‘Hồi sinh’ sông Kim Ngưu, Hà Nội – Bài 2: Trả dòng sông trở về tự nhiên

Về cơ bản, các chuyên gia đô thị đều có chung quan điểm ủng hộ chủ trương cải tạo sông trong nội đô, trong đó có sông Kim Ngưu (Hà Nội) bởi chúng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cải tạo như thế nào lại là câu chuyện cần bàn kỹ và thận trọng.

Nước sông Kim Ngưu màu đen kịt.

Đừng cống hóa, bê tông hóa

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, việc cải tạo sông Kim Ngưu cần đi theo hướng giải quyết ô nhiễm môi trường, phục hồi lại giá trị ban đầu chứ không thể cống hóa, lấp và xóa bỏ đi dòng sông.

Giáo sư – Tiến sỹ – Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) và nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cũng bày tỏ ý kiến không nên chất tải kiến trúc lên dòng sông, không nên công trình hóa đáy dòng sông bởi sông hiện nay đã bị chèn ép và quá tải, hãy để sông có dòng chảy của nó. Các chuyên gia này lo ngại nếu dự án đưa quá nhiều công trình thương mại, dịch vụ sẽ che khuất tầm nhìn trên mặt sông. Thậm chí, ông Liêm còn cho rằng ý tưởng xây bãi đỗ xe thông minh 5 tầng lấn ra sông, nếu đứng từ đầu sông sẽ khó quan sát mặt sông. Dự án sẽ biến sông Kim Ngưu thành một chuỗi ao.

Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ – Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, dự án phải xem xét, tính toán lại phương án cống ngầm ở dưới lòng sông. Theo phương án hiện nay, dòng sông sẽ gồm hai đáy. Đáy dưới là cống hộp, nước thải đổ trong cống hộp. Ở trên là dòng chảy dòng sông, với mực nước khoảng 1,2m.

Ông Thông bày tỏ quan điểm: “Tôi không đồng tình lắm với phương án này bởi theo tôi, dòng sông đáy phải tự nhiên, hệ sinh thái có bùn, có đất, hệ tảo, thực vật trong nước… Dòng sông mà đáy bê tông thì đó là cái bể. Môi trường sinh thái dòng sông khác với bể. Nguyên tắc đầu tiên là trả lại tự nhiên, đừng nhân tạo hóa quá dòng sông. Nên nghiên cứu phương án trả về dòng sông tự nhiên và giải quyết nước thải ngầm cũng được nhưng không phải đáy bê tông”.

Phải làm cho dòng sông chảy trở lại

Trả sông về tự nhiên, tức là phải làm cho dòng sông chảy trở lại. Câu hỏi đặt ra là phải làm như thế nào? Theo ông Nguyễn Quốc Thông, về mặt kỹ thuật, muốn dòng sông chảy thì phải có nguồn cấp nước, do vậy cần nghiên cứu cả hệ thống sông và nguồn cấp nước cho sông. Nguồn cấp nước cho sông Kim Ngưu hiện nay bị ngắt đoạn và nước thải nhiều. Khi bỏ, tách nước thải đi thì phải cấp nguồn cho sông, phải tìm lại tri lưu, xuất phát điểm của sông. Nếu sông mất nguồn nước cấp thì phải cấp nguồn cho sông.

Việc cấp nước có nhiều giải pháp, có thể nối thông hệ thống sông, hồ của Hà Nội, để chúng tự nuôi nhau, tự chảy hoặc làm các hầm, bể rất lớn trữ nước mưa, vừa chống ngập cho thành phố những lúc mưa lớn, khi cần có thể xử lý sơ bộ, bơm cấp cho dòng sông để sông chảy tuần hoàn và nuôi dưỡng hệ sinh thái, động thực vật thủy sinh… Hiện tại, Hà Nội chưa có khu vực nào có bể, ngầm chứa nước mưa.

Nước thải sinh hoạt đang ngày đêm “bức tử” con sông này.

