Biến đổi khí hậu sẽ làm chậm quá trình xóa đói giảm nghèo

ThienNhien.Net – Với một đất nước chịu nhiều thiên tai như Việt Nam thì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn để vượt qua đói nghèo. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực và thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặc dù vậy, theo nhận định của Tổ chức Quốc tế về phát triển Oxfam đăng trên tạp chí điện tử Đối thoại Trung Hoa, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoá đói, giảm nghèo do chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển dành nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Theo số liệu chính thức, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc xoá đói giảm nghèo. Từ năm 1993 đến năm 2006, tỷ lệ nghèo đói đã giảm đáng kể từ 58% xuống còn 18%. Tức là hiện nay còn khoảng 34 triệu dân đang phải sống dưới chuẩn nghèo.

Cũng theo báo cáo “ Việt Nam: Biến đổi khí hậu và thích nghi của người nghèo với biến đổi này” của tổ chức Oxfam, mực nước biển tăng, nhiều cơn bão lớn, khí hậu nóng hơn nhiều đợt lũ và hạn hán xảy ra hơn đang đe doạ hàng triệu người dân với nguy cơ tái nghèo.

Oxfam không phải là tổ chức duy nhất đưa ra cảnh báo này. Tháng 11/2007, UNDP tại Viêt Nam đã công bố Báo cáo về phát triển con người, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sự phát triển con người ở Việt Nam.

Năm 2007, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra báo cáo nghiên cứu ảnh hưởng của việc nước biển dâng cao. Theo báo cáo, nước biển dâng cao 1mét vào cuối thế kỷ 20 đã ảnh hưởng đến GDP của cả nước cũng như cuộc sống của hơn 10% dân số của Việt Nam. Nước biển dâng cao sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực thành thị, mức độ ảnh hưởng ở Việt Nam sẽ nhiều hơn cả so với các nước khác trong khu vực. Dân cư ở vùng trũng và vùng nông nghiệp cũng sẽ chịu tác động lớn.

Oxfam đã tập trung nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở hai tỉnh là Bến Tre-nằm ở vùng trũng của đồng bằng sông Cửu Long, và tỉnh Quảng Trị. Người dân ở hai tỉnh này đã từng phải chịu ảnh hưởng cuả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Những người dân địa phương được phỏng vấn đều nhất trí rằng sự biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm qua rõ rệt nhất và đã khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng và chống thiên tai.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của cả nước, nhiều diện tích đã không thể trồng lúa do nước bị nhiễm mặn cao.

Các cơn bão mạnh xảy ra ngày càng nhiều ở miền Nam. Điển hình như tháng 12/2006, cơn bão Durian đã cướp đi sinh mạng của 18 người dân và khiến 700 người bị thương ở tỉnh Bến Tre. Tổng thiệt hại tại riêng tỉnh này đã lên tới 200 triệu USD, tương đương với 2/3 tổng kim nghạch xuất khẩu của cả tỉnh giai đoạn 2001 – 2005.

Ở tỉnh Quảng Trị, thời tiết thay đổi thất thường đã khiến bà con nông dân trồng được ít mùa vụ hơn, và nhiều hạt giống thường bị trôi mất sau các cơn lũ. Gia cầm cũng bị thiệt hại lớn sau các cơn lũ. Ông Hồ Sĩ Thuận, một người dân địa phương, cho biết thời tiết 20 năm trước đây thì ông còn có thể dự báo được chứ nay thì hầu như không thể lường trước. Nó không quá nóng vào mùa khô và ít lụt lội hơn. Năm trước nữa, ngay trận lũ đầu năm đã khiến bà con nông dân bị thiệt hại lớn trong vụ Đông- Xuân. Thóc tận thu được thì chất lượng kém, chỉ dùng được cho chăn nuôi. Còn năm vừa qua, thời tiết lại lạnh quá khiến các hạt giống chết hết.

Trong vòng 18 tháng qua, thời tiết Việt Nam có nhiều biến đổi bất thường. Bão, lũ, hạn hán xảy ra khắp cả nước, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục nghìn người dân. Chỉ riêng tháng 11/008, đã có hơn 80 người thiệt mạng trong các trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua ở Việt Nam. Những cơn mưa to, kéo dài khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ trong vòng hơn một tuần đã gây ra trận lụt lịch sử ở thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Lượng mưa hơn 500 mm ở Hà Nội đã biến các phố ở đây thành các con sông. Hơn 100.000 ngôi bị ngập và gần 2.400 km 2 ruộng lúa bị phá hủy.

Trong suốt mùa mưa năm 2007 và 2008, lũ xảy ra ít hơn ở các tỉnh miền Trung, tuy nhiên cũng có các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra như các đợt triều cường lịch sử ở TP.HCM trong vòng 48 năm qua. Hay như đợt rét kéo dài 38 ngày ở Bắc Bộ gây thiệt hại 30 triệu USD cho ngành nông nghiệp.

Sau khi đã nghiên cứu các hiện tượng thời tiết trong vòng 50 năm qua, các chuyên gia khí tượng cho rằng những hiện tượng thời tiết bất thường ở Việt Nam là bằng chứng cho thấy các hiên tượng El Niño/La Niña ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng đây chính việc trái đất đang nóng lên đã gây ra sự bất thường này.

Các chuyên gia cũng nhất trí cao rằng nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực để giảm hiệu ứng nhà kính toàn cầu thì:

• Nhiệt độ trung bình thế giới sẽ tăng từ 1ºC đến 2ºC vào năm 2050 và tăng từ 2º C đến 3º C vào năm 2100.
• Lượng mưa thì vẫn đa dạng theo từng khu vực nhưng hạn hán và lượng mưa sẽ tăng cả về lượng và diện. Và lượng mưa sẽ ngày càng khó dự đoán hơn.
• Các cơn bão cũng sẽ ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Chúng sẽ tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.
• Đến năm 2070, lượng nước ở hai con sông chính là sông Hồng và sông Cửu Long sẽ tăng từ 7% đến 15% vào mùa lũ.

Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu do có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng và chống thiên tai như việc xây đê, đắp đập. Và đặc biệt là chúng ta có một nền chính trị ổn định, nhờ đó các kế hoạch dài hạn sẽ được tiến hành thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, nhận thức về tác động nguy hại của biến đổi khí hậu ở các cấp lãnh đạo địa phương chưa cao, nếu không muốn thừa nhận rằng ở nhiều nơi còn thấp. Ngân sách hiện thời cho công việc phòng chống thiên tai còn thiếu, cả về lượng lẫn tính hiệu quả. 

Quả thực, khó khăn về tài chính trong việc hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn với các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã dự đinh chi 750 triệu USD cho việc xây dưng đê, kè từ năm 2010 đến năm 2020. Tuy nhiên, để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam cần có nguồn ngân sách lớn hơn thế.

Cam kết của Oxfam

Oxfam cho rằng Việt Nam sẽ cần đến nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài. Steve Price-Thomas, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng: “ Rõ ràng, biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Hàng triệu người dân Việt Nam có nguy cơ sống trong nghèo đói do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.”

Tại hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra ở Poznan, Ba Lan vừa qua, Oxfam kêu gọi các nước giàu cần đóng vai trò đầu tàu trong việc hạn chế ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sau khi thời hạn của Nghị định thư Kyoto kết thúc.

Tổ chức này hy vọng ít nhất 80% lượng khí thải toàn cầu sẽ bị cắt giảm và cộng đồng quốc tế sẽ cam kết hỗ trợ nhiều hơn về mặt tài chính cho các nước nghèo như Việt Nam trong việc thích nghi với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.