Lâm Đồng: Khó cản di dân tự do

ThienNhien.Net – Đặt chân đến đất Lâm Đồng, hầu hết các hộ di dân tự do đều “hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không”. Nhiều người không nói được tiếng kinh cùng với thói quen sống “nay đây mai đó” đã khiến chính quyền tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn làn sóng di dân của người dân tộc thiểu số cũng như việc định cư ổn định lâu dài cho họ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ năm 2001 đến nay tỉnh naỳ đã có trên 6650 hộ với gần 30.000 nhân khẩu di cư tự do đến, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Phần lớn dân di cư tự do đến ở tập trung tại một số huyện như Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai và Bảo Lâm với số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Ông K’breu, Bí thư Đảng ủy huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết, chỉ tính riêng trong 3 năm (2006-2008) địa phương này đã “bất đắc dĩ” đón nhận khoảng 2260 hộ dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc đến ở tại 05 xã vùng ba gồm Đ M’rong, Đạ Tông, Liêng Srônh, Rô Men và Đạ K Nàng. Không thể vận động được những hộ dân này về nơi ở mới, chính quyền của địa phương cũng gần như bất lực luôn trong việc ngăn chặn những đợt người di cư rải rác sau đó.

Cũng theo ông Phan Thanh Lai, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông thì từ năm 2001 địa phương vùng sâu vùng xa này đã bắt đầu có người di cư tới ở. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực vận động liên tục, đến nay huyện cũng chỉ mới định cư tại chỗ được cho khoảng 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu tại xã Rô Men.

Điều làm cho chính quyền các cấp tỉnh Lâm Đồng hết sức quan ngại là niện nay trong khi các địa phương chưa quản lý tốt được lượng người di dân, đã có hàng trăm hộ dân đến những khu vực rừng xung yếu để chặt phá cây rừng lấy đất làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp trên 70 hộ dân tộc Mông với hơn 300 nhân khẩu đã tự ý vào tiểu khu 252, 287 thuộc địa bàn xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà chặt phá cây rừng lấy đất để làm nhà và sản xuất cây lương thực, rồi gửi đơn đến chính quyền địa phương xin lập làng giữa rừng già vào tháng 06/2008.

 
chat rung
Rừng thường xuyên bị đốn trụi như thế này ở những nơi có người di cư đến.

Ông Trần Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, đối với số bà còn mới di dân đến địa phương, chính quyền huyện gần như không thể kiểm soát hết được, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng chục ha rừng tại một số khu vực xa khu dân cư liên tục bị đốn hạ. Còn theo ông Lê Văn Đạo, Chủ tịch UBND huyện Di Linh thì vì địa phương này có nhiều diện tích rừng, đa số đều nằm xa khu vực dân cư sinh sống nên ngành chức năng rất khó phát hiện kịp thời khi các hộ dân di cư mới tới ở. Khi họ đã đến ở, làm nhà và lấy đất lâm nghiệp làm đất sản xuất nông nghiệp thì rất khó để vận động thậm chí cưởng chế đưa họ đến nơi ở mới.

Bên cạnh đó theo nhân định của ông Trần Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng thì hiện nay do trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn ha rừng được giao cho các doanh nghiệp nhận quản lý, khai thác du lịch, nhưng vì số diện tích rừng này không được quản lý tốt đã tạo thêm điều kiện cho các hộ di dân mặc nhiên đến ở và coi rừng là của mình. Hiện nay ngoài đồng bào dân tộc Mông có lượng người di dân đến tỉnh Lâm Đồng đông nhất với trên dưới 18.000 nhân khẩu thì bà con một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Dao, Mèo..cũng rải rác di dân đến những vùng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Lâm Đồng. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng nhiều nếu như tình trạng di dân nơi đây không được kiểm soát.

Được biết, để chấn chỉnh tình trạng di dân tự do diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, vượt tầm kiểm soát của các cấp chính quyền, gây khó khăn trong việc đảm bảo trật tự trị an, từ tháng 11/2008 đến nay lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã hơn 03 lần tổ chức họp giao ban chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền những địa phương có đông người di cư đến đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, theo dõi các hộ dân di cư để có những biện pháp xử lý kịp thời.