Mối lo từ những dự án chăn nuôi nghìn tỷ ở Tây Nguyên: Ép rừng, ép dân, sai lầm nối tiếp sai lầm

ThienNhien.Net – Tại Tây Nguyên, hàng chục nghìn héc ta đất rừng hoặc đất người dân đang canh tác được dùng làm dự án chăn nuôi đặt ra mối lo lớn về xã hội và môi trường.

Như chúng tôi đã đề cập, các tỉnh Tây Nguyên đang đón một làn sóng đầu tư mạnh chưa từng có vào lĩnh vực chăn nuôi bò, với tổng giá trị đầu tư cam kết khoảng 50.000 tỷ đồng, làm quy mô ngành chăn nuôi bò ở đây tăng vọt. Giá trị kinh tế lớn, lợi nhuận dự kiến cao khiến chính quyền các tỉnh nhiệt tình đón nhận, tạo điều kiện hết mức để các dự án được nhanh chóng triển khai.

Bên trong trang trại bò của Tập đoàn Đức Long - Gia Lai xây dựng trên đất rừng đã chuyển đổi.
Bên trong trang trại bò của Tập đoàn Đức Long – Gia Lai xây dựng trên đất rừng đã chuyển đổi.

Tuy nhiên, hàng chục nghìn héc ta đất mà các dự án sử dụng là đất rừng hoặc đất người dân đang canh tác, đặt ra những mối lo lớn về xã hội và môi trường. Thêm vào đó là những thất bại nhãn tiền của các dự án nông nghiệp chuyển rừng sang trồng điều, trồng cao su ở khu vực, càng khiến nỗi lo về các dự án gia tăng.

Suốt hơn 1 năm nay, ở huyện Ea Kar và huyện Chư M’Gar tỉnh Đắc Lắc râm ran câu chuyện về những dự án nuôi bò sẽ đầu tư tại địa phương và những nỗi mừng lo, được mất khi dự án triển khai. Có sự râm ran ấy, bởi hàng nghìn héc ta đang trong giai đoạn đổi chủ. Người dân thì muốn giữ quyền lợi của mình, các nhà đầu tư thì muốn càng nhiều đất càng tốt. Ngay cả chủ rừng, cũng muốn sớm đưa lâm phần của mình quản lý vào thực hiện dự án.

Ông Dương Văn Sơn, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Vầm, đơn vị đang xin chuyển đổi 758 ha sang trồng cỏ và trồng bắp nuôi bò, cho biết: Có 358 ha của hơn 200 hộ từ miền Bắc vào ở ngay giữa rừng. Nếu không đưa diện tích này vào dự án thì nguy cơ họ càng xâm chiếm. Quan điểm là đất rừng thì trồng lại rừng, nhưng thực chất mà nói, trồng lại rừng rất là khó. Vì hợp đồng với dân để trồng lại rừng thì hiệu quả không cao. Nhanh nhất là cây keo, cũng phải năm sáu năm mới được thu hoạch thì trong thời gian đó người ta ăn gì?

Một trọng điểm đang thực hiện dự án nuôi bò khác của Đak Lak là xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, vấn đề cạnh tranh giữa dự án và dân cũng diễn ra phức tạp khi nhà đầu tư, Công ty Cổ phần XNK Phước Thành chỉ muốn đền bù tiền khai hoang với giá rẻ mạt.

Ông Y Manh A Đrơng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo cho biết: “Về chủ trương đầu tư xây dựng trại bò, người dân đồng ý giao đất và vào làm công nhân nhưng về giá hỗ trợ là người dân không đồng tình vì giá hỗ trợ quá thấp. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu công ty phải làm đúng quy định của nhà nước. Khi thẩm định, chúng tôi mời lên công ty ấy còn nặng lời với chúng tôi nữa chứ. Họ nói là xây dựng cao thế làm sao mà hỗ trợ được. Nhưng theo quy định của nhà nước thì anh phải hỗ trợ tiền công khai hoang bằng 30% giá trị, tương đương 45 triệu đồng/ha, nhưng công ty xây dựng chưa tới 10% tức là 8 triệu đồng.

Theo thuyết trình của đại diện tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi xin đầu tư vào Đak Lak, trên diện tích 4.000ha đăng ký, tập đoàn sẽ đầu tư 320 triệu USD cho phần chăn nuôi và 150 triệu USD cho nhà máy sữa. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm dự án có thể đem lại lợi nhuận khoảng 4.650 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 1.023 tỷ đồng mỗi năm. Theo thuyết trình này, cứ mỗi héc ta nuôi bò, doanh nghiệp sẽ lãi hơn 1 tỷ đồng 1 năm, nộp ngân sách hơn 250 triệu đồng.

