Xung đột voi và người ở trại tị nạn

Khoảng 1 giờ sáng ngày 19/8/2017, khi mọi người đang ngủ say, một con voi xông vào phá trại 6 của khu tị nạn Kutapalong. Duy nhất một cụ già 75 tuổi không thể chạy kịp, và đây không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2019, 14 người ở các trại tị nạn Rohingya tại Bangladesh cũng thiệt mạng sau những lần bị voi xông vào trại.

Gần đây thì chưa có trường hợp nào đáng buồn như vậy. Điều này có được nhờ vào hoạt động của Đội phản ứng voi do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thành lập. Tình nguyện viên của đội được các chuyên gia đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” để xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Mỗi trại có một tháp canh voi. Tình nguyện viên giữ liên lạc với độ ngũ canh gác ở tháp. Khi thành viên trong nhóm phát hiện ra một con voi, họ tập trung lại để đuổi nó đi bằng đủ dụng cụ như đèn pin, micro, loa phóng thanh và còi, đồng thời cảnh báo người dân không rời khỏi nơi trú ẩn.

Tấm biển nhắc nhở cộng đồng “voi là bạn của thiên nhiên”. (Ảnh: Ro Yassin Abdumonab).

Khi lần đầu tiên đến đây vào năm 2017, tình nguyện viên Abdurozok thấy khá nhiều voi nhưng bây giờ không còn thường xuyên nhìn thấy voi quanh các trại nữa: “Nơi này thuộc về voi. Trước đây có rất nhiều voi. Năm ngoái tháng nào chúng tôi cũng thấy voi nhưng năm nay, số lượt chúng đến đây đã giảm đi. Chúng tôi chỉ nhìn thấy chúng hai lần trong mùa đông. Khi chúng tôi mới đến đây, rừng bao phủ xung quanh nhưng bây giờ rừng đã biến mất”.

Theo ước tính năm 2019 của IUCN, có khoảng 268 con voi ở Bangladesh và 35 – 45 con sống xung quanh các trại tị nạn Rohingya. FAO Bangladesh cho rằng khoảng 40 – 42 con voi sống bó buộc trong các khu rừng ở Ukhiya và Teknaf thuộc quận Cox’s Bazar – địa điểm du lịch và là trại tị nạn lớn nhất Bangladesh. Quần thể voi hiện hữu đang cực kỳ nguy cấp, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thức ăn và nước từ nguy cơ mất sinh cảnh cũng như khu vực cung cấp thức ăn bị thu hẹp do tình trạng con người xâm lấn và khai thác tài nguyên vô tội vạ.

Rajib Mahamud, Chuyên gia lâm nghiệp cao cấp thuộc FAO Bangladesh phân tích: “Vị trí của trại tị nạn đã chặn hành lang di chuyển của voi. Những nỗ lực để vượt qua trại của chúng đã gây ra xung đột. Những sinh vật tuyệt vời này phải đối mặt với trận chiến sinh tồn vì một số mối đe dọa, bao gồm mất sinh cảnh, khan hiếm thức ăn và xung đột với con người. Chúng tôi đang làm những gì có thể để giúp chúng. Chúng tôi đang trả lại một phần rừng cho chúng. Đấy cũng là nhà chúng”.

Raquibul Amin, đại diện IUCN tại Bangladesh chia sẻ rằng do diện tích rừng bị thu hẹp và đường di cư bị chặn, voi đang gặp nguy hiểm thực sự. Xung đột giữa người và voi phát sinh khi đường di cư của voi từng sử dụng trong nhiều thập kỷ bị chặn. Việc di cư đã ăn sâu vào tâm thức voi, do đó chúng dễ nhầm lẫn khi thấy quá nhiều vật cản trên đường, và các khu vực trại tị tạn bị xem là một trong số đó khi dựng ngổn ngang trên tuyến đường quen thuộc của voi.

Những con voi sử dụng tuyến đường chạy qua trại tị nạn Kutapalong để qua lại giữa Bangladesh và Myanmar tìm thức ăn cùng nơi trú ẩn trong nhiều thế kỷ. Ehsanul Haque, Trợ lý Môi trường thuộc UNHCR Bangladesh nói trong một tuyên bố: “Trước khi người tị nạn tràn vào, hai trong số ba hành lang di cư của những con voi đã bị chặn, như một nghiên cứu công bố năm 2016 của IUCN chỉ ra. Sau đó, nhiều trại tị nạn đã được thành lập năm 2017 trên hành lang duy nhất còn lại”.

Một đàn voi trong rừng ở Bangladesh. (Ảnh: Tanjimul Islam Arif/FAO).

