Tây Ninh: Ngành nông nghiệp một năm nhìn lại

ThienNhien.Net – Năm 2008, chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở Tây Ninh được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh thống nhất đề ra là 6,5% so với năm 2007. Tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh, UBND tỉnh báo cáo có 15/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp ước đạt đến 7,8% – vượt kế hoạch đề ra. Năm 2008 là năm có nhiều khó khăn do tình hình vật giá biến động bất thường mà đạt được kết quả như vậy là cả một sự nỗ lực cao độ. Tuy nhiên hiện nay ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn rất nhiều nỗi băn khoăn.

Năm 2008, chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt vượt kế hoạch trước tiên nhờ diện tích một số cây trồng chủ lực gia tăng, trong đó tăng mạnh nhất là diện tích cây cao su. Đến cuối năm 2008, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đã đạt đến hơn 65.200 ha – tăng hơn so với cùng kỳ hơn 7,5%. Các loại cây trồng ngắn ngày khác cũng có gia tăng như: cây lúa đạt tổng diện tích gieo trồng hơn 152.000 ha – tăng hơn cùng kỳ 6,8%; cây mì đạt tổng diện tích hơn 47.000 ha – tăng hơn cùng kỳ gần 7%, cây đậu phộng đạt tổng diện tích gieo trồng hơn 21.700 ha – tăng hơn cùng kỳ trên 500 ha…

Riêng cây mía, trong những vụ trước diện tích giảm sút nghiêm trọng – nhất là diện tích mía trồng mới, nhưng những tháng cuối năm 2008 đang có dấu hiệu phục hồi với diện tích đăng ký trồng mới tăng lên đến hơn 4.000 ha. Diện tích gieo trồng gia tăng đồng thời với giá cả nhiều mặt hàng nông sản những tháng đầu năm 2008 gia tăng đã góp phần đáng kể nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều khởi sắc. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đang gia tăng, nhất là các khu vực trên sông, dọc các tuyến kênh và đặc biệt là trong khu vực hồ Dầu Tiếng. Sau 3 đợt thả cá giống từ năm 2005 đến năm 2007, sản lượng cá đánh bắt trong hồ Dầu Tiếng năm 2008 đã lên đến hơn 1.000 tấn – tăng hơn gấp hai lần so với mấy năm trước đây với các chủng loại cá ngày càng phong phú hơn.

Đàn bò sữa ở Tây Ninh sau mấy năm lận đận, giảm sút thì năm 2008 lại có dấu hiệu phục hồi do lợi nhuận dần được nâng cao trở lại. Riêng lĩnh vực trồng rừng tập trung theo Dự án 661, sau nhiều năm không hoàn thành kế hoạch thì năm 2008 cũng có bước đột phá với tổng diện tích rừng trồng được là 126 ha – đạt 126% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Tất cả những gia tăng nêu trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở Tây Ninh trong năm 2008. Tính theo giá cố định năm 94, năm 2008 tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở Tây Ninh ước đạt hơn 5.300 tỷ đồng – tăng 7,8% so với năm 2007. Đạt được kết quả này không thể không kể đến sự góp phần của ngành Khuyến nông, Bảo vệ thực vật và Thú y trong công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh.

Năm 2008, do tổ chức tốt công tác này mà một số cây trồng đạt năng suất cao, những dịch bệnh nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi như cúm gia cầm không có xảy ra trên địa bàn tỉnh, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên cây lúa được hạn chế tối đa. Nhờ vậy mà thiệt hại cho nông dân vì dịch bệnh được hạn chế đáng kể.

Tuy nhiên, bước sang năm 2009 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn rất nhiều điều đáng băn khoăn. Thực tế, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh gia tăng mạnh chủ yếu là trong những tháng đầu năm, còn những tháng cuối năm thì lại có chiều hướng giảm sút do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực đã bị giảm mạnh. Cụ thể như cao su, những tháng cuối năm giá các thương lái thu mua có lúc chỉ còn khoảng 12 triệu đồng/tấn – giảm hơn 4 lần so với thời điểm có giá cao nhất.

Còn cây khoai mì – tổng diện tích gieo trồng năm 2008 lên đến hơn 47.000 ha với tổng sản lượng cả triệu tấn khoai mì tươi do những năm trước và những tháng đầu năm 2008 có giá khá cao, nhưng đến những tháng cuối năm thì giảm sút còn chưa đến phân nửa, người trồng mì điêu đứng. Giá lúa những tháng đầu năm gia tăng khá cao nhưng cũng bị sụt giảm trong những tháng cuối năm.

Từ những khó khăn về giá cả mà hiện tại ở Tây Ninh có không ít nông dân đang có ý định phá bỏ cây cao su mới trồng để chuyển sang trồng loại khác. Riêng cây mía thì dù đã có dấu hiệu hồi phục diện tích, nhưng so với tổng diện tích đã từng đạt được trước đây – lên đến hơn 38.000 ha thì diện tích mía thực tế hiện nay vẫn còn thấp hơn rất nhiều.

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì khó khăn của ngành sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2009. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn còn tiếp tục giảm sút, tất yếu sẽ kéo tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp giảm sút. Do vậy, dù năm 2008 giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp Tây Ninh tăng đến 7,8% so với năm 2007, thế nhưng năm 2009 chỉ tiêu tăng trưởng ngành chỉ đặt ra có 6,5% so với năm 2008.

Để đạt được chỉ tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo năm 2009 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tăng cường hoạt động của Trung tâm giống, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y… nhằm chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ cho nông dân, phòng chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn – đặc biệt chú ý là nguồn lây lan từ biên giới.

Song song đó, tỉnh tăng cường chính sách tài chính tín dụng, đầu tư hạ tầng, tăng cường khuyến nông, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong khâu vận chuyển để ổn định và khôi phục lại vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh.