Sản xuất nhiên liệu sinh học từ mù tạc

ThienNhien.Net – Theo nhật báo El Mundo ra ngày 02/03, một nhóm các nhà khoa học Áchentina và Tây Ban Nha đang phối hợp nghiên cứu điều chế nhiên liệu sinh học từ cây cải mù tạc, với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học và giảm tác động của hoạt động sản xuất này tới an ninh lương thực.

Nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành thí nghiệm với hai giống mù tạc có nguồn gốc từ Êtiôpia (Brassica carinata) và Ấn Độ (Brassica juncea), vì theo họ đây là loại có hàm lượng dầu cao (giá trị năng lượng cao).

Giáo sư nông học Antonio de Haro, thuộc trường Đại học Cordoba (Tây Ban Nha), cho biết, ý tưởng khoa học này xuất phát từ sự phản đối của nhiều tổ chức xã hội trên thế giới đối với việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ đậu tương, mía và ngô vì cho rằng hành động này sẽ tác động xấu tới việc cung cấp lương thực cho các nước nghèo.

Ông Haro nhấn mạnh, cây mù tạc sinh sôi tại những vùng đất khô cằn hoặc bán khô cằn, có thể trưởng thành trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt và có khả năng chống sâu bệnh cao, do đó việc phát triển loại cây này vừa không ảnh hưởng tới sản xuất lương thực, vừa ít chịu đựng về rủi ro từ thiên tai và dịch bệnh hơn.

Các nhà khoa học thuộc dự án trên đang nghiên cứu phương pháp kích thích những đặc điểm tự nhiên, đồng thời tác động vào gien nhằm giảm bớt quá trình nở hoa và tăng khả năng tích trữ dầu của hạt mù tạc.

Nhà sinh học người Áchentina – Daniel Sorlino, một thành viên khác của nhóm, cho biết, cây mù tạc đặc biệt có lợi đối với Áchentina, quốc gia có tới hai phần ba diện tích là đất bán khô cằn. Mặt khác, đây có thể là nguồn năng lượng xuất khẩu thay thế cho nhiên liệu từ đậu tương -hiện vẫn là sản phẩm nhiên liệu sinh học duy nhất tại quốc gia Nam Mỹ này, nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu của Liên minh châu Âu do chứa hàm lượng iốt cao.

Tuy nhiên, ông Sorlino vẫn khẳng định rằng nhiên liệu sinh học chỉ là một giải pháp trung hạn cho sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch, về lâu dài, câu trả lời vẫn nằm ở khí hiđrô.