Bên cạnh đó, tình trạng mất thảm thực vật cũng khiến khu vực Cox’s Bazar thêm căng thẳng. Phát hiện mới nhất cho thấy 8.000 mẫu rừng đã bị cạo trọc để nhường chỗ cho các khu định cư chứa số lượng lớn người tị nạn kể từ cuộc di cư hàng loạt vào tháng 8/2017. Nhóm chuyên gia thuộc Bộ Lâm nghiệp Bangaldesh ước tính thiệt hại về môi trường lên tới 285 triệu USD. Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2018 cho thấy người tị nạn đã phải lấy củi từ các khu rừng xung quanh để nấu ăn và trú ẩn trên cây khiến thảm thực vật bao phủ các ngọn đồi suy giảm nghiêm trọng.

Ramzan Ali, 46 tuổi, từng kiếm sống bằng nghề đốn củi bán cho người tị nạn kể: “Khi tôi mới vào khu trại này, quanh đây toàn rừng nên tôi chặt cây để dựng nơi trú ẩn và làm củi. Hàng xóm của tôi cũng làm tương tự. Chúng tôi luôn dùng củi nấu ăn vì không có gas”.

Tia hy vọng nhỏ nhoi

Tình hình hiện đã thay đổi. Chính sách mới khuyến khích sử dụng LPG (khí hóa lỏng) thay củi được trình lên vì sản xuất củi làm phát sinh nạn phá rừng. Ehsanul Haque cho biết nhu cầu về củi trong cộng đồng tị nạn đã giảm 80%. Nếu xu hướng này tiếp tục, sinh cảnh tự nhiên của hệ sinh thái rừng nhiệt đới sẽ sớm tái sinh và nhu cầu vào rừng để kiếm củi của người tị nạn sẽ giảm, đồng nghĩa việc cũng tiếp xúc với động vật hoang dã cũng giảm.

Từ năm 2018, tổng cộng 1.135.735 bình LPG đã được phân phối cho cộng đồng tị nạn. Một nghiên cứu gần đây xác nhận cùng với đó, tỷ lệ phá rừng giảm xuống ở tỷ lệ lâm nghiệp bền vững và nhu cầu củi cũng giảm mạnh xuống mức “trước khi dòng người tị nạn đổ vào”.

Trong một tuyên bố, FAO Bangladesh cho biết đã phát động SAFE Plus – một nỗ lực chung giữa FAO, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nhằm giải quyết suy thoái môi trường thông qua phân phối khí hóa lỏng (LPG) và bếp lò, trồng rừng và cải thiện cơ hội sinh kế. FAO phụ trách phần trồng rừng và hiện đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp nhằm khôi phục 2.000 ha rừng. Đến nay, 672 ha đã được khôi phục. Việc cung cấp các thiết bị nấu ăn LPG và nhiên liệu cho hầu hết mọi hộ gia đình trong trại tị nạn, cùng với 35.000 người thuộc cộng đồng chủ nhà góp phần giảm đáng kể áp lực lên rừng.

Thu thập mẫu vật trong rừng để đánh giá đa dạng sinh học. (Ảnh: MH Kawsar Rudro/FAO).

Bên cạnh đó, FAO cũng xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để khôi phục sinh cảnh hoang dã, tập trung vào voi và sẽ thí điểm phục hồi trên 20 ha rừng ở Cox’s Bazar vào cuối năm. Là một phần của chiến lược bảo tồn, FAO – phối hợp với IUCN và Cục Lâm nghiệp Bangladesh – đang đánh giá thực trạng đa dạng thực vật của khu vực. Hoạt động này sẽ xác định “các loài chỉ thị” để giám sát sức khỏe dài hạn của rừng cũng như các “cây mẹ” tiềm năng có thể được thu hoạch lấy hạt chất lượng cao để tái trồng rừng vào các khu vực.

Robert D. Simpson, đại diện FAO tại Bangladesh, chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai chuyên môn toàn cầu của FAO và làm việc với các đối tác để những cá thể voi này không biến mất hoàn toàn khỏi các khu rừng ở Cox’s Bazar. Công việc tái trồng rừng trong khu vực sẽ rất quan trọng đối với sự sống con trong dài hạn của loài voi. Bằng cách thực hiện các biện pháp này, chúng tôi sẽ không chỉ bảo vệ con người khỏi voi mà cả voi khỏi con người”.

Với việc tái trồng rừng và các kế hoạch bảo tồn quan trọng khác đang diễn ra (chẳng hạn như phát thanh để hiểu hành vi của voi trong tự nhiên và phản ứng của chúng trước hoàn cảnh mới), một tia hy vọng vẫn le lói dù vẫn chưa xuất hiện thêm đột phá trong việc giải quyết căng thẳng môi trường.

“Trên khắp thế giới, nhu cầu kinh tế xã hội của con người phải được cân bằng với việc quản lý hợp lý các loài động vật hoang dã cùngà sinh cảnh của chúng. Điều cực kỳ quan trọng là phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ số voi còn lại ở Cox’s Bazar vốn không hề nhiều nhặn”, theo Robert Simpson.

Thế Anh (Theo Diplomat)

Nguồn: