Cam-pu-chia: Buôn bán gấu gia tăng bất chấp nỗ lực ngăn chặn

ThienNhien.Net – Trung bình hàng năm, các lực lượng chức trách Cam-pu-chia giải cứu được khoảng 10 đến 15 con gấu khỏi những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép hoặc các nhà hàng, gia trại. Tuy nhiên, đó chỉ là con số nhỏ so với số gấu còn lại không may mắn. Nạn buôn bán gấu quốc tế đang đẩy loài gấu ở Cam-pu-chia đến bờ vực tuyệt chủng.

Millie và Mollie là những thành viên mới được đưa về nơi tập trung các chú gấu được giải cứu, hiện nay có 93 thành viên, tại Vườn Bách Thú Phnom Tamao và Trung Tâm Giải Cứu Động vật Hoang dã. Trước mắt, chúng sẽ phải sống trong các chuồng trại, song Tổ chức giải cứu gấu – một tổ chức phi chính phủ của Cam-pu-chia được thành lập năm 1997 – đang lập kế hoạch để thả những chú gấu này về tự nhiên.

Cũng như ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác, gấu ở Cam-pu-chia bị khai thác làm phương thuốc truyền thống. Gấu bị săn bắt từ các khu rừng và vận chuyển qua biên giới để bán sang Trung Quốc và Việt Nam.

Nạn buôn bán dã man

Ở Cam-pu-chia, gấu chó con thường bị bắt làm vật cảnh. Nhưng việc đó cũng đồng nghĩa với giết gấu mẹ vì “gấu mẹ sẽ chiến đấu bảo vệ con cho đến khi nó chết.”

Nạn khai thác gấu lấy mật không diễn ra tràn lan ở đây nhưng tay gấu thì bị lùng sục gắt gao để đưa vào món súp truyền thống. Vài năm gần đây, chính phủ nước này đã có những biện pháp nghiêm trị nên nạn buôn bán diễn ra lén lút hơn. Hiện súp tay gấu chỉ có ở một số ít nhà hang, và theo dư luận đồn đại thì giá mỗi bát khoảng 500 USD.

Những kẻ săn trộm gấu ở Cam-pu-chia thường sử dụng bẫy vì chúng rẻ và dễ làm, những chiếc bẫy từ dây phanh xe máy và một vài cành cây. Dẫu cho gấu có bị thương hay không, các trại lấy mật vẫn sẽ mua chúng.

Dấu hiệu khả quan

Tình hình đã khả quan hơn từ khi có sự can thiệp mạnh của chính phủ Cam-pu-chia năm 2001, với việc thành lập Đội Giải Cứu Động vật Hoang dã (WRRT) và ban hành luật chống mua bán động vật hoang dã. Các biện pháp này làm giảm đáng kể sản phẩm từ động vật hoang dã và nạn buôn bán qua biên giới.

Đối tượng vi phạm trực tiếp thường là những gia đình địa phương nghèo khổ, nhưng họ không phải là mục tiêu của WRRT. WRRT nhằm tới những kẻ buôn bán động vật hoang dã.

Điều 93 trong Luật Lâm nghiệp Cam-pu-chia quy định phạt 5-10 năm tù giam đối với tội phạm vận chuyển và buôn bán gấu ngựa. Đối với gấu chó, hình phạt là 1-5 năm tù và phạt tiền lên tới 100 triệu Riel (khoảng 24.000 USD).

Mặc dù vậy luật pháp ở Cam-pu-chia cũng giống như ở nhiều nơi khác, vẫn chưa được thực thi nghiêm túc và còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng. Theo Annette Olsson của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), có nhiều vụ buôn bán đã không bị xét xử. CI phát hiện ra trong số 268 vụ từ năm 2001 đến 2005 chỉ có 7 vụ đưa ra xét xử và chỉ có 1 vụ có hình phạt tù.