Ấn Độ trong tôi

ThienNhien.Net – Ấn Độ, một xứ sở xa lạ với những câu chuyện cổ tích huyền thoại và nền văn hoá phong phú đa dạng. Tôi may mắn có dịp đặt chân lên mảnh đất này, một vùng đất lạ mà những kiến thức về nó chỉ được biết qua truyền hình, báo đài – thủ đô New Delhi. Có lẽ cũng tương đồng với Việt Nam từ vẻ bề ngoài bởi cả hai đều là những quốc gia đang phát triển. Cũng cảnh giao thông lộn xộn, những toà nhà cao tầng xen lẫn những mái lều rách nát nằm rải rác, cảnh những người nghèo ăn xin ngoài đường…nhưng Ấn Độ để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về nỗ lực phát triển và bảo vệ môi trường mà Việt Nam chưa có được.
 
Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn thuộc vùng Nam Á với dân số đứng thứ 2 thế giới và diện tích đứng thứ 7 thế giới. Ấn Độ cũng nổi tiếng là xứ sở biểu tình, có lẽ vì vậy mà lần đầu tiên đặt chân lên đất nước này, tôi đã có cảm giác hơi sợ sệt. Trước khi đi, tôi đã phải hỏi thăm rất kỹ càng nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những lời khuyên nên cẩn thận vì an ninh bất ổn, vì có nhiều dân nghèo, vì điều kiện vệ sinh kém… và các lệ tục cổ hủ vẫn được duy trì, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

Ấn Độ tháng 7 đang là mùa mưa nên thời tiết dễ chịu, không còn cái nóng gay gắt tới 40 – 45oC như vẫn được cảnh báo trên ti vi. Đường phố cũng đỡ bụi hơn từ những công trình đang gấp gáp tiến hành – Tàu điện ngầm.

New Delhi ồn ào, tấp nập. Những dòng xe cộ nối đuôi nhau dài dằng dặc. Điều khiến người ta dễ nhận thấy khi ở giữa lòng phố xá là những chiếc xe túc túc màu vàng-xanh chạy bon bon trên đường. Đó là một loại phương tiện giao thông tương tự như xe lam trước kia ở Việt Nam nhưng nó nhỏ hơn nhiều, điều đặc biệt hơn là nó được chạy bằng khí ga nén (CNG). Ấn Độ đã nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí bởi các phương tiện giao thông thông qua chiến dịch chuyển đổi nhiên liệu.

Không chỉ riêng Ấn Độ, từ lâu rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng CNG cho các phương tiện giao thông để nhằm bảo vệ môi trường như Châu Âu, Mỹ, Argentina, Brazil, Bangladesh, Pakistan, Singapore, Malaysia, New Zealand, …

Ấn Độ cũng từng được coi là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) trong việc sử dụng nhiên liệu khí ga tự nhiên cho xe bus.  Ấn Độ đã có hẳn một chính sách yêu cầu các phương tiện giao thông mới tại 11 thành phố có mức ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra cao nhất (Delhi, MumBai, Bangalore, Ahmedabad…) phải đạt Tiêu chuẩn EU 3, 4 theo giai đoạn (Tiêu chuẩn EU 3 được áp dụng cho các phương tiện giao thông mới từ tháng 04/2005, còn Tiêu chuẩn EU 4 được áp dụng từ tháng 04/2010). 

Cũng giống như bất kỳ quốc gia đang phát triển nào trên thế giới, đường phố Ấn Độ bao gồm đủ loại phương tiện giao thông từ xe đạp, xe máy đến ô tô, từ chiếc những xe hơi hạng sang của các hãng nổi tiếng trên thế giới đến những chiếc xe cà tàng từ những thập kỷ trước. Có lẽ vì dân số của quốc gia này ngày càng một gia tăng trong khi cuộc sống của họ còn đang gặp nhiều khó khăn nên việc đi lại bằng xe bus vừa thuận tiện lại rẻ. Còn nhớ năm ngoái, đường phố Delhi tràn ngập những chiếc xe bus vàng – trắng cũ kỹ, nhưng năm nay hàng loạt những chiếc xe bus xanh hiện đại và đạt chuẩn đã được đưa vào sử dụng nhằm thay thế dòng xe cũ. Đồng thời, Ấn Độ đang tiến hành xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm giảm tải sức ép.

 AnDo
Ấn Độ là quốc gia có dân số đông thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, mật độ người tham gia giao thông cũng rất cao.


 
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhiều tổ chức dân sự tại Ấn Độ đã phối hợp cùng chính phủ xây dựng những chương trình truyền thông rộng rãi tới công chúng. Điển hình như Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE – Center for Science and Environment) đang chuẩn bị tiến hành dán áp phích tại tất cả các điểm bến xe bus và các nơi công cộng khác nhằm chúc mừng và khuyến khích người dân đã chọn phương tiện giao thông công cộng. Theo họ, đó là một việc làm hết sức có ý nghĩa và đơn giản, người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc và được tôn trọng đồng thời họ thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ phát triển xã hội.

