Đôi điều băn khoăn về khoán rác

Trong hai năm 2005 và 2006, với hình thức khoán rác cho Công ty Môi trường đô thị TP và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện ở TPHCM, ngân sách chi cho ngành vệ sinh đô thị đã giảm 10 tỷ đồng mỗi năm và chất lượng vệ sinh TP có cải thiện.

Đơn vị chủ quản thường dựa vào khối lượng rác thực hiện của năm trước làm cơ sở khoán cho năm sau.

Tuy nhiên, do lượng rác tăng – giảm thất thường như năm 2005, lượng rác TP thải ra giảm 2% so với năm 2004 nhưng trong năm 2006 lại tăng 8%) nên các đơn vị nhận khoán đã gặp không ít khó khăn.

Hợp tác xã rác Công Nông là đơn vị tập thể có mấy chục năm làm dịch vụ về rác. Trong năm 2006, Công ty Môi trường đô thị nhận khoán từ cấp trên rồi khoán lại cho HTX chở 483 tấn rác mỗi tháng nhưng thực tế bình quân mỗi tháng hợp tác xã chở tới 550 tấn.

Một số vấn đề được đặt ra: Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường từ cầu Kinh Tẻ quận 7 qua đường Nguyễn Văn Linh (Nhà Bè) có nhiều rác và xà bần nằm dọc hai bên đường.

Công ty Dịch vụ công ích quận 7 đề nghị Công ty Môi trường đô thị hỗ trợ phương tiện để dọn lượng rác này. Công ty Môi trường đô thị sẵn sàng hỗ trợ phương tiện nhưng dọn xong thì kinh phí này được thanh toán từ nguồn nào!? Tại đầu cầu Tăng Long quận 9 có một hố sâu lưu trữ rác từ lâu, gây ô nhiễm nặng và mất vệ sinh. Công ty Dịch vụ công ích quận 9 kiến nghị Xí nghiệp Vận chuyển 3 thuộc Công ty Môi trường đô thị dọn sạch hố rác.

Thế nhưng, trong quá trình dọn và vận chuyển rác, các công nhân ở đây đã bị lập biên bản xử phạt với lý do không báo trước với ngành chức năng (?).

Chưa hết, hình thức khoán rác tránh được tình trạng tranh giành rác dẫn đến kiện cáo, và từng đơn vị được phân công địa bàn rõ ràng hơn. Thế nhưng do khoán nên… mạnh ai nấy làm, không theo quy trình thống nhất của ngành vệ sinh dẫn đến tình trạng mỗi quận tự đầu tư phương tiện không đồng bộ về kỹ thuật.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị, đề nghị: “Ngành chức năng nên có một cơ chế khoán rác tăng giảm phù hợp. Khi tăng khối lượng rác, nên chăng hỗ trợ bằng hình thức trợ giá cho những đợt phục vụ Tết hay lễ hội của TP để công nhân vệ sinh an tâm và giúp cho đơn vị đầu tư phương tiện hiện đại.

Bên cạnh đó, dù có tổ chức đấu thầu, xã hội hóa ngành vệ sinh hoặc tiếp tục khoán, ngành chức năng cũng nên sớm nghiên cứu để có quy trình làm vệ sinh thống nhất và đồng bộ, tập trung, quản lý một đầu mối”.