Đấu giá động vật hoang dã có thể gây phản tác dụng

ThienNhien.Net – Việc bán đấu giá các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp tịch thu được được coi là vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán trái phép và đẩy nhanh nguy cơ tuyệt chủng của các loài ĐVHD. Thực trạng này đã và đang diễn ra trong nhiều năm, vô tình biến các cơ quan chức năng cấp tỉnh thành người trung gian trong đường dây buôn bán ĐVHD. Xin giới thiệu với bạn đọc những phân tích của các chuyên gia bảo tồn thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) về vấn đề này.

Bán đấu giá ĐVHD giống như là một biện pháp “đánh thuế” chứ không làm giảm được các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.  Không những thế, nó còn góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ loại hàng hoá bất hợp pháp này. Các cơ quan chức năng nên tích cực hành động nhằm bảo vệ ĐVHD trong tự nhiên và ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép đang đẩy hầu hết các loại ĐVHD nguy cấp trong khu vực đến bên bờ tuyệt chủng.

 
Phần thảo luận dưới đây sẽ đề cập đến hiện trạng bán đấu giá ĐVHD, bao gồm cả việc lưu thông tiền tệ, kết nối người tiêu thụ với thợ săn.
 
Trường hợp 1: Lộ trình buôn bán thông thường

Sơ đồ này sẽ minh hoạ lộ trình buôn bán trái phép trong trường hợp những đối tượng buôn bán thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.


 
Trường hợp 2: Lộ trình buôn bán có sự can thiệp của cơ quan chức năng

Trong sơ đồ thứ hai này, những kẻ buôn lậu bị bắt, ĐVHD bị tịch thu và sau đó bán đấu giá. 

 
 sơ đồ BBĐVHD
 
 
Khi xem xét kỹ hơn dòng luân chuyển ĐVHD trái phép, ta có thể thấy việc các cơ quan chức năng tịch thu và bán đấu giá ĐVHD không hề phá vỡ đường dây buôn bán. Ngược lại, ĐVHD trái phép bị tịch thu bán đấu giá trở thành nguồn “hợp pháp” và tiếp tục cuộc hành trình đến với người tiêu thụ.
 
Vậy việc bán đấu giá ĐVHD tịch thu được có giúp làm giảm tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép không? Thực tế một số cá nhân bao gồm cả các cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD cho rằng các cơ quan chức năng bán đấu giá ĐVHD là góp phần thúc đẩy quá trình buôn bán thông qua việc tạo điều kiện biến ĐVHD bị săn bắt trái phép trở thành những cá thể được buôn bán hợp pháp.
 
Khi bán đấu giá ĐVHD tịch thu được, cơ quan chức năng đóng vai trò trung gian trong quy trình mua bán ĐVHD từ rừng đến người tiêu thụ. Sau khi ĐVHD được cơ quan chức năng thanh lý, chúng trở thành hợp pháp, đường dây mua bán ĐVHD tuy bị ngắt quãng, nhưng không hề bị triệt tiêu.
 
Nếu như hàng lậu bị tịch thu là ma tuý, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ không lựa chọn hình thức xử lý bán đấu giá. Thế nhưng trong trường hợp ĐVHD tịch thu và bán đấu giá rốt cuộc không khác gì việc đánh thuế hàng hoá trái phép và mức thuế này quá nhỏ để có thể ngăn chặn các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.
 
Nếu như cơ quan kiểm lâm chỉ là một đơn vị giúp Chính phủ tăng thêm ngân sách, thì có lẽ ai trong số chúng ta cũng có thể hiểu được thực trạng hiện hành. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan này là bảo vệ ĐVHD và  đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép thì việc chọn bán đấu giá ĐVHD không hề góp phần chấm dứt các hành vi buôn bán trái phép. Việc bán đấu giá ĐVHD tịch thu được làm tăng áp lực tới các loài ĐVHD nguy cấp do chúng ta đã vô tình kích thích nhu cầu tiêu thụ thông qua việc duy trì hoạt động mua bán các sản phẩm tưd ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Điều này làm hạn chế rất nhiều thành công của trong công tác quản lý bảo vệ rừng và ĐVHD của  cơ quan kiểm lâm.
 
Vấn đề quốc tế: Xuất khẩu ĐVHD được bảo vệ là vi phạm Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES).


Số phận ĐVHD bị bán đấu giá sẽ đi về đâu? Rất có thể các đối tượng buôn bán sẽ mua lại ĐVHD bán đấu giá rồi xuất lậu qua biên giới, sang Trung Quốc. Tuy nhiên nếu những loài này được liệt kê trong Công ước CITES thì có nghĩa là cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý CITES, nếu không là vi phạm công ước.


