Nhìn lại 2008 – Những vấn nạn ô nhiễm trên thế giới (kỳ 1)

ThienNhien.Net – Viện Blacksmith phối hợp cùng tổ chức Chữ thập xanh Thụy Sỹ đã công bố bản báo cáo về 10 vấn đề ô nhiêm nghiêm trọng nhất thế giới năm 2008. Danh sách bao gồm từ những vấn đề là tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt trong thời gian qua như ô nhiễm không khí đô thị cho tới những vấn đề ít khi được nói đến, như tái chế ắc quy. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ hàng triệu người trên toàn thế giới.

1. Khai thác vàng thủ công

Khai thác vàng thủ công là một trong những nguồn thải thuỷ ngân ra môi trường lớn nhất ở các nước đang phát triển. Khoảng ¼ tổng lượng vàng cung cấp trên thế giới bắt nguồn từ các khu mỏ này. Những người thợ mỏ thủ công trộn thuỷ ngân với bùn có chứa vàng để tạo thành một hỗn hợp cứng lấy đi phần lớn lượng vàng chứa trong bùn.

Sau đó, hỗn hợp này được đun nóng lên bằng đèn hàn hoặc hơ lửa để làm bay hơi thuỷ ngân, để lại những miếng vàng nhỏ. Không được bảo vệ bằng các thiết bị bảo hộ lao động, chính những nhân công đào đãi vàng và cả gia đình, con cái họ hít hơi thủy ngân này vào. Theo một nghiên cứu về khai thác vàng thủ công ở Peru cho thấy để tinh chế được một gam vàng, có ít nhất 2 gam thuỷ ngân được thải vào khí quyển. Còn lượng thuỷ ngân không bay hơi bị thải trực tiếp ra môi trường xung quanh khu mỏ và lan rộng. Chúng được vô số sinh vật hấp thụ và tích luỹ sinh học. Trong môi trường, thuỷ ngân có thể bị biến thành metyl thuỷ ngân – một trong những chất độc thần kinh nguy hiểm nhất có thể gây hại cho con người thông qua chuỗi thức ăn.

 10 vấn đề
Không còn lựa chọn nào khác, những người dân buộc phải bước vào nghề khai thác vàng để thoát khỏi tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và không có ruộng đất. (Ảnh: Worstpolluted.org)

Nhiễm độc thuỷ ngân có thể gây ra các bệnh về thận, khớp, mất trí nhớ, sẩy thai, loạn thần kinh, hô hấp kém, tổn thương thần kinh và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt là trẻ em, nếu bị phơi nhiễm thuỷ ngân sẽ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề trong giai đoạn phát triển.

Theo ước tính của Tổ chức phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), hoạt động khai thác vàng thủ công thải ra khoảng 1.000 tấn thuỷ ngân mỗi năm, chiếm 30% sản lượng thuỷ ngân trên toàn thế giới. Có khoảng 10 đến 15 triệu công nhân khai thác vàng thủ công làm việc tại các mỏ quy mô nhỏ, trong đó có 4,5 triệu phụ nữ và khoảng 600.000 trẻ em. Hầu hết các công nhân khai thác vàng thủ công đến từ những khu dân cư kém phát triển về kinh tế, xã hội.

Họ buộc phải bước vào nghề khai thác vàng để thoát khỏi tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và không có ruộng đất. Họ phải chịu sự ngược đãi của chính phủ và đối mặt với hàng loạt nguy cơ sập hầm và hoá chất độc hại từ quá trình khai thác và chế biến. Theo UNIDO cho biết, 95% lượng thuỷ ngân sử dụng trong khai thác vàng thủ công được thải vào môi trường một cách không kiểm soát, gây nguy hiểm về mọi mặt: kinh tế, môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

2. Nguồn nước mặt

Do nhiều lý do khác nhau, các nguồn nước trên Trái đất ngày càng cạn kiệt. Ước tính có khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, dân số gia tăng với tốc độ chóng mặt. Quá trình đô thị hoá, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đang khiến cho các nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người. Gần 5 triệu người chết hàng năm ở các nước đang phát triển có liên quan đến vấn đề thiếu nước sạch.

Những chất gây ô nhiễm chủ yếu trong nước là các mầm bệnh sinh ra từ chất thải của con người (vi khuẩn và vi rút), kim loại nặng và hoá chất từ chất thải công nghiệp, nông nghiệp. Uống nước đã bị ô nhiễm hoặc ăn thức ăn chế biến bằng nước nhiễm độc là hình thức phơi nhiễm phổ biến nhất. Ăn cá bắt từ nguồn nước bị ô nhiễm cũng có thể nguy hiểm vì chúng có thể mang mầm bệnh và tích luỹ các chất độc hại như kim loại nặng và các chất hữu cơ bền thông qua quá trình tích luỹ sinh học. Ngoài ra, con người cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cây trồng được tưới bằng nước ô nhiễm hoặc do đất bị nhiễm bẩn bởi các dòng sông ô nhiễm dâng lên.

Các mầm bệnh trong nước ô nhiễm có thể gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến đường ruột, đặc biệt nguy hiểm và có thể gây tử vong đối với trẻ em và những người có thể trạng nhạy cảm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm nguồn nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong số các vấn đề về môi trường. Những chất độc tích luỹ trong cá và các loại thức phẩm khác ít có nguy cơ gây độc cấp tính nhưng lại có thể để lại hậu quả lâu dài.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt hiện đang diễn ra với hầu hết các con sông lớn ở các nước đang phát triển, điển hình như Trung Quốc và Ấn Độ. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá một cách ồ ạt đã khiến cho nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày của người dân trở nên tồi tệ. Theo dự đoán, trong một vài thập kỷ tới, có tới 2/3 dân số thể giới sẽ phải sống trong cảnh thiếu nước.

Trong thời gian qua, các quốc gia cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nước mặt, tuy nhiên kết quả mang lại còn hạn chế. Ấn Độ đã tốn hàng trăm triệu rupi cho kế hoạch Hành động sống Hằng thực hiện từ những 1980 nhằm giảm ô nhiễm trên dòng sông này, nhưng hầu như không mang lại kết quả.

Trung Quốc mặc dù đã cải thiện đáng kể chất lượng nước ở sông Hoàng Phố chảy qua thành phố Thượng Hải bằng khoản đầu tư hàng tỉ USD trong 20 năm cùng với việc đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nhưng hoạt động công nghiệp và sự phát triển đô thị lại đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Dương Tử, con sông lớn nhất quốc gia này.
 
Một thực tế cho thấy, các chương trình phục hồi chất lượng nước mặt là có thể thực hiện được nhưng rất tốn kém. Và điều đó dường như đồng nghĩa với việc những người dân nghèo sống xung quanh các lưu vực bị ô nhiễm vẫn tiếp tục phải ăn uống và sinh hoạt bằng những nguồn nước chết người đó.

3. Nước ngầm

Nước ngầm là nguồn nước nằm ở dưới bề mặt lớp đất sỏi và trong những tầng địa chất thấm qua được. Nước ngầm là một nguồn rất quan trọng của nước sạch, chiếm 97% lượng nước ngọt trên Trái đất. Khoảng 2 tỉ người, cả ở thành phố và nông thôn đang phụ thuộc vào lượng nước này cho những nhu cầu sống hằng ngày. Nhưng nguồn nước này giờ đây cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều lý do khác nhau. 

10 vấn đề
Ở các nước đang phát triển các biện pháp ngăn chặn ô  được tiến hành rất chậm chạp, trong khi hệ thống nước ngầm đang ngày càng bị nhiễm bẩn nghiêm trọng. (Ảnh: Worst Polluted.org)

Ở đô thị, các nguồn gây ô nhiễm nước ngầm chính là các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh. Ngoài ra nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản đều có khả năng bị rò rỉ và ngấm vào tầng chứa nước nước ngầm. Hoạt động sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón cũng là nguồn đe doạ lớn đối với nguồn nước ngầm.

Các quá trình hình thành địa chất tự nhiên là nguồn giải phóng kim loại nặng vào nước ngầm, trong đó phổ biến nhất là ô nhiễm Asen. Một nghiên cứu mới đây cho thấy nguồn nước ngầm của nhiều quốc gia thuộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á có hàm lượng Asen rất cao. Cao nhất là Băng-la-đét. Hiện có 1/15 dân số nước này đang phải uống nước có hàm lượng Asen cao hơn 5 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nước ngầm rất khó xử lý, do đó việc bảo vệ nguồn nước đó là cực kỳ quan trọng. Một số biện pháp ngăn chặn cơ bản là tăng cường kiểm soát đối với việc xả thải, xây dựng hệ thống thoát nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cho đến nay ở các nước đang phát triển các biện pháp này được tiến hành rất chậm chạp, trong khi hệ thống nước ngầm đang ngày càng bị nhiễm bẩn nghiêm trọng.