Cứ định kỳ 2 năm một lần, người ta có triển lãm về xe thì CSE cũng tổ chức triển lãm công nghệ xe, qua đó họ mời đông đảo các thành phần tham gia cùng đánh giá về công nghệ của xe xem có phù hợp với các tiêu chuẩn về sức khoẻ và môi trường không? Nếu công nghệ xe nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ được cấp chứng chỉ. Điều hay ở chỗ, không chỉ có những nhà chuyên trách, kỹ sư hay nhà khoa học được đánh giá và công bố chất lượng mà người dân sẽ trực tiếp được tham gia đánh giá, họ sẽ được biết mình đang sử dụng công nghệ xe nào, có đáp ứng những nhu cầu cá nhân cũng như bảo vệ sức khoẻ và môi trường.

Nhưng có lẽ ấn tượng để lại trong tôi lớn nhất là những bộ phim ngắn truyền thông mà tôi đã được xem. Đó là những thước phim ngắn “câm” được sản xuất với nguồn kinh phí eo hẹp nhưng đề tài hấp dẫn đã lôi cuốn được những người nổi tiếng cùng tham gia. Không chau chuốt, cầu kỹ về diễn xuất, không phải là trường quay tráng lệ, đơn giản chỉ là những gì đời thường, là thực tại cuộc sống và ý nghĩa sống. “Thu hoạch nước mưa” là một trong những bộ phim như vậy do CSE sản xuất.
 
Ấn Độ là quốc gia thường xuyên hứng chịu những đợt hạn hán dài ngày và luôn diễn ra tình trạng thiếu nước. Bối cảnh phim đơn giản chỉ là một cơ lốc to cuốn theo chiếc ô của một người đàn ông, ô rơi bên vệ đuờng cạnh một cụ già và mưa rào ập tới, 2 người đàn ông nhìn nhau nhìn những giọt mưa rơi xuống ô. Và người đàn ông quyết định cầm ngược chiếc ô đi dưới trời mưa, rồi dòng người không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp đã tạo thành dòng hứng nước mưa từ những chiếc ô. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh em nhỏ đứng giữa mênh mông những chậu, những lọ, những bình hứng nước mưa với một nụ cười tươi. Giản dị mà đầy sâu sắc, bộ phim đã được trình chiếu trên truyền hình miễn phí dưới dạng quảng cáo và tác động rất lớn đến ý thức người dân.

Đó là những dự án truyền thông hết sức ý nghĩa và khả quan ở nước bạn. Nó đã làm thay đổi suy nghĩ các nhà lãnh đạo cũng như tác động đến chính sách môi trường. Người ta biết nhiều đến một Ấn Độ với những công trình kiến trúc vĩ đại được tôn danh như Đền tình yêu Taj mahal, quần thể kiến trúc Qutb của đạo Hồi, Đền Hoa sen của đạo Bahai…trước con mắt ngưỡng mộ của mọi người. Nhưng một Ấn Độ nghèo và bẩn, một quốc gia quá đông dân với khí hậu khắc nghiệt cùng nhiều tục lệ xã hội nhức nhối …cũng là những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng cho Ấn Độ xưa trong con mắt của hàng triệu người trên thế giới.

Ngày nay, một Ấn Độ với nền công nghệ thông tin phát triển thuộc tốp đầu thế giới. Người dân của họ có thể nói cho bạn về điều đó bằng niềm tự hào dân tộc.

Nhưng Ấn Độ giống như bao quốc gia đang phát triển khác, sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra mạnh mẽ – cách không xa những toà nhà cao tầng, những con đường mênh mang, những khu nhà ở hay mua sắm của giới thượng lưu vẫn là những khu ổ chuột với cuộc sống tối tăm của những con người ở đáy tầng xã hội.

 AnDo
Chở bồn chứa nhà vệ sinh di động – một trong những nghề kiếm sống của người dân nghèo ở Delhi.

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, Cuộc Cách Mạng Xanh lần thứ nhất diễn ra tại Ấn Độ nhằm hạn chế và đẩy lùi nạn đói dai dẳng đã đem lại những thành công rực rỡ. Tiếp đó là Cách Mạng Xanh lần 2, rồi đến cuộc Cách Mạng Trắng với mục tiêu phát triển đàn bò sữa, dê sữa nhằm đáp ứng sữa tươi chất lượng cao, giá rất rẻ, nguồn dinh dưỡng chủ lực cho mọi người dân Ấn Độ. Và thế giới gọi đó là những cuộc cách mạng trí tuệ, giúp một nước đông dân như Ấn Độ chiến thắng đói nghèo, vươn lên là một nước đảm bảo đủ lương thực và xuất khẩu, nó đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho các nước thuộc thế giới thứ ba.

Trong những năm gần đây vì mục đích phát triển quốc gia, sự tìm kiếm lợi nhuận cũng như tăng trưởng kinh tế, rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới đã “đánh đổi” lợi ích môi trường, lợi ích an ninh và sự phát triển bền vững xã hội. Thiết nghĩ bài học về sự nỗ lực phát triển của Ấn Độ trong suốt thời gian qua đủ để ta suy ngẫm …