Năm 2009: Trái đất tiếp tục nóng lên

ThienNhien.Net – Dưới đây là trích đoạn từ lời tựa cuốn sách <i>State of the World 2009: Into a Warming World </i>(Thế giới năm 2009: Sự nóng lên toàn cầu), được Viện Quan sát Thế giới xuất bản vào trung tuần tháng 1 năm 2009 của tiến sĩ Rajenda K. Pachauri, Tổng giám đốc Viện Năng lượng và tài nguyên kiêm Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.

” Nội dung của cuốn sách State of the World 2009: Into a Warming World nhận được sự quan tâm đặc biệt vì nó dựa trên những kết quả nghiên cứu trong bản báo cáo đánh giá lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Cuốn sách đưa ra một bức tranh tổng thể và dễ hiểu về những chính sách cấp thiết mà chúng ta đang chuẩn bị để đối phó với mối hiểm hoạ nghiêm trọng này.
Bản báo cáo của IPCC cung cấp cho cộng đồng thế giới những thông tin cập nhật thông qua đánh giá tổng quan về những thay đổi khí hậu rõ rệt so với thời điểm báo cáo đánh giá lần thứ ba. Dựa trên những chứng cứ khoa học xác đáng, IPCC đã tuyên bố rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự nóng lên của khí hậu đã quá rõ ràng qua quan sát về mức tăng nhiệt độ trung bình của không khí và đại dương, băng tuyết đang tan trên diện rộng và mực nước biển trung bình cũng dâng lên trên toàn thế giới”. Những bằng chứng quan sát trong khoảng 150 năm vừa qua cũng đưa đến những kết luận tương tự, chẳng hạn 11 trong số 12 năm vừa qua được ghi nhận là những năm nóng kỷ lục, xét trên nhiệt độ bề mặt toàn cầu.
Cuốn sách State of the World cũng khẳng định khoảng cách giữa sự ỳ trệ trong cách tiếp cận vấn đề của nền kinh tế và những hành động để giảm thiểu khí thải nhà kính nhằm hạn chế thay đổi khí hậu. Tổng thư kí Liên hợp quốc, ông Ban-Ki-moon, đã hoàn toàn đúng đắn khi gọi sự biến đổi khí hậu là “thách thức của thế hệ chúng ta”. Nhiều đại diện của các quốc gia trên thế giới cũng có cùng quan điểm về tầm quan trọng của việc nhìn nhận nghiêm túc sự biến đổi khí hậu khi quyết định hành động và xây dựng kế hoạch cho tương lai.

State of the World đã cơ cấu một cách hợp lí thách thức này khi nêu cao tầm quan trọng không chỉ của công nghệ mới mà còn ở cách tiếp cận khác nhau trong hành động và sự lựa chọn của con người. Yếu tố quan trọng cho các giải pháp tương lai là cách thức khác để quản lý thế giới, cho phép việc xem xét một cách cực kỳ kỹ lưỡng bất cứ thỏa hiệp toàn cầu nào trước khi nó được thi hành.
Một điều rất đáng thất vọng là mặc dù Hiệp định khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) ra đời từ năm 1992, chúng ta mất tới 5 năm sau đó để tiến tới Nghị định thư Kyoto và cho tới tận 16/02/2005 nghị định thư mới có hiệu lực .  

Trái lại với tình trạng ảm đạm này, chỉ ngay sau khi IPCC công bố bản báo thứ 4, hi vọng đã được nhen nhóm khi Hội nghị về BĐKH lần thứ 13 diễn ra tại Bali vào tháng 12/2007 cuối cùng cũng thông qua một số hành động thiết thực trước năm 2012, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực. Hội nghị được lùi lại 4 tuần sau khi Báo cáo tổng hợp được xuất bản, nhờ đó các đại biểu có thời gian nghiên cứu những thông tin IPCC đưa ra. Kế hoạch hành động Bali được thông qua kéo theo nhiều tranh luận chắc chắn sẽ mang hi vọng cho tương lai. Những thảo luận ở Bali và các quyết định cuối cùng đều dựa trên những đánh giá ban đầu của bản Báo cáo tổng hợp, tài liệu cuối cùng trong báo cáo đánh giá lần thứ tư của IPCC.
Nhiều nhà bình luận trong những tháng gần đây đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến sự mất cân bằng trên thị trường lương thực thế giới, làm người nghèo điêu đứng. Hiện nay đã có nhiều bằng chứng xác đáng về việc nguồn cung lương thực đang bị đe doạ bởi những biến đổi khí hậu, đặc biệt là nếu nhiệt độ trung bình tăng lên 2,5oC so với thời kì tiền công nghiệp. Một số khu vực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn các khu vực khác. Châu Phi là một ví dụ. Năm 2020, cả châu lục này sẽ có 75-250 triệu người phải chịu cảnh khan hiếm nước vì biến đổi khí hậu. Nhiều nước có thể sẽ mất đến 50% đất nông nghiệp.
Tác động tiêu cực của con người liên quan trực tiếp đến những địa phương cụ thể, vì không chỉ những biến đổi khí hậu ở các khu vực khác nhau trên Trái đất không giống nhau mà khả năng thích nghi của từng vùng với biển đổi khí hậu cũng rất khác nhau. Ở nhiều nơi có thể đã đạt tới và thậm chí vượt quá mức độ nguy hiểm do sự can thiệp của con người. Một số đảo nhỏ chỉ cao hơn mực nước biển chừng 1 đến 2m thường phải đối mặt với bão lũ, đe doạ nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và vật chất của con người.
Những giải pháp giúp duy trì nồng độ khí nhà kính trong khí quyển hiện nay thường được đánh giá là ít tốn kém và phần lớn khi được áp dụng trên diện rộng có thể giảm mạnh chi phí hơn. State of the World 2009 giải thích rất rõ những lợi ích của việc khai thác năng lượng nghèo cacbon trên quy mô lớn. Thế giới chưa tiếp cận nhiều với giải pháp này đơn giản bởi vì chúng ta chưa tận dụng hết ích lợi của quy mô kinh tế. Chúng ta còn thiếu các nghiên cứu phát triển khoa học kĩ thuật để giải quyết hiệu quả và nhanh chóng vấn đề.

Thông điệp chính từ State of the World 2009 là: nếu thế giới không hành động sớm và có biện pháp thích hợp thì ảnh hưởng của biến đổi môi trường sẽ ngày càng nguy hiểm và vượt quá khả năng thích nghi của chúng ta. Trong khi đó, chi phí và tính khả thi của việc làm giảm khí thải nhà kính nằm trong khả năng của chúng ta và có thể đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều thành phần xã hội.
Ấn phẩm này ra đời đúng lúc các chính phủ đang đi đến thoả hiệp ở Copenhagen cuối năm 2009 để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu. Nó thực sự đã ảnh hưởng đến các đại diện đàm phán đến từ các nước khác nhau để nhìn nhận sâu xa hơn những mối quan tâm thiển cận thường được viện làm lí do trì hoãn hành động. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm khuyến khích và tham gia thể hiện quyết tâm và cam kết chinh phục thách thức này của thế giới trước khi quá muộn.”