Thủy điện hay rừng và văn hóa?

ThienNhien.Net – Quảng Nam là một tỉnh miền Trung với địa hình đa dạng và là địa điểm khá thuận lợi cho việc xây dựng các đập thủy điện. Ban quy hoạch của tỉnh dự tính sẽ xây dựng trên 65 các đập thủy điện theo hệ thống hình xương cá và các đập thủy điện này hỗ trợ lẫn nhau từ các hồ chứa, được gọi là hệ thống thủy điện bậc thang.

Đa số các đập thủy điện được tập trung vào vùng xa của tỉnh nơi có các con sông, hệ thống dòng chảy mạnh. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số. 

Đập thủy điện Sông Bung 4 được xây dựng trên sông Bung, xã Zuôi, huyện Nam Giang. Có khoảng 1.096 người dân thuộc 4 làng phải di dời khi công trình thủy điện này được xây dựng, đa số là người dân tộc Cơ Tu.

Hầu hết người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng. Hàng ngày, họ vào rừng lấy củi, kiếm thức ăn, để thay thế một số loại thực phẩm khác họ cũng trồng rau củ, hoặc lúa trên đồi, đặc biệt nơi đây có loại cây “Tà Vạt” – là loài cây địa phương và người Cơ Tu dùng để làm rượu cho các ngày lễ của dân làng hay dùng để uống hàng ngày.

Sông Bung là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho dân làng. Cuộc sống của họ lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương đã và đang nuôi sống giá trị văn hóa và bao nhiêu là người dân cho cả vùng.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ sẽ phải thay đổi hoàn toàn khi dự án đập thủy điện Sông Bung 4 được xây dựng tại đây. Cả đoạn sông Bung với chiều dài khoảng 50 km, nhưng nơi đây sẽ xây dựng 6 đập thủy điện vừa và nhỏ – đó là chủ trương của tỉnh đề ra cho cả vùng nhằm tận dụng hết sức điều kiện thiên nhiên tại địa phương.

Làng Pa Rum B là một trong 4 làng bị di dời của xã bởi dự án thủy điện, trong làng có trường tiểu học và mẫu giáo cho trẻ em trong xã, có trạm y tế cho cả xã, có 56 hộ gia đình với 256 khẩu, với kiểu nhà truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng Nhà Gươl – điểm tụ họp văn hóa cho cả làng khi có lễ hội truyền thống, những ngày tết và hội họp.

Thế nhưng, cuộc sống của họ bị thay đổi hoàn toàn khi mà họ phải di đời đến địa điềm ở mới – những khu tái định cư. Một người đã than thở rằng: “Bên kia chẳng có gì cả, đất thì không thể trồng trọt vì không tốt bằng ở đây, nguồn nước thì hiếm vì sông và khe nước thì khá là xa, cây to thì không có, đất đai không bằng phẳng cho nên việc xây nhà và trường học là không hợp lý.”  

Họ không có cây “Tà Vạt” để làm rượu truyền thống của họ, trẻ em thì thiếu thốn môi trường học tập do xây dựng trường học rất khó, đất đai thì nghèo nàn cho nên việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn, họ không thể sống trong một căn nhà theo đúng truyền thống của họ, toàn những dãy nhà san sát giống kiểu người Kinh.  

Môi trường và văn hóa của Pa Rum B sẽ thay đổi nếu họ di dời đến địa điểm mới, cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì môi trường sống bị thay đổi một cách đột ngột. Các nhà lập kế hoạch và vận động chính sách cần có những biện pháp tích cực nhằm hạn chế tối đa tác động đến đời sống văn hóa dân tộc, xã hội và môi trường tại địa phương do những công trình thủy điện và đập đem lại.