Nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ

ThienNhien.Net – Chiều 3/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đánh giá tình hình mưa lũ ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ những ngày qua và chỉ đạo một số công tác cấp bách đối phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ trong những ngày tới.

Đến thời điểm này, mưa lũ đã làm chết 47 người, 7 người mất tích, trong đó 27 người chết do lũ cuốn trôi, 13 người chết đuối, 3 người chết do sét đánh, 4 người chết do điện giật. Riêng Hà Nội 16 người chết, trong đó 5 người chết do lũ cuốn, 5 người chết đuối, 4 người chết do điện giật, 2 người chết do sét đánh. Về tài sản, 99 nhà bị sập đổ, trôi, 106.936 nhà bị ngập, hư hại, 251.980 ha hoa màu và lúa bị ngập úng, 25.456ha thủy sản bị ngập, 800 cầu cống, công trình thủy lợi nhỏ bị hư hại, 168.817m đê nội đồng, kênh mương, 169km đường giao thông bị hư hỏng.
 
Báo cáo riêng của Hà Nội, hơn 80 điểm bị úng ngập nặng trong nội thành, có nơi từ 2-2,5m, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đời sống người dân thành phố bị đảo lộn. Hiện thành phố và Bộ NN&PTNT đã phải ngừng bơm tiêu nước vào sông Nhuệ và sông Duy Tiên, vận hành 74 trạm với 591 máy bơm để tiêu vợi nước sông Nhuệ ra sông Hồng và sông Đáy, vận hành liên tục 11/11 máy bơm của Trạm bơm tiêu Yên Sở chống ngập trước mắt cho nội thành, di chuyển 1.345 hộ dân vùng trũng ở huyện Mỹ Đức để đảm bảo an toàn cho người dân.
 
Không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định đây là một trong những đợt mưa lũ lịch sử và để lại hậu quả thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Phó Thủ tướng biểu dương Ban chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống mưa lụt. Đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng quân nhân ứng cứu vùng trọng điểm, giúp dân sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, tham gia cứu hộ cứu nạn. Chính quyền 11 địa phương trong vùng ảnh hưởng đã có những giải pháp triển khai công tác chống úng, lụt, đảm bảo an toàn các hồ chứa, chống tràn các tuyến đê, trạch.
 
“Theo dự báo, mấy ngày tới mưa và mức nước ở các sông sẽ giảm, nhưng vẫn phải tính đến những diễn biến bất thường, nhất là việc tiêu úng ngập đang rất khó khăn. Các lực lượng chức năng cũng như nhân dân không được lơ là mất cảnh giác, phải nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, đảm bảo an toàn cho các hồ đập, đê các triền sông và đặc biệt là hoạt động vận hành của các trạm bơm tiêu”, Phó Thủ tướng lưu ý.
 
Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng tích cực hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thuốc men và hóa chất khử trùng để tập trung vệ sinh, xử lý môi trường đề phòng dịch bệnh và đảm bảo nước sinh hoạt trong vùng ngập lũ. Bộ Công Thương tập trung có giải pháp cung cấp hàng hóa, cân đối thị trường, cố gắng không để tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm cũng như chống đầu cơ, tăng giá. Có báo cáo thường xuyên về khôi phục hệ thống điện, bổ sung lực lượng ứng cứu từ các địa phương khác về.
 
Các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương hỗ trợ nhân dân khôi phục sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, đồng thời kiểm tra, xác định và có biện pháp khôi phục các dịch vụ cung cấp điện, nước sạch và tăng cường bơm tiêu úng nội đồng, các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng. Khôi phục sản xuất, hỗ trợ tập trung cho vệ sinh đồng ruộng, cung cấp giống khôi phục diện tích canh tác bị hư hại. Tập trung hỗ trợ các điểm bị chia cắt, hỗ trợ cho các gia đình có người chết, bị thương, bị hư hỏng chỗ ở, thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng những vị trí còn ngập, hướng dẫn người và phương tiện đi lại tránh ùn tắc, tai nạn đáng tiếc.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua sự kiện mưa lũ này, cho thấy việc đô thị hóa của Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cấp về việc cấp thoát nước. Việc khu Mỹ Đình, Hà Đông bị ngập nặng đòi hỏi cần xem xét lại phương án và khả năng tiêu úng của sông Nhuệ, sông Tô Lịch. “Về lâu dài, xem xét lại vấn đề quy hoạch, xem xét đến vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới thiết kế, tính toán các quy hoạch tưới tiêu, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là Hà Nội đang trong bối cảnh được mở rộng cũng như xem xét triển khai dự án nâng cao, tu bổ đê xung yếu Hoàng Long, vùng phân lũ cho Hà Nội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.