Ông Nguyễn Quốc Thông nhận định, chi phí làm bể, hầm trữ và bơm nước mưa, cấp nước sạch cho sông tốn kém hơn so với nước mưa từ trên trời rơi xuống nhưng cũng là giải pháp cấp nước cho sông rẻ nhất. Hơn nữa, khi tính chi phí cho một dòng sông thì phải tính cả những giá trị hiệu quả mà dòng sông mang lại như không khí trong lành, lợi ích mà cư dân được hưởng. Dòng sông đem lại cảm giác sảng khoái cho thành phố, làm cho người ta yêu thích thành phố. Người dân sẵn sàng trả thuế để nuôi dưỡng nguồn cấp nước đó cho sông. Khi sông sạch rồi, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân không làm bẩn sông.

Lợi ích của cộng đồng phải trên hết

Mặc dù đây là dự án xã hội hóa, do vậy phải tạo điều kiện sinh lời cho nhà đầu tư nhưng các chuyên gia cũng khuyến nghị rất cần cẩn trọng. Ở sông Kim Ngưu cũng như các con sông khác trong đô thị, lợi ích lớn nhất vẫn là lợi ích cho cộng đồng. Phương án cải tạo sông Kim Ngưu hiện nay có chú ý đến lợi ích cộng đồng nhưng không phải là ưu tiên.

Cũng theo ông Thông, muốn tìm các giải pháp ưu tiên cho cộng đồng thì dự án cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, không chỉ là dọc sông đầu mà còn vào sâu bên trong để xét mối quan hệ của dòng sông với các khu vực chức năng xung quanh. Ví dụ, quan hệ của sông với phố Lò Đúc, Công viên Tuổi Trẻ, khu tập thể 8/3, chợ 8/3 như thế nào? Khi đó, tư vấn sẽ thấy các vấn đề nhu cầu của cộng đồng là rất lớn, từ đó dự án mới xác định được các chức năng ưu tiên.

Ông Thông nhấn mạnh: Ở khu vực này, ưu tiên hàng đầu là vì cộng đồng vì nơi đây hiện rất thiếu các không gian công cộng cho cộng đồng, do vậy phải nghĩ cách sử dụng không gian linh hoạt. Tỷ lệ các công trình cố định chỉ ở mức vừa phải. Đặc biệt, phải ưu tiên dòng sông, công trình kiến trúc hai bên mở ra sông nhiều nhất.

Tiếp đó, dự án cần nghiên cứu cảnh quan và nghiên cứu kỹ hơn phương án quy hoạch, kiến trúc cho khu vực và dứt khoát phải trở về cái tự nhiên của dòng sông. Kè cứng thẳng tắp như hiện nay rất xấu. Phương án tổ chức các dãy nhà song song đường Kim Ngưu ở cả hai phía, cao 3 tầng, gác lên sông của đơn vị tư vấn là giải pháp không tốt, không hợp lý. Dãy nhà càng dài, càng tạo thành tuyến phố, ngăn chặn quyền ra sông của cư dân. Dự án phải thiết kế làm sao nhìn bờ sông như một tác phẩm, thấy màu xanh của bờ. Mỗi dòng sông có tên và vị trí địa lý khác nhau thì cần nghiên cứu cảnh quan khác nhau.

Theo ông Thông, dự án có thể bổ sung các chức năng mới về dịch vụ nhưng không nên đi theo cách đề xuất hiện nay mà tại các vị trí, địa điểm quan trọng có thể phát triển các công trình có mật độ xây dựng cao. Ví dụ như tận dụng ga tàu điện ngầm trong tương lai, ở vị trí đầu đường Trần Khát Chân, cầu Mai Động, vuông góc với sông, tổ chức mật độ xây dựng cao, tăng cường dịch vụ, thương mại tập trung.

“Nhưng cũng chỉ nên đầu tư 1 vài điểm, không phải tuyến dài. Như thế, vừa bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, vừa trả lại cho sông dòng chảy tự nhiên vốn có. Hơn nữa, về nguyên tắc, đầu tư công ích, Nhà nước phải bỏ ra một phần, xã hội hóa một phần thôi, không nên xã hội hóa tất cả”, ông Thông nêu ý kiến.