Giảo cổ lam – Nhân sâm của người Việt

ThienNhien.Net – Giảo Cổ Lam, một loài dược liệu quí hiếm, xuất hiện trong các tài liệu y học của Nhật Bản từ thế kỷ 17 và được coi như một loại thần dược. Năm 1997 các nhà khoa học của Việt Nam đã phát hiện sự có mặt của loại thảo dược này tại Lào Cai.

Giảo cổ lam  hay còn gọi là dây lõa hùng, trường sinh thảo hoặc thất diệp đảm, ngũ diệp sâm với tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, thuộc họ Bầu bí. Cây có đặc điểm là loài thân thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt. Lá kép hình chân vịt. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô hình cầu, đường kính 5 – 9 mm, khi chín màu đen.

Cây mọc ở độ cao 200 – 2.000 m, trong các rừng thưa và ẩm ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên và một số nước châu Á khác.

Thành phần hóa học chính của thất diệp đảm là flavonoit và saponin. Đây là những thành phần chính có trong nhân sâm, giúp chống lại sự lão hóa, nâng cao sức đề kháng, bảo vệ gan, phòng chống ung thư…

Năm 1997 TS Phạm Thanh Kỳ, Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu, trường ĐH Dược Hà Nội đã phát hiện ra loài cây này khi nghiên cứu tại Lào Cai, hiện nay loại dược thảo này cũng đã được phát hiện tại Cao Bằng và Hà Giang.

Các nghiên cứu của TS Phạm Thanh Kỳ cho thấy đây là một loài dược liệu quý hiếm, có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như chống lão hoá mạnh, làm tăng miễn dịch, giải độc, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc, giảm béo và rất tốt cho người bị rối loạn chuyển hoá lipid, cao huyết áp, tiểu đường…

Tuy nhiên cũng không nên coi giảo cổ lam như một loại thuốc chữa bách bệnh, một số trường hợp như tụt huyết áp, chảy máu, rong kinh, hoặc quá mẫn cảm với saponin không nên dùng.

Các sản phẩm từ cây giảo cổ lam hiện nay đều sản xuất dưới dạng trà hoặc dạng viên thực phẩm chức năng với nhãn hiệu Tuệ Linh. Nguyên liệu được sử dụng là các sản phẩm thu hái ngoài tự nhiên nên không có các hóa chất độc hại như phân bón, thuốc trừ sâu.

Hiện tại nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm từ giảo cổ lam ngày càng lớn đang tạo áp lực lớn lên loài cây này. Nếu như chúng ta không có kế hoạch khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quí hiếm này thì rất có thể một ngày nào đó giảo cổ lam sẽ bị tuyệt diệt.