Hoan nghênh những dự án nuôi bò, và để giúp doanh nghiệp sớm thoát khỏi rắc rối đền bù, nhanh chóng triển khai những dự án siêu lợi nhuận, UBND tỉnh Đak Lak trình HĐND tỉnh và đã được phê duyệt kế hoạch chuyển đổi 36 nghìn héc ta đất rừng sang đất trồng cây ngắn ngày. 16 nghìn héc ta trong đó là đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất. 20 nghìn héc ta còn lại là đất rừng, chuyển đổi để trồng cỏ nuôi bò.

Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Đăk Lắk, tỉnh đã cân nhắc, đây chỉ là diện tích rất nhỏ, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng của địa phương: “Đúng là trọng tâm chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh Đắk Lắk là phải giữ được rừng. Nhưng mà với tổng diện tích hơn 600.000 ha đất lâm nghiệp của tỉnh mà chỉ chuyển đổi hơn 20.000ha thì rất bé. Chúng tôi tính ra chỉ 2-3%. Ngoài những vùng đã chuyển thì những vùng còn lại phải tập trung tái tạo, nâng cao chất lượng rừng”.

Trang trại này chuyển đổi từ đất rừng nhưng không trồng cao su, nay tiếp tục được xây dựng mở rộng để chăn nuôi bò.
Trang trại này chuyển đổi từ đất rừng nhưng không trồng cao su, nay tiếp tục được xây dựng mở rộng để chăn nuôi bò.

Trước viễn cảnh siêu lợi nhuận, siêu đóng góp ngân sách mà các doanh nghiệp nuôi bò thuyết minh, không chỉ tỉnh Đắk Lak hào phóng chuyển đổi rừng. Tại Gia Lai, tỉnh đã cho phép Công ty Cổ phần chăn nuôi Tây Nguyên chuyển 2 nghìn ha đất rừng trồng thành đất trồng cỏ nuôi bò; để cho doanh nghiệp này tự ý thực hiện dự án khi chưa có báo cáo tác tộng môi trường. Thêm vào đó,  trang trại chủ yếu được mở trên địa bàn thị xã An Khê và và huyện Mang Yang, trái ngược với quy hoạch trước đó của tỉnh.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có trại bò nào ở Tây Nguyên đóng góp ngân sách 250 triệu đồng/ha/năm như thuyết trình của doanh nghiệp, nhưng sự cố ô nhiễm trầm trọng đã phát sinh, khiến hàng chục nghìn dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, phải gánh hậu quả. Trại bò được xây dựng ngoài quy hoạch khiến vấn đề nước tưới trong khu vực thêm gay gắt, phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành An, thị xã An Khê, nơi có 1 trại bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nói: “Chất thải tràn ra đất rồi chảy ra đất xung quanh của nhân dân rồi chảy ra sông Ba nên nguồn nước sông Ba rất là kinh khủng. Sở TNMT xuống để xử lý thì họ hứa đến quý 3 năm 2015 là họ khắc phục, nhưng sau đó họ không làm. Chất thải mà phóng trực tiếp ra môi trường nên rất là ô nhiễm.”

Ở thời điểm này, trên trang thông tin chính thức của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ở địa chỉ duclonggroup.com, vẫn treo bài viết “Cao su trồng dễ tiền nhiều”, thuyết minh cho triển vọng kinh tế to, lợi nhuận lớn từ cao su, không chỉ của Đức Long mà của cả Hoàng Anh Gia Lai. Câu trả lời thực tế nay đã ngược lại. Đức Long Gia Lai bỏ cao su, tự ý xây dựng trại bò trên phần đất rừng đã chuyển đổi, tiếp tục thuyết minh nuôi bò có nhiều lợi nhuận và xin thêm hơn 7.000ha để mở dự án ở cả 3 tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông.

Tây Nguyên đang khô cháy bởi đại hạn, mức kỷ lục trong vòng trăm năm nay, nên càng cần nhận rõ giá trị thực sự to lớn của rừng. Hàng vạn hộ nghèo, thiếu đất sản xuất cũng đang là thực trạng của khu vực. Trong khi đó, lợi nhuận to, đóng góp lớn cho ngân sách của những dự án nuôi bò, mới chỉ là triển vọng. Tây Nguyên cần biến triển vọng thành hiện thực, nhưng đánh đổi một cách quá hào phóng giống như đã làm ở chương trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su – thì có thể sai lầm lại nối tiếp sai lầm.

Xem bài trước: Mối lo từ những dự án chăn nuôi nghìn tỷ ở Tây Nguyên

Nguồn: