Hóa chất sân gôn và nỗi lo sức khỏe người chơi

ThienNhien.Net – Ngày nay những người chơi gôn sẵn sàng trả lệ phí “xanh” cao hơn thông thường để được chơi trên những sân cỏ chất lượng, tuy nhiên lệ phí “xanh” cao hơn có phải là cái giá duy nhất mà họ phải trả? Gần đây đã có những cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người chơi gôn do tiếp xúc với hóa chất sân cỏ.

Liệu có hay không việc các sân gôn có thể gây ra những vấn đề về sức khoẻ và bệnh tật? Nếu vậy, phải chăng tất cả những người chơi gôn đều bị ảnh hưởng hay đang đứng trước các nguy cơ liên quan đến sức khỏe? Những nguy cơ đó nghiêm trọng tới mức nào? Biện pháp nào có thể làm giảm các nguy cơ về sức khoẻ của những người chơi gôn?

Đó là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu chất độc đang nỗ lực giải đáp nhằm giúp các cơ quan chức năng và cộng đồng đưa ra những quyết định đúng đắn về việc sử dụng hoá chất. Chúng ta hãy cùng xem xét những gì đã biết và những gì chưa biết về các hoá chất được sử dụng trong sân gôn và các biện pháp có thể thực hiện để hóa giải những nghi vấn xung quanh mối đe doạ tới sức khoẻ của người chơi gôn.

Những điều đã biết

Tất cả các hoá chất đều có thể coi là độc đối với một số sinh vật ở một liều lượng nhất định nào đó. Khi một lượng hoá chất được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng sẽ không gây ra những hậu quả ngoài dự kiến đáng kể nào – như làm nhiễm độc những người sử dụng hoá chất hoặc những người vô tình tiếp xúc với chúng.
Tất cả các loại thuốc trừ sâu và hoá chất đều được kiểm tra một cách nghiêm ngặt mức độ độc hại tác động lên các cơ quan trong cơ thể (bao gồm tim, gan, thận, phổi, hệ thần kinh và hệ sinh sản, những tác hại tới DNA có thể dẫn đến ung thư). Những cuộc kiểm tra độc tố này được tiến hành trên loài gặm nhấm trong phòng thí nghiệm; và từ những dữ liệu thu được chúng ta có thể ước lượng được mức độ an toàn cho con người.

Chúng ta cũng có được các bản báo cáo và những thông tin chi tiết về các trường hợp nhiễm độc thuốc trừ sâu vô tình và cố tình để có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của các loạI thuốc trừ sâu.
Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cũng xem xét những số liệu về bệnh học khi đưa ra những quyết định về việc sử dụng hợp lý thuốc trừ sâu. Các nghiên cứu về bệnh học đánh giá tình trạng sức khoẻ của những người bị phơi nhiễm với những loại hoá chất cụ thể do những lý do liên quan tới lối sống, nghề nghiệp hoặc vị trí địa lý.

Các số liệu về bệnh học cho cái nhìn toàn cảnh đánh giá  mức độ ảnh hưởng của hóa chất cụ thể với sức khỏe của những người tiếp xúc. Tuy nhiên, về bản chất, những nghiên cứu đó thường rất sơ lược và không chỉ ra được nguyên nhân cụ thể gây bệnh ung thư. Khi kết hợp tất cả các kết quả nghiên cứu đã tiến hành cho đến nay, chúng ta vẫn không có được bất kỳ một mô hình rõ ràng nào cho những trường hợp phơi nhiễm thuốc trừ sâu và không chỉ ra được nguy cơ về sức khoẻ nghiêm trọng do việc sử dụng các loại hoá chất trong sân gôn.
Ngoài những nghiên cứu về độc tố và bệnh học, EPA còn xem xét thông tin về khả năng phơi nhiễm của những người tiếp xúc với một hoá chất được sử dụng rộng rãi. Dữ liệu phơi nhiễm bao gồm những nghiên cứu về thất thoát thuốc trừ sâu (lượng thuốc trừ sâu mất đi trên thân cây do sự tiếp xúc của con người với cây cối), nghiên cứu về tính bay hơi (lượng thuốc trừ sâu bay hơi vào không khí trong và sau khi sử dụng) và những nghiên cứu về sự rửa trôi (lượng thuốc trừ sâu bị mất đi do mưa và tưới tiêu). Do những người chơi gôn có khả năng bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu từ cỏ tại sân gôn trong khi chơi, những nghiên cứu về thất thoát thuốc trừ sâu có thể liên quan tới việc đánh giá những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người chơi gôn.
Những nghiên cứu về thất thoát và tính bay hơi của thuốc trừ sâu đã được tiến hành trên các sân gôn. Các hoạt động trên sân gôn được mô phỏng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy người chơi chỉ phải chịu những nguy cơ thấp ảnh hưởng tới sức khoẻ trong điều kiện chơi bình thường.
Tuy nhiên, những nghiên cứu về phơi nhiễm và liều lượng đã được tiến hành cho những nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với hóa chất hơn là người chơi gôn. Tính ứng dụng của những nghiên cứu này đối với những người chơi gôn là thiếu chính xác nhưng thông thường thì những người sử dụng thuốc trừ sâu và nông dân có khả năng bị phơi nhiễm cao hơn nhiều so với những người chơi gôn, và những nghiên cứu về nghề nghiệp không chỉ ra rằng những tác động có hại tới sức khoẻ của nhóm người này nên người ta vẫn đang hy vọng sẽ không có những mối đe doạ nghiêm trọng tới sức khỏe của người chơi gôn.

