Vượn cái có thể bắt chước kiểu hót của vượn đực

ThienNhien.Net – Các loài vượn thuộc chi Nomascus hiện còn ít được nghiên cứu. Giọng hót của chúng hiện nay còn nhiều câu hỏi còn nghi vấn. Một trong số đó là, liệu tiếng kêu lớn tạo thành “bài hát” của chúng có phải là biểu hiện đặc trưng của loài hoặc của riêng một giới.

Những nghiên cứu trước đây của Geissmann, 2002 cho rằng các “bài hát” ở các loài vượn mang đặc trưng cho mỗi giới tính, đặc biệt là những cá thể trưởng thành. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình tác giả cũng ghi nhận những trường hợp một số cá thể đực bắt chước một phần trong “bài hát” của con cái.

Gần đây có nghiên cứu đã ghi nhận một vài trường hợp vượn cái có thể hót những kiểu hót của con đực. Sáu trong số 16 cá thể nuôi nhốt tại vườn thú Zoological Park Organisation, Thái Lan và Trung tâm cứu hộ linh trưởng Nguy cấp, Cúc Phương, Việt Nam, thuộc 2 loài vượn đen má hung (Nomascus gabriellae) và vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) đã hót kiểu hót của con đực. Cả 06 cá thể trên đều hót được ít nhất một kiểu hót của con đực cùng loài, đặc biệt 1 cá thể còn hót được 1 vài kiểu hót khác nhau của con đực cùng loài với nó.

Đoạn đầu trong nhiều kiểu hót của con đực và con cái hót giống nhau, tuy nhiên tần số tạo ra bởi con cái lớn hơn và các con cái hót đoạn này đều kéo dài hơn so với con đực. Kết quả cho phép suy luận rằng các loài vượn nói trên có thể tạo ra kiểu hót giống nhau ở cả 2 giới. Tuy nhiên nhân tố dẫn tới hiện tượng này chưa được tìm thấy và cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn.