Trồng lúa, nuôi lợn thời biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Giao Thủy (Nam Định) là một trong những huyện thuần nông chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ở huyện này, bà con nông dân đã sớm nhận thức được tác động của BĐKH và đã có những giải pháp ứng phó thiết thực.

Phấn khởi với “giống lúa chống BĐKH”

Tỉnh Nam Định có gần 81.000 ha đất trồng lúa. Do ảnh hưởng của BĐKH nên tình trạng hạn hán kéo dài kết hợp với triều cường đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn. Theo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, ở 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có khoảng 12 nghìn ha đất canh tác bị nhiễm mặn, trong đó có khoảng 5.000ha nhiễm mặn nặng. Đất ruộng bị nhiễm mặn khiến cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn, có những cánh đồng bị nhiễm mặn nặng nên không có khả năng canh tác.

Nông dân xã Giao Xuân phấn khởi với giống lúa “chống biến đổi khí hậu” (Ảnh: Dân Việt)
Nông dân xã Giao Xuân phấn khởi với giống lúa “chống biến đổi khí hậu” (Ảnh: Dân Việt)

Chúng tôi có mặt tại xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy) – một trong những xã chịu tác động lớn của BĐKH. Trên cánh đồng lúa xanh mơn mởn của xã, bà con nông dân đang cùng nhau nhổ cỏ, vệ sinh đồng ruộng. Chị Đặng Thị Yên ở thôn Thị Tứ hồ hởi: “Những năm trước bà con làm ruộng trong vùng rất vất vả, nhiều đồng ruộng ở đây bị ảnh hưởng của BĐKH nên nhiễm mặn. Việc trồng lúa trở nên khó khăn vì lúa không chịu được mặn nên năng suất thấp chỉ 50-60kg/sào, có ruộng cấy xong còn không thể thu hoạch được. Khoảng 2 năm gần đây, chúng tôi trồng giống lúa chịu mặn RVT nên năng suất cao hơn (120kg/sào). Bà con nơi đây rất vui mừng, gọi RVT là giống lúa chống BĐKH, vì phù hợp với chất đất, giúp cho thu hoạch đáng kể trên đất nhiễm mặn”.

Cũng giống xã Giao Xuân, từ khi chuyển sang trồng “giống lúa chống BĐKH” bà con xã Giao Tiến rất phấn khởi vì những sào lúa trồng trên ruộng mặn cho thu hoạch rất cao. Ông Trần Văn Tường – Chủ nhiệm HTX Hùng Tiến, xã Giao Tiến chia sẻ: “Với trà lúa RVT hiện nay năng suất có những ruộng đạt trên 200kg/sào. Bà con gần như không phải lo lắng khi đất ruộng bị nhiễm mặn”.

Nuôi lợn thân thiện môi trường

Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng ven biển ứng phó BĐKH tại Nam Định. Với mong muốn cải thiện và duy trì lâu bền chất lượng cuộc sống cho cộng đồng ven biển và các hệ sinh thái biển qua việc tăng cường quản lý tài nguyên vùng bờ biển; hỗ trợ phát triển cộng đồng ven biển.

Để thích ứng với BĐKH, bà con nông dân ở huyện Giao Thủy không chỉ trồng lúa mà còn áp dụng chuyển đổi nhiều hình thức nuôi trồng khác cũng rất phù hợp với vùng ngập mặn như nuôi cá, nuôi cua, trồng nấm… Cũng có nhiều hộ dân trồng lúa vùng ngập mặn đã chuyển hướng sang nuôi lợn thân thiện môi trường và đây là một hướng đi được nhiều nông dân ưa thích.

Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Trần Văn Mật, xóm 22, xã Giao Lạc, đây là một trong những gia đình đầu tiên áp dụng mô hình nuôi lợn thân thiện với môi trường bằng đệm lót sinh học. Dẫn chúng tôi vào khu nuôi, ông Mật ví von: “Đây là mô hình chăn nuôi đại đoàn kết xóm làng. Bởi vì từ khi nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, toàn bộ khu nuôi sạch tinh, không hề có mùi phân lợn. Từ khi tôi nuôi theo mô hình này, hàng xóm cứ xuýt xoa bảo nhà ông Mật nuôi lợn mà sạch quá”. Theo ông Mật: “Trước đây mô hình cũ rất mất vệ sinh, hàng xóm láng giềng nhiều lúc cũng chỉ vì nuôi lợn mà có những xích mích không đáng có. Phân lợn của các hộ cứ tuồn ra ao, kênh mương khiến cho cả một vùng bốc mùi nồng nặc, môi trường ô nhiễm. Từ khi áp dụng đệm lót sinh học, khu chuồng trại sạch không mùi, lợn luôn hồng hào, sạch sẽ”.

Lý giải tính tiện lợi của mô hình nuôi này, ông Trịnh Viết Thiện, xóm 17, xã Giao Lạc cho biết: “Nguyên liệu để làm đệm lót sinh thái là các nguồn chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn… đệm lót làm nền chuồng nuôi thay cho nền bê tông. Các loại vi sinh vật sinh sôi phát triển trong mùn cưa sẽ phân giải toàn bộ nước tiểu và phân gia súc gia cầm, do đó giảm đáng kể mùi hôi thối của phân, giảm bệnh tật tạo môi trường thông thoáng”. Ông Thiện cho biết thêm, protein vi sinh vật tạo ra trong mùn cưa của đệm lót sẽ trở thành thức ăn sinh thái cho lợn, giúp tiết kiệm 10% chi phí thức ăn và 80% nước do không phải tắm cho lợn, rửa chuồng mà chỉ cho lợn uống nước bằng vòi nước tự động. Chăn nuôi bằng đệm lót sinh thái cũng giúp tiết kiệm 60% chi phí do giảm được công tắm rửa cho lợn, cọ nền và dọn chuồng. Chính vì tính hiệu quả và thân thiện môi trường nên nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng mô hình nuôi này.

Hiện nay tỉnh Nam Định đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH tỉnh. Đến năm 2015, tỉnh này sẽ thực hiện 16 dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH với tổng kinh phí dự tính trên 550 tỷ đồng.

Để giúp nông dân nhận thức được tác động của BĐKH và đưa ra giải pháp ứng phó hiệu quả, hiện nay UBND huyện Giao Thủy đang phối hợp với Tổ chức Oxfam và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các cộng đồng ven biển Việt Nam” với tổng kinh phí gần 400.000 đô la Úc)nhằm hỗ trợ sinh kế cho trên 15.000 người dân nghèo tại 5 xã ven biển của huyện Giao Thủy, nơi chịu tác động của BĐKH.