Những điều chưa biết

Những nghiên cứu về độc tố được tiến hành trên động vật trong phòng thí nghiệm nên người ta không thể chắc chắn về mức độ mà nó ảnh hướng đến con người. Một vài loại động vật có phản ứng tương tự như con người là cơ sở đáng tin cậy cho những đánh giá về độc tố, tuy vậy vẫn có những cuộc kiểm tra trên động vật lại chứng tỏ rất ít liên quan tới con người.

Những trường hợp nhiễm độc ở người cũng chỉ cung cấp những thông tin vụn vặt về ảnh hưởng của hoá chất do thiếu những điều kiện phơi nhiễm được kiểm soát của một thí nghiệm thực sự. Những nghiên cứu về bệnh học được kiểm soát về mặt số liệu nhưng không đủ khả năng để xác định những tác động có hại tới sức khoẻ con người.
Với người chơi gôn, các nghiên cứu mới chỉ có những ước lượng về lượng thuốc trừ sâu mà họ có thể tiếp xúc trong quá trình chơi. Mặc dù những nghiên cứu được tiến hành một cách cẩn thận và đo được lượng thuốc trừ sâu thừa phát tán trong quá trình chơi gôn nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu về tần suất tham gia vào các hoạt động trong suốt một hiệp đấu của người chơi gôn. 

Quá trình nghiên cứu cũng thiếu những dữ liệu về sự khác nhau trong hành vi của những người chơi khác nhau và quan trọng hơn là vẫn chưa xem xét một cách có hệ thống những hành vi có thể làm tăng sự phơi nhiễm thuốc trừ sâu của người chơi. Mặc dù có thể đưa ra những dự đoán hợp lý về ảnh hưởng của hành vi người chơi đến độ phơi nhiễm nhưng ngay cả những giả thiết và dự đoán tốt nhất vẫn không thể thay thế được những cứ liệu khoa học.
Lỗ hổng thông tin lớn nhất cản trở những ước tính chính xác về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của những người chơi gôn là do không có đủ những dữ liệu về liều lượng. Do thiếu những nghiên cứu thực tế về liều lượng hóa chất tác động đến người chơi gôn nên những ước tính về nguy cơ (không xem xét tới khía cạnh chất lượng của những dữ liệu về phơi nhiễm) thường không mấy chính xác.

Tuy nhiên những nghiên cứu liều lượng có xét đến yếu tố nghề nghiệp và nơi cư trú (không bao gồm các sân gôn) phát hiện ra rằng liều lượng thuốc trừ sâu thực tế mà con người hấp thụ thấp hơn hàng trăm lần so với những ước tính sử dụng các giả thiết – như ước tính về các mối nguy hại tới sức khoẻ của người chơi gôn.

Giải pháp

Nếu không có những nghiên cứu hệ thống về những hành vi của người chơi dẫn tới sự phơi nhiễm thuốc trừ sâu nhiều nhất thì thật khó để có thể đưa ra những lời khuyên về cách giảm thiểu và loại trừ những nguy hại tới sức khoẻ của họ. Trước mắt, các nhà khoa học đã cảnh báo những người chơi golf nên loại bỏ một số thới quen như ăn uống trên sân gôn, đặt xì-gà hoặc thuốc lá lên cỏ trong khi đánh bóng. Việc tránh những hành vi như vậy có thể làm giảm sự phơi nhiễm không chỉ với thuốc trừ sâu mà còn cả với vi khuẩn và nấm trong đất và phân động vật vãi trên cỏ. Vi khuẩn và nấm có thể còn gây nguy hiểm tới sức khoẻ hơn cả hoá chất.
Mặc dù chưa có đầy đủ cứ liệu khoa học để kết luận về mối liên hệ giữa sân gôn và bệnh tật hay các vấn đề về sức khoẻ nhưng việc tập hợp những dữ liệu hoàn chỉnh về sự phơi nhiễm hóa chất của những người chơi gôn sẽ cung cấp những câu trả lời khoa học về nguy cơ sức khoẻ từ sân gôn.