Vậy các cơ quan chức năng có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng ĐVHD đã bị bán đấu giá và vận chuyển lậu ra khỏi Việt Nam – hành vi vi phạm quy định của Công ước quốc tế – không?
 
Trong 2 năm qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tịch thu và bán đấu giá hơn 33 tấn tê tê. Vậy những con tê tê đó giờ đã đi về đâu? Ở Việt Nam ta hiện chưa có bất cứ trang trại nào được cấp phép nuôi nhốt tê tê?
 
Những loài thường bị bán đấu giá nhưng cần giấy phép xuất khẩu CITES (nếu xuất khẩu) bao gồm kỳ đà, rắn hổ mang, trăn, 19 loại rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa.
 
Luân chuyển tiền tệ: Bán đấu giá ĐVHD có thưc sự góp phần vào quá trình buôn bán ĐVHD trái phép?
 
Giả sử có một cá thể tê tê bị săn bắt từ Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh kiên Giang ở miền Nam. Con tê tê này bị vận chuyển tới một nhà hàng ở Hà Nội để làm món ăn theo yêu cầu của một khách hàng. Vị khách này phải trả cho nhà hàng từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/1 kg tê tê. Chủ nhà hàng được trả tiền và tiếp tục yêu cầu người bán cung cấp thêm tê tê, đối tượng này liên lạc với mối hàng ở miền Nam, và yêu cầu vận chuyển một chuyến hàng khác giao tới Hà Nội. Lái buôn ở miền Nam lại tiếp tục liên lạc với các thợ săn ở Kiên Giang để mua hàng với mức giá từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu động/ 1 kg tê tê.
 
Trường hợp 3: Dòng luân chuyển tiền tệ bị ngắt quãng do bị cơ quan chức năng tịch thu và thanh lý


Cũng lấy ví dụ về tê tê nhưng lần này cơ quan chức năng cấp tỉnh tịch thu được chuyến hàng tê tê vận chuyển lậu ra Hà Nội. 


Sơ đồ BBĐVHD
 

Nhờ việc thực thi pháp luật hiệu quả, những con tê tê bị tịch thu và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng bán đấu giá tê tê  thì ai sẽ mua? Chính là một đối tượng cung cấp khác. Đối tượng này trả tiền cho cơ quan chức năng và chuyến hàng tê tê này lại tiếp tục bị buôn bán.
 
Cuối cùng, những con tê tê sẽ bị chế biến thành những món ăn trên bàn tiệc ở nhà hàng (có thể ở cùng một nhà hàng kể trên), và chủ nhà hàng lại được trả tiền. Khi hết tê tê, chủ nhà hàng tiếp tục đặt đơn hàng hàng mới và chu trình từ săn bắt đến tiêu thụ lặp lại. Tiền của người tiêu thụ vẫn tiếp tục đến tay thợ săn, trả tiền cho hành vi săn bắt và buôn bán trái phép.
 
Qua đây, chúng ta phải thừa nhận rằng bán thanh lý không bảo vệ được các loài ĐVHD và chấm dứt được các họat động buôn bán trái phép.  Ngược lại, việc bán thanh lý lại vô tình kích thích nhu cầu tiêu thụ các loài ĐVHD mà chúng ta muốn bảo vệ chúng trong tự nhiên.
 
Chúng tôi khuyến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc về tình trạng pháp lý và tầm quan trọng bảo tồn của các loài tịch thu từ các vụ buôn bán. Trong quá trình đưa ra quyết định xử lý động vật tịch thu, cần lưu ý đến các loài quý hiếm, nguy cấp hoặc được xác định là có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn.
 
Chúng tôi khuyến nghị không nên bán đấu giá những loài nguy cấp và những loài ưu tiên bảo vệ khác. Bán đấu giá các loài này chính là góp phần thúc đẩy hành vi buôn bán ĐVHD trái phép  thông qua việc bổ sung thêm một bước nữa trong đường dây buôn bán và kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Mục tiêu của chúng ta không phải là cấm mọi người ăn ĐVHD, mà là đảm bảo việc buôn bán các loài là hợp pháp và bền vững.
 
Nhiều cơ quan chức năng như Kiểm lâm, Cảnh sát Môi trường, và các cơ quan nhà nước khác đang rất nỗ lực bảo vệ ĐVHD. ENV đánh giá cao những đóng góp tích cực và trách nhiệm của những cơ quan này đồng thời khuyến khích công chúng cùng chia sẻ trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa để chung sức bảo vệ ĐVHD theo đúng tinh thần của pháp luật bảo vệ ĐVHD.
  
Vụ việc điển hình: 25 tấn tê tê ở Hải Phòng
 
Cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2008, Cục Hải quan Hải Phòng tịch thu 2 chuyến hàng gồm 24.035 kg tê tê đông lạnh và 920 kg vảy tê tê tại cảng Hải Phòng. Số tê tê này bị vận chuyển lậu từ Indonesia vào Việt Nam bằng đường thuỷ.
 
