Sắc mầu thổ cẩm Lùng Tám

ThienNhien.Net – Chúng tôi ngược lên Lùng Tám trong tiết trời đông lạnh buốt, xuôi theo những con dốc quanh co phủ sương mù. Lùng Tám hiện ra trước mắt là một thung lũng đẹp, bằng phẳng giữa bốn bề núi đá. Trở lại Lùng Tám lần này, chúng tôi muốn được tận mắt chứng kiến công việc dệt vải của các bà, các chị và tìm hiểu cái cách mà người H’mông Lùng Tám gây “thương hiệu” cho những sản phẩm thổ cẩm của mình.

Sùng Mí Quả – vua thổ cẩm đất Lùng Tám

Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, Sùng Mí Qủa kể cho tôi nghe về những tháng ngày thai nghén và thành lập HTX. Đồng bào Mông vốn có nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm, nhà nào cũng có khung dệt vải, các sản phẩm chủ yếu phục vụ gia đình là vải váy áo, khăn, mũ… , được coi là nghề, nhưng chỉ là  nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn. 

Tháng 8 năm 2001, HTX vải lanh Lùng Tám chính thức được thành lập, với “cổ phần” đóng góp là các sản phẩm váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, sắc,…do bà con tự làm từ trước. Đến nay, HTX đã sản xuất được trên 20 loại sản phẩm khác nhau và tìm được bạn hàng thường xuyên, đó là tổ chức CRAFT LINK (thuộc Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam). CRAFT LINK còn hỗ trợ HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế ưa thích đồ thổ cẩm.

Thổ cẩm Lùng Tám 
Xã viên của HTX vải lanh Lùng Tám

Sản xuất phát triển, có lợi nhuận nên đã góp phần ổn định đời sống xã viên thôn Hợp Tiến. Doanh thu luỹ kế từ năm 2001 đến nay đạt trên 1 tỷ đồng. HTX hiện có 51 xã viên, thu nhập trung bình khoảng 700.000đ/người/ tháng.

HTX vải lanh Lùng Tám đã trở thành ví dụ điển hình cho định hướng phát triển làng nghề truyền thống để duy trì bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc và góp phần xoá đói giảm nghèo của huyện Quản Bạ.

Đồng chí Lệnh Thế Hội, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Muốn khơi dậy và phát triển làng nghề truyền thống, cần phải có sự quy hoạch, xác định yếu tố văn hoá bản địa làm nền tảng, cải tiến đổi mới công nghệ thủ công truyền thống. Quản Bạ đang từng bước xây dựng những mô hình làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, như điểm sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám. Tiến tới sẽ triển khai nhân rộng các mô hình trên địa bàn toàn huyện”.

Chất liệu là sợi lanh tự nhiên, không pha tạp hóa chất, vải lanh mềm, mát được dệt thủ công, hoa trang trí mang đậm phong cách văn hóa người Mông, Lô Lô vùng cao biên giới – đó là những điểm riêng biệt của thổ cẩm Lùng Tám. Theo nhiều khách hàng đánh giá, chính những nét nguyên sơ này đã hấp dẫn họ lựa chọn sản phẩm Lùng Tám.

Bà Đặng Hồng Thanh, một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét: “Thổ cẩm Lùng Tám mềm, thô nguyên chất chứ không pha tạp các loại sợi Trung Quốc như ở một số tỉnh đã làm. Đây chính là sản phẩm độc đáo của Hà Giang mà không nơi nào có được. Tôi là người rất thích thổ cẩm nhưng từ trước đến giờ chưa mua được sản phẩm nào ưng ý cả. Nay du lịch lên Hà Giang và được chứng kiến các bà, các chị dệt thổ cẩm thấy mãn nguyện lắm. Tôi đã mua mấy sản phẩm như túi sách, ví thổ cẩm, mũ tặng người thân trong chuyến khám phá miền đá đầy ấn tượng này”. 

Đồng chí Giàng Mí Lủng, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám cho biết: “Nghề dệt vải thổ cẩm ở Lùng Tám đã có từ lâu nhưng chưa có sự quy hoạch, nay đã hình thành HTX đó là điều kiện thiết yếu để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống ở xã Lùng Tám. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành mở rộng quy mô sản xuất đến các thôn bản trong xã”.

Nghề truyền thống sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám đã và đang tự khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở vùng cao núi đá này.

Và ước mơ làm du lịch của người H’mông thôn Hợp Tiến

Hiện nay, ông Quả đã cùng với xã và huyện hình thành tour du lịch văn hóa về thăm làng nghề truyền thống thổ cẩm về bản của minh. Còn nhớ hôm ngài Jean Francois Blarel, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, tới đây, ông đã không tiếc lời khen ngợi sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám và hứa sẽ giới thiệu nhiều đoàn khách du lịch của Pháp tới du lịch tham quan mô hình này.

Cách làm du lịch tuy mới chỉ bắt đầu nhưng bước khởi động của tỉnh Hà Giang đang đặc biệt lưu tâm và coi trọng công tác phát triển du lịch cộng đồng . Người Lùng Tám và nghề truyền thống của họ sẽ là một trong những địa chỉ hấp dẫn khách du lịch.

Ông Quả cho tôi biết lịch trình của tour du lịch nguyên sơ khám phá văn hóa người H’mông mà ông và những người dân ở đây đang làm theo kế hoạch của huyện Quản Bạ. Du khách từ thị xã Hà Giang, đi 40 km qua đèo Bắc Sum lên cổng trời Quản Bạ, dừng chân ngắm núi đôi huyền bí như đẹp như bầu vú tiên nữ trong phim, xuống phố huyện thưởng thức các món ăn đặc sản mang hương vị cao nguyên, măng nhồi hấp, canh lá đắng, thịt lợn đen hun khói, nghỉ tại nhà nghỉ Tam Sơn.

Tiếp đó, du khách thăm làng sản xuất rượu ngô Thanh Vân nức tiếng một vùng, xuôi về thung lũng Lùng Tám thăm cơ sở dệt vải lanh thổ cẩm cùng ăn trưa với người H’mông và thưởng thức rượu ngô chếnh choáng men tình, khi về không quên mua vài bộ sản phẩm thổ cẩm làm quà cho mình và người thân.

Thổ cẩm Lùng Tám
Nụ cười của người dân vùng cao

Ước mơ đã thành hiện thực nhưng để cho người Lùng Tám tự làm thì e rằng chưa đủ, bởi người Lùng Tám còn nghèo, họ chưa có tiền đầu tư để phát triển du lịch. Vốn của họ hiện có là những đôi bàn tay tài hoa, đôi chân dẻo dai bên khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm và một thứ nữa là tầng sâu văn hóa còn giữ nét nguyên sơ, cùng tình người nồng ấm và hiếu khách.

Cái họ đang cần là một cơ chế liên thông, có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân về cơ sở vật chất để phát triển du lịch cộng đồng. Mong rằng những ước mơ của họ sớm thành hiện thực. Để khi du khách đến Lùng Tám không chỉ khám phá vẻ đẹp của sản phẩm thổ cẩm, mà còn có một chuyến đi đầy ấn tượng về miền cao bạt ngàn đá tai mèo này.

Cái gốc của sự đam mê

Ông Quả bảo với tôi: “Đối với mình những sắc mầu thổ cẩm đã ăn sâu vào trong tâm trí rồi, ăn cũng nghĩ tới thổ cẩm, ngủ cũng mơ thấy thổ cẩm. Mình đam mê nó không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà còn là sự gìn giữ những giá trị văn hoá của người Mông, đặc trưng của mỗi dân tộc là trang phục, là những nét hoa văn trên trang phục đó. Thế nên, đây chính là yếu tố văn hoá cần phải lưu giữ, bảo tồn”. Tôi rất khâm phục bởi những suy nghĩ sâu xa của ông về văn hoá cũng như tâm huyết với nghề.

Trăn trở với nghề, ông Quả mong muốn những phần việc trong sản xuất được rút ngắn lại, bằng đổi mới công nghệ sản xuất thủ công. Các quy trình sản xuất phải năng xuất hơn và giảm chi phí vào, cũng như thời gian sơ chế nguyên liệu. Như se lanh, sơ chế cây lanh…hiện tại, những công đoạn này vẫn làm thủ công và tốn nhiều thời gian công sức, dẫn đến năng suất lao động không cao. Ông mong muốn các nhà khoa học giúp đỡ, cải tiến kỹ thuật, thiết bị sản xuất để đảm bảo tính độc đáo trong sản xuất vải lanh của người Mông.

Lòng đam mê của ông rồi cũng được trả công, bởi vô số những bằng khen giấy khen của tỉnh, của nhà nước được treo trang trọng trong gian trưng bày sản phẩm của HTX đặt tại gia đình. Ông Quả cho biết: Sau khi xây dựng được nhãn hiệu hàng hoá, ông sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất đến một số thôn trong xã và phối hợp với huyện hình thành tua du lịch văn hoá cộng đồng làng nghề truyền thống. Ông dí dỏm nói với tôi: “Người Mông Lùng Tám đang ngồi trên đống tiền mà chưa biết lấy nó ra phục vụ mình thôi. Tiền nó đang trên những khung cửi, trong tầng sâu văn hoá người Mông đó”.

Tôi hiểu ý nghĩ của ông Quả và tự nhủ Lùng Tám có làng nghề, người Lùng Tám hiếu khách, cảnh Lùng Tám thơ mộng, có khi còn đẹp hơn cả bản Lác – Mai Châu – Hoà Bình. Vậy, tại sao lại không phát triển du lịch làng nghề như Bản Lác – Mai Châu – Hoà Bình. Tôi nghĩ mông lung trong tiếng kẽo kẹt thoi đưa của các bà, các chị và mong một ngày gần đây Lùng Tám sẽ trở thành vùng du lịch hấp dẫn. Điều đó là có thể lắm chứ!