Sáng kiến 3R có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam

ThienNhien.Net – “Trong bối cảnh những vấn đề về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường do chất thải đang ngày càng ra tăng, sáng kiến 3R với trọng tâm phòng tránh, giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải do Chính phủ Nhật Bản đề xuất năm 2004 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn các nhà tài trợ về Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3R) diễn ra tại Hà Nội sáng 26/03.

Theo Bộ trưởng, thực hiện sáng kiến 3R, Việt Nam không chỉ giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra, giảm thiểu được chi phí quản lý mà còn tiết kiệm được đất dành cho việc chôn lấp chất thải rắn. Thời gian gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam đã thực hiện những dự án về phân loại, tái sử dụng, tái chế chết thải và bước đầu phát huy hiệu quả, trong đó điển hình là Dự án 3R do JICA Nhật Bản hỗ trợ.

Dự kiến, Chiến lược Quốc gia về 3R sẽ được Bộ TN&MT hoàn thiện để trình Chính phủ vào cuối năm 2009. Tại Hội thảo ngày 26/03, Bản dự thảo thứ 4 Chiến lược Quốc gia về Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) đến 2020 đã được giới thiệu nhằm thu nhận ý kiến góp ý của các nhà tài trợ và các cơ quan chức năng.

Ngoài việc xác định hiện trạng, giải pháp, Chiến lược đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp từ nay đến năm 2020 để thúc đẩy thực hiện Sáng kiến 3R. Dự thảo do Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện với sự hỗ trợ của Trung Tâm Liên Hợp Quốc về Phát triển vùng (UNCRD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu và Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ).

Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020, 95% chất thải rắn được thu gom và 60% được tái sử dụng và tái chế. Các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu trên được Dự thảo đề ra là: nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường chính sách, pháp luật, thể chế về quản lý chất thải; tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng về quản lý chất thải; thúc đẩy nghiên cứu khoa học…

Dự thảo cũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải do Bộ trưởng Bộ TN&MT làm Trưởng ban và xây dựng Luật Khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải.