Cùng lên tiếng để chấm dứt vấn nạn buôn bán thịt chó, mèo

Một chiến dịch lớn “Đây không phải Việt Nam” đã được tổ chức Phúc lợi toàn cầu (FOUR PAWS) phát động, nhằm kêu gọi người dân Việt Nam cùng hành động chống lại nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn nhẫn và dã man.

88% người Việt Nam sẽ ủng hộ lệnh cấm bạn buôn bán thịt chó, mèo

Trước đó, tháng 3/2020, FOUR PAWS công bố một báo cáo về vấn nạn buôn bán thịt chó, mèo không chỉ diễn ra ở Đông Nam Á mà còn khá “nhức nhối” ở Việt Nam. Báo cáo còn cho thấy sự tàn ác đối với động vật, và là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh dại và sự xuất hiện của các dịch bệnh khác. Đầu năm 2021, FOUR PAWS đã ủy thác thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết ở Việt Nam về một số chủ đề, trong đó bao gồm cảm nhận của người dân về nạn buôn bán thịt chó, mèo. Theo đó, ước tính mỗi năm có khoảng năm triệu cá thể chó và một triệu cá thể mèo bị giết hại dã man để lấy thịt ở Việt Nam, nhưng chỉ để phục vụ cho lợi ích của một số ít cá nhân.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ có 6,3% người Việt Nam tiêu thụ thịt chó, mèo nhưng có đến 88% công chúng ủng hộ chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo. Điều đó cho thấy nạn buôn bán thịt chó, mèo không phải là điều mà đa số người dân mong muốn và nó không đại diện cho đất nước Việt Nam.

Đã đến lúc cần hành động quyết liệt hơn để bảo vệ chó, mèo trước vấn nạn buôn bán

Có đến 95% đối tượng khảo sát khẳng định tiêu thụ thịt chó, mèo không phải là một phần của văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ không ủng hộ việc tiêu thụ thịt chó, mèo vì ngày càng có nhiều người nuôi thú cưng, và coi chó, mèo như thành viên không thể thiếu trong gia đình. Những chủ nuôi thú cưng hết sức đau lòng khi biết chó, mèo của họ bị trộm cướp và giết hại dã man trong các lò mổ.

Chị Hoàng Huệ Phương, 32 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ, bản thân là người yêu động vật, nuôi cả chó và mèo. Chó, mèo là để yêu thương nên mỗi khi nghe tin chúng bị bắt trộm, đánh đập hay bị giết lấy thịt, chị đều cảm thấy rất đau lòng. Để chấm dứt vấn nạn tàn ác này, chị mong muốn chính phủ sẽ ra văn bản cấm buôn bán thịt chó, mèo trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Vì một Việt Nam nói không với nạn buôn bán thịt chó, mèo

Tháng 12/2021, theo một thoả thuận mang tính lịch sử giữa UBND Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức FOUR PAWS, Hội An đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo và hướng tới hình ảnh thành phố du lịch thân thiện.

Ngay sau khi biên bản thoả thuận được ký kết, FOUR PAWS đã phát động chiến dịch lớn “Đây không phải Việt Nam” nhằm kêu gọi người dân cùng hành động, chống lại nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn nhẫn và dã man này. Một phần trong chiến dịch là người dân sẽ gửi đăng ký ủng hộ chiến dịch “Đây không phải Việt Nam” trên website: thisisnotvietnam.org. Hiện tại, đã có khoảng 28.000 người đăng ký ủng hộ chiến dịch.

Tiến sĩ Karan Kukreja, Giám đốc chiến dịch về Động vật đồng hành tại Đông Nam Á (Companion Animals), cho biết, “Chiến dịch diễn ra vào thời điểm quan trọng với một đất nước vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân ăn thịt chó, mèo. Nhận thức của người dân và hình ảnh một Việt Nam buôn bán thịt chó, mèo đang thay đổi, và đây chính là cơ hội để chính phủ hành động ngay bây giờ. Một thế hệ công dân Việt Nam mới đang sát cánh cùng chúng tôi, họ yêu cầu đoạn tuyệt với quá khứ và đảm bảo quyền lợi động vật phải là trọng tâm của quá trình chuyển đổi của Việt Nam”.

Biểu đồ số liệu khảo sát về chấm dứt vấn nạn buôn bán thịt chó, mèo

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 407 người được lựa chọn ngẫu nhiên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đối tượng tham gia khảo sát có độ tuổi từ 15 đến 50 với số lượng nam và nữ bằng nhau. Họ đến từ các nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, trình độ học vấn và các tầng lớp kinh tế – xã hội khác nhau – cuộc khảo sát được cho là phản ánh quan điểm đại diện cho xã hội Việt Nam nói chung. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu và triển khai chương trình khảo sát nhận thấy phần lớn người dân Việt Nam phản đối nạn buôn bán thịt chó và mèo – và quan điểm này được thể hiện bởi tất cả các thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau được đề cập ở trên. Người dân muốn hành động chống lại nạn buôn bán và họ không cho rằng nó là một phần của Việt Nam.

Một cuộc khảo sát được FOUR PAWS thực hiện vào năm 2019 cũng cho thấy chỉ có 6,3% người dân Việt Nam thường xuyên tiêu thụ thịt chó và/hoặc thịt mèo – điều này đặt ra câu hỏi: tại sao nạn buôn bán này vẫn tiếp diễn? Đã đến lúc chúng ta cần hành động chống lại nạn buôn bán thịt chó và mèo. Hãy cùng lên tiếng bằng cách nhấp vào liên kết này: thisisnotvietnam.org.