Qatar đối mặt với rủi ro khí hậu gia tăng

Tại một công viên ngoại ô gần Doha, Thủ đô của Qatar, không khí mát mẻ nhờ việc áp dụng công nghệ tạo mát dưới lòng đất đang giúp những người chạy bộ thêm thích thú vào một ngày của tháng 11.

Cổ động viên mặc áo đấu của Messi chạy tại Công viên Al Gharafa ở Doha, Qatar. Ảnh: AP

Thiệt hại lớn do tác động của biến đổi khí hậu

Là một bán đảo nhỏ nhô ra Vịnh Ba Tư, Qatar nằm trong khu vực ngoài Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. Hiện nay, những công viên nhỏ ở Qatar mang đến con đường mát lạnh và nhiệt độ hầu như luôn ở mức 32 độ C. Nguồn khí đốt giàu có là một trong những thế mạnh giúp Qatar có thêm thu nhập để ứng phó với các hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết.

Ông Jos Lelieveld, nhà hóa học khí quyển tại Viện Max Planck của Đức cho biết: “Khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn. Một phần nguyên nhân là do vùng biển Vịnh Ba Tư ấm lên, vùng biển nông và hẹp làm tăng độ ẩm ngột ngạt ở Qatar”.

Công viên Al Gharafa ở Doha, Qatar. (Ảnh: AP)

Theo ông Karim Elgendy, cộng tác viên tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London (Anh), đây là một môi trường khá khó khăn. Nếu không có khả năng chi trả cho nguồn thực phẩm nhập khẩu, điều hòa không khí và khử muối từ nước biển thì đất nước này sẽ không thể tồn tại.

Qatar đang phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ đáng kể so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học và những chuyên gia khác quan tâm đến biến đổi khí hậu đang cố gắng giữ cho nhiệt độ toàn cầu không vượt qua 2 độ C vì nghiên cứu cho thấy khả năng tăng quá cao sẽ gây rối loạn thời tiết nghiêm trọng, khiến nhiều người trở thành người vô gia cư, gây ngập lụt bờ biển và phá hủy hệ sinh thái.

Mohammed Ayoub, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu môi trường và năng lượng tại Đại học Hamad bin Khalifa nhận định: “Qatar đã thiệt hại nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những quốc gia nóng nhất thế giới và đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán và bão cát bụi”.

Đất nước giàu có về năng lượng

Nếu Qatar là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo đầu người thì đây cũng là một trong những nước gây ô nhiễm nhất nếu tính theo đầu người. Thậm chí, Qatar nhỏ hơn cả bang Connecticut của Mỹ, nhưng do sở hữu nguồn khí đốt phong phú nên rất nhiều chiếc SUV cỡ lớn chạy trên đường phố Qatar. Ngay cả nước uống ở đây cũng phải sử dụng nhiều năng lượng để tạo ra. Tất cả các nhà máy đều phải sử dụng hết công suất để khử mặn từ nước biển, tạo áp lực đẩy nước biển qua các bộ lọc nhỏ nhằm lấy nước uống phục vụ sinh hoạt và ăn ở.

Trong những năm gần đây, Qatar từng thực hiện các cam kết về khí hậu. Tại các cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris năm 2015, Qatar cũng đặt mục tiêu sẽ cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Mặc dù, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon tại các cơ sở sản xuất khí đốt được thảo luận nhiều nhưng vẫn chưa thể triển khai ở quy mô lớn.

Qatar vừa kết nối với một nhà máy điện mặt trời với lưới điện có thể cung cấp 10% nhu cầu năng lượng sạch quốc gia với công suất tối đa. Đồng thời, Doha có nhiều hệ thống tàu điện ngầm mới, cũng như không gian xanh và công viên. Tuy vậy, mục tiêu cắt giảm phát thải khí đốt trong 7 năm tới của nước này vẫn còn mơ hồ.

Tại Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Qatar Sheikh Faleh bin Nasser bin Ahmed bin Ali Al Thani cho biết, quốc gia này đang nỗ lực để đưa những tham vọng này thành sự thật. Tuy nhiên, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Qatar chưa cung cấp thông tin về kế hoạch giảm phát thải.

Vòi phun nước trên vỉa hè, nhìn ra đường chân trời của Doha, Qatar (Ảnh: AP)

Qatar từng tuyên bố một trong những nỗ lực chính là đa dạng hóa nền kinh tế. Theo nhiều nhà quan sát, việc đăng cai tổ chức World Cup 2022 là một phần trong kế hoạch của đất nước nhằm chuyển đổi từ một quốc gia dầu mỏ và khí đốt sang quốc gia phát triển kinh tế giải trí, để nỗ lực trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách thông qua việc tổ chức các sự kiện lớn trên toàn cầu. Lần đầu tiên đăng cai World Cup 2022, Qatar đã xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trong thời gian dài.

Ngoài ra, các quan chức Qatar và một số học giả đánh giá, việc đất nước này xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng trên khắp thế giới có thể giúp quốc gia Ả rập chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa đồng tình với nhận định này bởi mức độ phát thải từ các cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên đang ngày càng rõ ràng. Rò rỉ khí đốt tự nhiên cũng có hại cho khí hậu hơn nhiều so với carbon dioxide. Đầu năm 2022, tập đoàn khí đốt khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Qatar Energy đã tham gia một cam kết nhằm giảm lượng khí thải mê-tan từ các hoạt động của ngành vào năm 2030. Khí mê-tan là thành phần chính của khí đốt tự nhiên.