Ngành kinh doanh phế liệu Trung Quốc lao đao

ThienNhien.Net – Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hàng triệu nhân công ngành kinh doanh phế liệu Trung Quốc hiện đang mất việc làm do nhu cầu về bao bì tái chế của thế giới giảm sút nặng nề.
 
Ngày nay, tái chế phế liệu đã trở thành một ngành công nghiệp phổ biến như nhiều ngành nghề khác, trong đó Trung Quốc là nước dẫn đầu về nhập khẩu phế liệu. Song, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra đã thu nhỏ ngành công nghiệp tái chế của Trung Quốc. Sự cố này khiến Anh, Mỹ và một loạt các quốc gia phát triển khác phải vật lộn với lượng phế liệu tồn đọng ngày càng lớn.
 
Trong ngành kinh doanh phế liệu, giá cả đã giảm đi tới một nửa và thậm chí hơn nữa, chỉ trong vài tháng. Các khâu trong dây chuyền buôn bán, từ các đại lý thu mua, các sân phế liệu đến các nhà máy chế biến không còn khớp nhau như trước
 
Dongxiaokou nằm ở ngoại ô Bắc Kinh là một ngôi làng chuyên kinh doanh phế liệu. Ở đây, kim loại nát chất đống thành những “toà tháp”, chai lọ nhựa chen chúc nhau và giấy báo loại cùng với giẻ rách lấp kín sân. Tất cả những người buôn bán ở đây đều chịu chung thảm cảnh: mất trắng hàng nghìn đô la trong vài tháng gần đây, và công sức họ làm việc chăm chỉ bao năm đã tan thành mây khói. Khu vực này chủ yếu xử lý rác thải trong nước nhưng nó là hình ảnh chung cho tất cả các làng nghề tái chế khác của Trung Quốc hiện nay.
 
Một người làm công ở đây cho biết: “Tôi làm trong ngành này đã 15 năm và đã từng chứng kiến sự thăng trầm của nó, nhưng sự việc chưa bao giờ tồi tệ thế này. Tất cả mọi người đểu thua lỗ nặng, một số thậm chí không thể bán được hàng. Thường thường, chúng tôi bán nguyên liệu cho các nhà máy và họ tái chế chúng thành các con chíp. Nhưng giá chíp hiện nay đã giảm, khiến chúng tôi cũng lao đao theo.”
 
Một người dân khác cho biết năm nào làm ăn tốt họ kiếm được khoảng 50.000 NDT (tương đương 120 triệu VND) nhưng riêng năm nay họ đã mất tới 200.000 NDT (tức khoảng gần 500 triệu VND). Anh này nói: “10 năm trước chúng tôi tới đây, ban đầu tự thu gom rác thải, sau đó xoay xở vốn để bắt đầu kinh doanh. Vay nợ rất khó vì chúng tôi quá nghèo nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng xoay được hơn 100.000 NDT từ bạn bè và họ hàng. Giờ lâm vào hoàn cảnh này, chúng tôi không trả được nợ vì thua lỗ. Chúng tôi không biết phải làm gì nữa đây. Gia đình 7 người nhưng nhà chỉ có 3 mẫu đất trồng. Đất chật, người đông như vậy nên nếu chúng tôi có bỏ nơi đây về quê thì cũng chẳng có đủ việc để làm. Gia đình tôi còn nhiều người già, trẻ em cần được chăm lo.”

Hiện nay, riêng thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có khoảng 160.000 người thu mua phế liệu đang hoạt động. Họ kiếm sống nhờ những mảnh vụn phế liệu của đời sống đô thị, những lá nhựa, những bản in hỏng của các công sở, chai lọ, lò sưởi, và thùng các tông. Khi khủng hoảng xảy ra, họ bị ảnh rất lớn. Họ lưu kho một số lượng lớn phế liệu để tái chế vì giá cả đang tăng, nhưng khi thị trường bắt đầu lên giá thì Uỷ ban an ninh Olympic lại ngăn những xe tải chở phế liệu vào thủ đô. Họ ứa nước mắt nhìn tài sản của mình rớt giá thảm hại.
 
Các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin rằng 4/5 các đơn vị tái chế trong nước đã phải đóng cửa và hàng triệu người sẽ thất nghiệp.