Phá rừng trồng cọ dầu: 83% động vật hoang dã biến mất

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo tổng quan về những ảnh hưởng của việc phát triển cây cọ dầu cho biết: việc biến các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh thành các đồn điền trồng cọ dầu là nguyên nhân làm biến mất hơn 80% số loài động vật hoang dã.

Tác giả của bản báo cáo, Emily Fitzherbert đến từ Hiệp hội Vườn thú London và trường Đại học Đông Anglia cho biết: “Bằng các nghiên cứu về loài chim, dơi, kiến và các loài khác, chúng tôi có thể chỉ ra một cách tổng quát rằng chỉ còn chưa đến 1/6 số loài được ghi nhận ở rừng nhiệt đới nguyên sinh còn tồn tại trong các đồn điền cọ dầu”. “Ngay cả trong những khu rừng bị tàn phá , hay thậm chí là các khu rừng trồng cao su và ca cao thì mức độ đa dạng sinh học vẫn cao hơn trong các đồn điền trồng cọ dầu”.

Kết quả này cho thấy các đồn điền cọ dầu là một hệ sinh thái nghèo nàn không thể thay thế cho các hệ sinh thái rừng tự nhiên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng nhu cầu về cọ dầu để làm thực phẩm, đồ gia dụng và nhiên liệu sinh học vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng các đồn điền cọ dầu ở khu vực nhiệt đới. Mặc dù khu vực này hiện nay có rất nhiều khu đất hoang có giá trị nhưng những người trồng cọ dầu vẫn tiếp tục phá rừng để lập đồn điền. Một phần là do đất rừng là loại đất tốt để trồng trọt, còn nguyên nhân chủ yếu là họ có thể thu được một món tiền lớn từ việc khai thác gỗ trong các khu rừng đó.

Trong bản báo cáo của mình, Emily cho rằng: “Mặc dù chúng ta có thừa đủ các vùng đất hoang để mở rộng các đồn điền mà không gây ra những tác động tiêu cực lên các khu rừng nhiệt đới. Nhưng thực tế thì các khu rừng vẫn tiếp tục bị phá để chuyển đổi mục đích sử dụng. Tình trạng này chủ yếu là do sự yếu kém, sự tranh giành quyền lợi, sự thiếu năng lực và hiểu biết trong công tác quản lý của các chính quyền, chứ không chỉ là do nhu cầu về gỗ và cọ dầu tăng quá nhanh. Và tình trạng này chỉ được chấm dứt khi tất cả những vấn đề trên được cải thiện”.