Tăng cường đối thoại, nỗ lực tìm giải pháp hiệu quả cho toàn vùng

ThienNhien.Net – Đây là một trong những mục tiêu được Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban năm 2008 công tác quản lý Nhà nước về TN&MT vùng đồng bằng Bắc Bộ tổ chức tại TP. Nam Định ngày 21/11.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Văn Trung, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng lãnh đạo Sở TN&MT 10 tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

“Năng lực các Sở TN&MT cần nâng tầm hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới. Đây là một trong những khó khăn thách thức lớn. Chúng ta sẽ nỗ lực tìm giải pháp đồng bộ hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.

Phác thảo bức tranh quản lý TN&MT vùng đồng bằng Bắc Bộ

Tính đến hết tháng 9 vừa qua, kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 10 tỉnh cho thấy đối với đất sản xuất nông nghiệp, chỉ có 5 tỉnh đạt kết quả cao trên 90% là Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng. Ba tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình đạt trên 80% diện tích đất cần cấp. Với đất ở đô thị, ngoài Hải Dương đạt 95% diện tích đất cần cấp, Ninh Bình đạt 83% diện tích cần cấp, các tỉnh còn lại đạt kết quả thấp, như Hưng Yên chỉ đạt 13%. Đất chuyên dùng nhìn chung kết quả đạt thấp, chủ yếu tỷ lệ dưới 50%. Ba tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam đạt dưới 10%.

Công tác cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước đã được thực hiện theo đúng pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, các giếng khoan không sử dụng chưa được trám lấp để bảo vệ nguồn nước dưới đất.

Đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, có 4 tỉnh, thành phố bảo đảm chi đủ kinh phí 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định và Ninh Bình. Hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng từng bước được nâng cấp theo hướng hiện đại hóa.

Về địa chất khoáng sản, trong vùng chủ yếu gồm đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường tập trung ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình. Bộ đã giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản trên các tỉnh trong vùng với tổng kinh phí 6.682 triệu đồng.

Năm 2008, Bộ TN&MT đã tiếp nhận được 493 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, trong đó có 476 lượt đơn trong lĩnh vực đất đai và 17 lượt đơn trong lĩnh vực môi trường, khoáng sản. Có những địa phương có lượng đơn thư gửi nhiều đến Bộ là Hải Phòng (88 lượt), Hải Dương (73 lượt), Nam Định (56 lượt)… Có 33 vụ việc khiếu nại đông người thuộc lĩnh vực đất đai.

Nội dung đơn thư cũng chủ yếu tập trung vào khiếu nại việc thực hiện thu hồi đất, giá cả bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai giữa cá nhân và cá nhân hoặc tố cáo vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, chủ yếu ở cấp xã, thôn.

Tăng cường đối thoại

Bám sát mực tiêu tăng cường đối thoại, 10 Giám đốc các Sở trong vùng đã phát biểu những vấn đề bức xúc nhất ở địa phương mình về quản lý TN&MT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Văn Trung bày tỏ mong muốn cơ chế hoạt động của Bộ với các địa phương được nghiên cứu để phối hợp nhịp nhàng hiệu quả hơn.

Một số văn bản các địa phương ban hành còn chồng chéo, khó thực hiện, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt về lĩnh vực đất đai là vấn đề tập trung bàn thảo chủ yếu, như quy định về đất dịch vụ, vấn đề định giá đất, quy hoạch sử dụng đất… Sở TN&MT Hà Nội cho rằng quy hoạch chồng chéo giữa ngành xây dựng và ngành TN&MT liên quan tới đất đai là có thật.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Chu Quốc Hải khi bàn tới giá đất cho biết, hơn 80% khiếu tố, khiếu nại liên quan tới giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. “Định giá đất khá vất vả vì không thể quá chi tiết mà cũng dễ bị xa giá thị trường, nhất là đối với đất thổ cư và đất ở. Rất cần có cơ quan hướng dẫn theo dõi quy trình định giá, nghiên cứu về tài sản đất đai để việc định giá có tính khả thi hơn”, ông Hải nói.

“Vậy có nên nghiên cứu thành lập ở các tỉnh, các Chi cục Quản lý đất đai theo hệ thống ngành dọc từ Tổng cục”, lãnh đạo Sở TN&MT Hải Dương đặt câu hỏi và đề nghị Bộ nên có văn bản để các địa phương hiểu rõ hơn nội dung Nghị quyết Quốc hội “đến năm 2010 sẽ cơ bản cấp xong các loại giấy chứng nhận đất”.

Tỉnh Hải Phòng cũng khẳng định mối bận tâm lớn nhất hiện nay là quản lý đất nông nghiệp bởi vấn đề này liên quan tới việc thu hồi đất và “tam nông”. “Bộ nên quy định hạn mức sử dụng đất đối với các loại hình sản xuất công nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất đai. Cần có tổ chức chuyên môn hóa việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, không nên để Hội đồng kiêm nhiệm như hiện nay. Để ổn định lâu dài thì giá đất và chính sách bồi thường cũng cần tính tới tính liên vùng, không nên để chênh lệch giữa các tỉnh như hiện nay”, lãnh đạo Sở TN&MT Hải Phòng đề xuất.

