Tây Nguyên khát

ThienNhien.Net _ Khí hậu khu vực Tây Nguyên đã và đang có những biến đổi lớn. Tây Nguyên hiện đang là cao điểm của mùa khô. Những cơn mưa rải rác xuất hiện khó giúp Tây Nguyên thoát cảnh “khát nước”, hạn hán thời gian tới.

Theo Ông Ngô Chí Bình- Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện các nguồn nước ở Tây Nguyên đang cạn kiệt. Các hồ lớn như Biển Hồ, hồ thủy điện Ia Ly, hồ chứa Ayun Hạ…mực nước đã xuống mạnh. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên nhận định, mùa khô Tây Nguyên sẽ khắc nghiệt hơn trong vài tháng tới.

Cây trồng đối mặt với mùa hạn mới

Báo Nông thôn ngày nay số 47 – ngày 06/03/2009, có viết: “Hàng nghìn hecta cây trồng tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, đặc biệt là các huyện Cư Mgar, Krông Năng, Buôn Đôn, Lăk (Đăk Lăk); Đức Xuyên, Đăk Min (Đăk Nông) và Đức Trọng, Bảo Lộc, Đại Nga… (Lâm Đồng) đang đối mặt với tình trạng thiếu nước cuối vụ”.

Mực nước trên các ao hồ, sông suối hiện đang trong thời kỳ cạn kiệt, mực nước ngầm giảm sút do người dân sử dụng để tưới cà phê. Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tây Nguyên hiện có khoảng gần 470.000ha cà phê. Trong nhiều năm qua, nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng diện tích cà phê trồng mới. Việc tăng diện tích cà phê đã gây một áp lực lớn đối với nguồn nước tưới, nhất là với những vườn cà phê ở xa nguồn nước.

Nỗi lo thiếu nước tưới luôn thường trực với hầu hết những người trồng cà phê. Ngay cả những ngày vui nhất như ngày Tết cổ truyền, nhiều gia đình vẫn tranh thủ đang Tết tưới nước cho cà phê nếu không ra Tết nhà nào cũng tưới lại thiếu nước. Một đôi vợ chống trẻ mới cưới trước Tết, cũng tranh thủ tưới 1,5ha cà phê được cho làm vốn, xong mới dành thời gian “trăng mật”.

Tỉnh Gia Lai có trên 75.000ha cà phê, trong đó diện tích cà phê có sẵn nguồn nước tự chảy, gần ao hồ chỉ chiếm 20%, còn lại 80% trông vào lượng mưa. Toàn xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) có 1.200ha cà phê, hầu hết đều trong tình trạng thiếu nước tưới. Theo ông Cao Văn Truật – Chủ tịch xã, xã đã vận động 300 người ra quân làm thủy lợi, 2km kênh mương nội đồng đã được nạo vét nhưng cũng không cải thiện được tình hình.

Không riêng gì cây cà phê mà tất cả cây trồng cần nước ở Tây Nguyên cũng đang trong tình trạng tương tự. Toàn vùng hiện có 17.254ha hồ tiêu (tăng 1.318ha so với năm 2007), gần 240.000ha ngô, chưa kể lạc, đậu tương, thuốc lá, bông vải rất cần nước.

Năm 2008, chỉ riêng hai tỉnh Gia Lai và Đăklăk đã bị thiệt hại gần 10.000ha ngô, đậu các loại, trong đó có khoảng 7.000ha ngô phải phá bỏ gieo trồng lại vụ hai, số diện tích còn lại thì bị giảm năng suất đáng kể do hạn.

Đất Ia Lâu – Chư Prông (Đăk Lăk) đã 4 tháng mà chưa có mưa, 300ha lúa của xã đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, trong đó khoảng 100ha mặt ruộng đã rạn vết chân chim. Hạn cục bộ cũng đã bắt đầu xuất hiện tại TP.Pleiku, các huyện Mang Yang, Đăk Pơ… (Gia Lai) khiến gần 450ha lúa thiếu nước trầm trọng.

Mực nước ngầm trên địa bàn các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Đăk Pơ, Kon Chro, Krông Pa… đang xuống khá nhanh. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài tại đây, hàng nghìn ha cây trồng trong vụ đông – xuân 2008-2009 sẽ đối mặt với hạn hán.

Theo ông Nguyễn Văn Hựu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Đoa, mặc dù Phòng NN&PTNT đã tổ chức cho người dân ở các xã gặp hạn nạo vét kênh mương, điều tiết nước tưới tại các khu vực có hồ chứa, suối nhằm tranh chấp nguồn nước phục vụ sản xuất nhưng hạn hán khả năng sẽ lan rộng vì nắng nóng vẫn kéo dài. Hiện đã có gần 100ha lúa mới gieo trồng hơn 2 tháng đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Hạn cục bộ cũng bắt đầu xuất hiện tại Kon Tum, hơn 10ha lúa nước tại các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi… đang thiếu nước trầm trọng. Nhiều biện pháp chống hạn như tiết kiệm và tích nước dự trữ, nạo vét kênh mương được tiến hành nhưng nguy cơ thiếu nước là khó tránh khỏi.

Trong điều kiện thời tiết khô hanh như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk dự báo khô hạn sẽ xảy ra vào cuối vụ, nhất là tại các địa phương không chủ động được nguồn nước tưới.

Người dân thiếu nước nghiêm trọng

Tình trạng hạn hán không những gây thiệt hại về cây trồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân.

Tại thị trấn Đức An (Đăk Song), thị trấn Kiến Đức (Đăk R’lấp), mực nước các giếng đào đã tụt một cách rất nhanh chóng, đến nay, hầu hết đã cạn khô. Người dân đã đào giếng sâu thêm nhưng vẫn không tìm thấy mạch nước ngầm. Các công trình nước sạch tập trung lại không đủ công suất phục vụ.

Theo một số người dân ở đây, vài tuần gần đây, nhiều gia đình bắt đầu phải mua nước với giá từ 40.000-50.000 đồng/m3 nước. Tại trường phổ thông Dân Tộc Nội trú huyện Đăk Song, 30 thầy giáo và 120 học sinh trọ học đã phải cắt bớt tiền ăn để mua nước nhiều tuần nay.

Theo ông Vũ Đình Trung – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ công huyện Đăk Song, công suất thiết kế ban đầu của các giếng khoan chỉ cung cấp đủ cho nhân dân tại thời điểm đó (năm 2003). Từ đó đến nay, hệ thống này không được đầu tư nâng cấp gì thêm, trong khi dân số 5 năm trở lại đây tăng nhanh nên việc thiếu nước là đương nhiên.

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện mực nước ngầm tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang dần cạn kiệt kết hợp với những biến đổi khí hậu khó lường nên khả năng hạn hán xảy ra trên diện rộng là rất lớn. Nếu cuối tháng 4-5 không có mưa đầu mùa cải thiện tình hình khan hiếm bề mặt thì các tỉnh Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) chắc chắn sẽ phải đối mặt với hạn nặng.