Một số tổ chức bảo tồn và cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ ĐVHD đã kiến nghị nên tiêu huỷ số tê tê này. Tuy nhiên, sau nhiều tháng cân nhắc, ngày 29 tháng 8 năm 2008, cơ quan chức năng quyết định bán đấu giá tất cả số tê tê và vẩy tê tê cho một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh.
 
Có thể cơ quan chức năng đã đưa ra quyết định này dựa trên Điều 44, Nghị định 159/2007/NĐ-CP, cho phép cơ quan chức năng bán đấu giá các loài quý hiếm được xác định là yếu và không thể sống sót.
 
Thật không may, điều luật này đã vô tình đặt cơ quan chức năng vào vị trí của người buôn bán. Theo quý vị, khi động vật tịch thu bị bán đấu giá, thì ai sẽ là người mua? Chính là những đối tượng buôn bán ĐVHD! Kết quả là, những nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán lại tiếp tay cho hành vi buôn bán trái phép và cơ quan bảo vệ ĐVHD lại mang trên mình hai vai trò mâu thuẫn: vừa là người bảo vệ vừa là người mua bán ĐVHD.
 
Trong trường hợp đặc biệt này, cuộc mua bán vẫn chưa đi đến  kết luận vì  cơ quan chức năng vẫn đang quan tâm đến việc người mua ở thành phố Hồ Chí Minh có xuất lậu số hàng ra nước ngoài – vi phạm qui định CITES – hay không. 
 
Một điều thú vị là vụ việc này lại có liên quan tới một vụ việc khác ở Indonesia xảy ra ngay sau đó. Tại Sumatra, quan chức In-đô-nê-xi-a bất ngờ khám xét một nhà kho và tịch thu 14.224 kg tê tê đông lạnh đã được đóng gói để xuất khẩu. Cơ quan chức Indonesia đã bắt giữ 14 kẻ tình nghi ở thành phố Palembang và tiêu huỷ tất cả số tê tê tịch thu được. Tại In-đô-nê-xi-a ĐVHD thường được tiêu hủy nếu chúng trong tình trạng chết, hoặc ốm yếu và không thể đưa tới vườn thú hoặc trung tâm cứu hộ.
 
Trường hợp đáng biểu dương của cơ quan chức năng Indonesia cho thấy nhà chức trách của các nước Châu Á sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để củng cố sự nghiêm minh của pháp luật, chấm dứt hành vi buôn bán ĐVHD trái phép.


 

Kiến nghị xử lý ĐVHD tịch thu:

1. Không bán đấu giá các loài nguy cấp quý hiếm và các loài đang bị đe dọa toàn cầu như tê tê.

2. Lựa chọn đầu tiên khi xử lý các vụ buôn bán ĐVHD trái phép là tìm cơ sở, trung tâm cứu hộ thích hợp cho các loài nguy cấp. Các loài nguy cấp và bị đe dọa toàn cầu nên được chuyển giao tới các trung tâm cứu hộ, sở thú và các trung tâm phi thương mại hợp pháp trước khi xem xét các lựa chọn khác.

3. Trước khi đưa ra quyết định xử lý, cần cân nhắc tầm quan trọng trong bảo tồn của các loài ĐVHD. Nhiều loài không được pháp luật Việt Nam bảo vệ nhưng lại được liệt kê trong danh sách các loài đang bị đe doạ toàn cầu và cực kỳ nguy cấp.

4. Yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Trưng cầu hỗ trợ trong quá trình xử lý ĐVHD tịch thu! Không nên ngại việc nhờ người khác giúp đỡ. Sự giúp đỡ từ phía các chuyên gia giúp chúng ta đưa ra những quyết định mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

5. Nên hiến tặng các bộ phận và sản phẩm từ ĐVHD cho khoa học, viện bảo tàng hoặc các chương trình giáo dục, hoặc tiêu huỷ. Tuyệt đối không nên bán đấu giá các sản phẩm này.

6. Chỉ thả những cá thể động vật khoẻ mạnh về tự nhiên. Lựa chọn khu vực thả phù hợp với đặc tính của các loài. Nhìn chung, thả ĐVHD không phải là một lựa chọn tốt nếu không được lên kế hoạch chi tiết và cẩn thận. Rất ít động vật được thả sống sót trong môi trường tự nhiên.

Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc xử lý ĐVHD tịch thu, xin vui lòng liên hệ Cục Kiểm lâm (ĐT: 04 37346408) hoặc Chương trình Bảo vệ ĐVHD của ENV qua đường dây nóng 1800 1522.