Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 14/07/2003 trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi. Đây là một khu rừng trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam trực thuộc xã Đất Mũi, Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có quy mô diện tích 41.862 ha, trong đó diện tích trên đất liền 15.262 ha, diện tích ven biển 26.600 ha.

Ngoài các chức năng lưu giữ hệ sinh thái tự nhiên, tạo môi trường cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái… như các khu bảo tồn khác của nước ta, VQG Mũi Cà Mau còn có một vai trò đặc biệt vì đây là điểm cực Nam của tổ quốc.

Từ một hội thảo quốc tế về “quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển và các khu di sản thế giới tại Việt Nam” diễn ra ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên vào tháng 12/2006, ngày 19/03/2007 Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã thảo luận về việc xây dựng hồ sơ thành lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới VQG Mũi Cà Mau. Cuối năm 2007, UBND tỉnh Cà Mau và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng khu dự trữ sinh quyển quốc tế Mũi Cà Mau lần thứ nhất.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đề xuất nằm trên địa bàn 3 huyện là Ngọc Hiển, U Minh và Trần Văn Thời, có hai vùng lõi, thuộc VQG Mũi Cà Mau và VQG U Minh Hạ. Nơi đây có những hệ sinh thái điển hình theo các tiêu chí của UNESCO thế giới như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái trên đất than bùn, hệ sinh thái biển…

Mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất độc đáo, có giá trị bảo tồn cao, đã và đang được các tổ chức bảo tồn quốc tế quan tâm bảo vệ. Bên cạnh đó, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đề xuất còn có nhiều di sản văn hóa nhân văn đặc sắc, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển, đời sống tâm linh của các dân tộc cư trú trong vùng. Việc hình thành Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát triển đời sống dân cư quanh vùng.

Trong chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vườn cũng có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo, tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển có một không hai ở Việt Nam với những nét đặc trưng của hệ động thực vật rừng ngập mặn.

Đã có ý kiến cho rằng sự đa dạng nơi đây chỉ kém những cánh rừng ngập mặn ở Nam Mỹ. Thảm thực vật phong phú với nhiều loại cây như đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, nhiều loại dương xỉ và dây leo… trong đó đước là loài cây chiếm đại đa số nên còn được gọi là rừng đước. 
 
Theo ghi nhận năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau, hệ sinh thái nơi đây có 22 loài cây ngập mặn, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh. Trong đó có nhiều loài động thực vật có trong Sách Đỏ Việt Nam và những loài chim qúi như giang sen (Mycteria leucocephala), bồ nông chân xám (dân gian còn gọi là chàng bè, Pelecanus philippensis). Giữa rừng là một vườn chim lớn, có tới hàng ngàn con đến trú ngụ ban đêm.

Trong 307km  dải rừng ngập mặn kéo dài từ Bạc Liêu xuống tới Mũi Cà Mau và đi dọc sang biển Tây tới cửa biển Khánh Hội huyện U Minh, riêng tỉnh Cà Mau có 254km. Bên cạnh đó còn có một bãi bồi rộng lớn ở phía tây VQG với tổng diện tích 6.456ha, mỗi năm lại lấn thêm ra biển. Đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sinh – là nguồn cung cấp con giống thiên nhiên vô tận cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau.

“Vùng Đất Mũi Cà Mau có các hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng tràm. Các hệ sinh thái này cung cấp nguồn con giống thủy hải sản tự nhiên cho cả một vùng rộng lớn phía tây nam của Tổ quốc và Vịnh Thái Lan. Việc đề cử Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau không chỉ tôn vinh giá trị đa dạng sinh học mà cả truyền thống lịch sử và văn hóa nơi tuyến đầu Tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch sinh thái của địa phương, quốc gia và quốc tế. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển của Việt Nam ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau về việc xây dựng hồ sơ để xin công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới”.(Trích thư phúc đáp của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi UBND tỉnh Cà Mau ngày 28/02/2007).

Song trên thực tế, khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Tây Nam Bộ nói chung, trong đó có VQG Mũi Cà Mau đã suy giảm đáng kể do việc chuyển đổi đất rừng ồ ạt thành đất nuôi trồng hải sản. Bài học từ sự sai lầm đó chỉ được “công nhận” khi hậu quả về thiên tai, dịch bệnh nuôi trồng đã trở thành nhãn tiền.