4. Không khí trong nhà

Sự ô nhiễm không khí trong nhà (IAP) là khái niệm để mô tả điều kiện không khí trong các không gian nhà ở, trường học, nơi làm việc… không đảm bảo. Nó có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như khói bếp lò, khói thuốc lá hoặc do hoạt động của các loại máy móc, thiết bị trong nhà. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu của IAP ở các nước đang phát triển là do việc đốt than và các chất đốt sinh học (gỗ, phân động vật và rơm rạ) để nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng. Hơn 50% dân số thế giới dùng năng lượng để đun nấu theo cách này, hầu hết họ đều sống ở các nước nghèo.

Trong khi đa số người dân ở các nước có thu nhập cao đã chuyển sang dùng các sản phẩm từ dầu mỏ và điện để đun nấu, thì ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Châu Phi cận Sahara, tới 80% các gia đình ở thành phố và hơn 90% các hộ dân ở nông thôn vẫn đun nấu bằng các nguồn nhiên liệu truyền thống này.

Nhiên liệu sinh học được đốt chủ yếu bằng các bếp thô sơ, do đó chúng thường không được đốt cháy hoàn toàn. Điều này vừa gây ra sự lãng phí nguyên liệu vừa gây ô nhiễm không khí. Cùng với hệ thống thông gió không đảm bảo đã làm cho hàm lượng bụi và khói độc trong nhà cao, rất có hại cho sức khoẻ con người. Trong đó những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ – những người thường xuyên nấu ăn và trẻ nhỏ thường xuyên được địu trên lưng mẹ.

Sự đốt cháy nguyên liệu sinh học tạo thành các hạt. Các hạt với đương kính nhỏ hơn 10 micro (PM10) và đặc biệt nhỏ hơn 2.5 micro (PM2.5) có thể xuyên sâu vào phổi. Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã khuyến cáo rằng hàm lượng trung bình 24giờ của PM10 không nên vượt quá 150 µg/m3. Trong khi đó, nếu đun nấu với nguyên liêu sinh học truyền thống hàm lượng PM10 trong không khí trong nhà có thể đạt từ 300 đến 3000 µg/m3, cao gấp hơn 20 lần lượng cho phép. Thậm chí vào thời điểm đun nấu con số này có thể lên tới 30.000 µg/m3, gấp 200 lần hàm lượng cho phép.

IAP gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm và là nguyên nhân cho 4% căn bệnh trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp.

Hàng trăm, nhiều chương trình đã được thực hiện trên toàn thế giới để giảm thiểu mối đe doạ bởi IAP. Phần lớn chúng đều tập trung vào việc giới thiệu những loại bếp sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong những năm tới những nỗ lực này cần được bổ sung bằng những cách tiếp cận toàn diện hơn bao gồm cải thiện hệ thống lưu thông gió, thay đổi cách sống và một loạt các giải pháp truyền thông khác.

5. Khai thác mỏ

Các hoạt động khai thác mỏ gồm tất cả các hoạt động khai thác kim loại và khoáng sản hiện nay. Vấn đề ô nhiễm thường thấy trong các mỏ đang hoạt động là lớp đất đá bị bóc ra trong quá trình khai thác và các chất thải từ quá trình làm giàu và chế biến quặng. Chúng chứa rất nhiều kim loại nặng và các loại hoá chất nguy hại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của những người tiếp xúc mà còn làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra chúng còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tưới tiêu cho nông nghiệp, huỷ hoại đất trồng.

Rất nhiều vấn đề sức khoẻ có nguyên nhân từ các mỏ hoạt động ô nhiễm, tuỳ thuộc vào từng loại chất có mặt và sự liên kết trong không khí, đất, nước và thức ăn. Nếu không xảy ra sự cố gì nghiêm trọng, ảnh hưởng của hoạt động khai thác mỏ thường kéo dài trong nhiều năm, gây hại đến mắt, da, mũi họng; những bệnh tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn máu, thận, gan; thậm chí có thể gây ra các bệnh ung thư, phá huỷ hệ thần kinh trung ương, gây ra các dị dạng bẩm sinh.

Một số khu vực điển hình cho tình trạng ô nhiễm do khai thác mỏ là làng Guo’an, Quảng Tây, Trung Quốc, Santa Catarina – Brazil.

Trong những năm qua, chính phủ các nước cũng đã có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động của các khu khai thác mỏ nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ nguời dân. Nhưng tổng kết về các vấn đề năm 2008, khai thác mỏ vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với môi trường thế giới. Trong những năm tới, muốn giải quyết vấn đề này, chính phủ các nước cần có những chính sách và quy định pháp luật nghiêm minh hơn nũa, buộc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp xử lý nước thải và chất thải rắn, hạn chế những tác động đến môi trường và sức khoẻ nguời dân.