá và cảnh quan, thì thuỷ điện cũng không có nghĩa là năng lượng “sạch”. Tuy nhiên, ở tỉnh Vân Nam dường như không có gì cản trở các dự án này. Đánh giá tác động môi trường trở thành quá trình ngoài lề và mang tính tượng trưng. Cả chủ thầu và chính quyền địa phương đều biết rằng, cho tới bây giờ, một nghiên cứu tác động môi trường chưa bao giờ ngăn chặn được một dự án xây đập.

Người ta có thể tàn phá tất cả các hệ sinh thái sông ở Trung Quốc vì lợi ích kinh tế, nhưng rồi họ sẽ nhận ra rằng số tiền kiếm được không thể bù đắp cho những mất mát khác. Các dự án thuỷ điện ở Tây Nam Trung Quốc cần có sự đánh giá chính xác hơn nhằm đảm bảo sự phát triển hợp lý, với sự quan tâm đầy đủ tới các tác động của quá trình xây dựng và di dời các con đập. Trung Quốc cần phải thảo luận về các tác hại đối với hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, đa dạng sinh học, các nhu cầu văn hoá xã hội với các thảm hoạ địa chất. Nếu định hướng phát triển kinh tế dựa trên cơ sở khoa học, thì các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cho các dự án thuỷ điện sẽ không chỉ mang tính chất tượng trưng.