Ấn Độ đang nỗ lực cứu loài hổ

ThienNhien.Net – Trong một nỗ lực nhằm cứu loài hổ của chính phủ Ấn Độ, hồi cuối tháng 6/2008 một con hổ 5 tuổi đã được di chuyển từ công viên quốc gia Ranthanbore tới công viên Sariska bằng trực thăng với chặng đường dài 300km. Đây là động thái đầu tiên nhằm tái định cư loài hổ hoang dã tại Ấn Độ kể từ những năm 1930, đồng thời đây cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng nguy cấp đối với loài này.

Theo một ước tính gần đây của Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Ấn Độ thì Ấn Độ hiện có khoảng 1400 con hổ. Con số này – xấp xỉ 1/2 số hổ trên thế giới – thấp hơn nhiều so với các ước tính chính thức trước đó và nó cho thấy sự sụt giảm tới 60% số lượng hổ tại Ấn Độ trong vòng 5 năm qua.

Nhu cầu các sản phẩm từ da hổ, xương hổ, dương vật và các bộ phận khác dùng trong các bài thuốc cổ truyền Trung Quốc tăng vọt khiến các nỗ lực nhằm bảo tồn loài hổ tại Ấn Độ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ngành Lâm nghiệp Ấn Độ có nhiệm vụ quản lý những khu vực loài hổ sinh sống hiện chỉ còn là cái bóng của những năm 1972 khi Indira Gandhi phát động chiến dịch ”Bảo vệ loài hổ”  nhằm bảo vệ thú lớn họ mèo này.

Mặt khác, một phần do cuộc sống khó khăn cùng những khỏan lợi nhuận mà lâm tặc “dành tặng” cho kiểm lâm khiến công cuộc bảo vệ loài hổ cũng gặp nhiều trở ngại từ sự câu kết của lâm tặc và một số thành phần kiểm lâm tha hóa. Hơn nữa, các băng đảng, các nhóm lâm tặc còn trả tiền cho những cư dân của rừng – những người thuộc các cộng đồng bộ tộc sống xa xã hội văn minh – khoảng 10 USD để họ giết hổ rồi chở xác tới phía Bắc dãy Hymalaya.

Theo ước tính của chính phủ vào năm 2004 thì công viên Sariska – nơi mà chú hổ 5 tuổi được chuyển đến từ công viên quốc gia Ranthanbore bằng trực thăng – có khoảng 16-18 con hổ sinh sống. Nhưng vào năm 2005, Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Ấn Độ đã khẳng định thông tin mà rất nhiều người xác nhận: Công viên không hề có một con hổ nào.

Hổ là biểu tượng của Ấn Độ và đang bên bờ vực tuyệt chủng – đó là điều không một ai muốn. Các nhà chức trách Ấn Độ đang có một vài động thái nhằm bảo tồn loài hổ, trong đó có việc di chuyển hổ tới Sariska.

Chính phủ Ấn Độ đã cho di dời 200.000 dân ra khỏi 27 khu vực cư trú hiện tại của loài hổ và 8 khu bảo tồn khác trong tương lai. Những người dân trong diện phải di dời đang tái định cư ở bên ngoài công viên với số tiền bồi thường dự kiến là khoảng 25.000 USD cho mỗi gia đình.

Số tiền đền bù này sẽ được trích ra từ số tiền 153 triệu USD dành cho Chương trình bảo vệ loài hổ do chính phủ Ấn Độ chi trả. Số tiền này có thể bao gồm cả chi phí cho kế hoạch tạo ra một “hành lang xanh” giữa những môi trường sống khác nhau của các loài hổ, cho phép chúng có thể thụ tinh chéo. Sau một thời gian sụt giảm số lượng, đây được coi là thời kỳ đầy hy vọng đối với loài hổ Bengal Hoàng Gia.

Tuy nhiên, ở nơi nào còn tồn tại nghèo đói thì nơi đó con người và loài hổ không thể cùng sinh sống hòa thuận và kế hoạch trên có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Chính vì thế, nhiều người đã phản đối kế hoạch này khi cho rằng sự tồn tại của loài hổ không đáng để lãng phí quá nhiều tiền bạc và thời gian như vậy trong khi vẫn còn tới 600 triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói cần được giúp đỡ.

Bên cạnh đó, vẫn còn đông đảo các loài bọ cánh cứng và chim có thể được bảo vệ nhờ số tiền trích ra từ ngân sách bảo vệ loài hổ. Nhưng nếu những người phản đối nhận thức rõ tầm quan trọng của chúng trong hệ sinh thái cũng như đa dạng sinh học thế giới thì hẳn phản ứng của họ sẽ khác.