Một nội dung cũng được đa số đại biểu quan tâm đồng tình là công tác thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, do đó kết quả còn khiêm tốn. Nhiều vi phạm của các cá nhân, tổ chức chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Cụ thể như quản lý tài nguyên nước chưa vào một mối thống nhất dẫn đến thủ tục hành chính về khai thác sử dụng và bảo vệ không được quan tâm, thẩm quyền cấp phép cũng chưa được thực hiện theo quy định hiện hành.

“Bộ cần ban hành chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Nếu hành lang là 300m, cần có những chiến dịch di dân lớn, thậm chí nhiều dự án phát triển của địa phương khó triển khai. Nhưng nếu không làm quyết liệt sẽ không bảo vệ được nguồn nước”, đại diện Sở TN&MT Hải Phòng thẳng thắn.

“Vấn đề môi trường ở Vĩnh Phúc không quá phức tạp nhưng tình hình vi phạm Luật Bảo vệ môi trường vẫn tồn tại do việc thanh tra, kiểm tra khó khăn. Tuy đã phân cấp nhưng năng lực cấp huyện có hạn, đặc biệt trong việc kiểm tra định kỳ. Cần nâng mức xử phạt, cũng như quy định rõ ràng việc đình chỉ sản xuất đối với hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường”, ông Chu Quốc Hải phát biểu.

Đại biểu tỉnh Hưng Yên lại bức xúc tình trạng đất chật người đông, rác thải sinh hoạt xử lý rất khó khăn khi có những bãi rác nằm giữa hai tỉnh, đã bàn bạc nhiều lần giải quyết dứt điểm cũng không xong, “đề nghị Bộ có cơ chế hướng dẫn xử lý những “bãi rác liên tỉnh”, có cơ chế hướng dẫn quyết toán kinh phí cho việc sử dụng 1% ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường”.

Đồng thuận giải bài toán nan giải

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên sau khi lắng nghe lãnh đạo 10 Sở TN&MT trong vùng phát biểu những vấn đề bức xúc nhất, nhận thấy các vấn đề xung quanh việc quản lý đất đai, giải quyết khiếu tố khiếu nại, tổ chức bộ máy cũng như các lĩnh vực khác của ngành là “bài toán vô cùng nan giải”. Song các vấn đề sẽ được giải quyết từng bước có hiệu quả thông qua đối thoại giữa Bộ và các địa phương nhằm trao đổi kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm và cả những thiếu sót. Hội nghị sẽ chốt lại những vấn đề cụ thể cần tập trung giải quyết, nỗ lực tìm giải pháp hiệu quả cho toàn vùng.

“Từ nay Bộ TN&MT chủ trương tiến hành các cuộc giao ban vùng nhằm bàn sâu và kỹ hơn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề ra các giải pháp cụ thể hữu hiệu hơn trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT đối với toàn vùng. Ngành TN&MT làm việc có được hiệu quả và uy tín chính là nhờ thực tế hoạt động ở các địa phương”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu.

Cùng với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trao đổi thẳng thắn những vấn đề được các địa phương đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc thù của đồng bằng Bắc Bộ là quỹ đất hạn hẹp và dân cư đông nên việc xử lý các bãi rác liên tỉnh đòi hỏi không manh mún nhưng phải phù hợp với đặc điểm địa bàn, đảm bảo yêu cầu khoa học và chi phí.

Nhu cầu lập trạm quan trắc được nhiều địa phương đặt ra là một trong những biện pháp kiểm soát, kiểm tra những vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường trên địa bàn, Thứ trưởng cho biết, vấn đề này liên quan đến vốn đầu tư, có thể sử dụng nguồn 1% ngân sách sự nghiệp môi trường đầu tư cho trạm quan trắc hoặc hỗ trợ giám sát môi trường liên vùng.

Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu điều phối chung mạng lưới quan trắc môi trường gắn với địa bàn. “Đề nghị chú trọng hơn vấn đề kiểm soát ô nhiễm bằng cách tăng cường thanh tra, kiểm tra. Kinh nghiệm là phối hợp tốt với Cảnh sát Môi trường sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt chú trọng ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp”.

Các địa phương cần từng bước nghiên cứu triển khai những nhiệm vụ mới như quản lý biển và hải đảo, biến đối khí hậu, khí tượng thủy văn… Các Sở cần có cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn mới có thể tham mưu tốt cho tỉnh trong lĩnh vực này. Đặc biệt với công tác quản lý đất đai, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phương thống nhất sau hội nghị này sẽ khẩn trương làm văn bản tổng hợp đề xuất các ý kiến gửi Tổng cục Quản lý đất đai, làm cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện sửa đổi 6 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai tới đây.

“Việc trao đổi thường xuyên giữa các địa phương với nhau và với Bộ sẽ được tăng cường thường xuyên với hy vọng chất lượng tổ chức giao ban ở các vùng tới đây sẽ ngày càng được nâng cao hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Ngày 28/11 tới đây tại TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức sẽ chủ trì Hội nghị giao ban vùng Nam Trung Bộ.