Bão Hagupit sẽ đi vào khu vực Bắc biển Đông

ThienNhien.Net – Hồi 13 giờ ngày 22/9, vị trí tâm bão Hagupit ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 122,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão Hagupit di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20- 25 km.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng đêm nay (22/9), bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông. Đến 13 giờ ngày 23/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam đảo Đông Sa (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão Hagupit tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14. Biển động dữ dội.
Từ đêm ngày 24/9, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.
Chủ động bảo vệ sản xuất, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên.

Mực nước cao nhất ngày 20/9, trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,57m (xấp xỉ mức BĐII), tại Mỹ Thuận 1,46m (dưới BĐII: 0,04m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,98m (xấp xỉ mức BĐII); tại Long Xuyên: 2,06m (trên BĐII: 0,06m), tại Cần Thơ: 1,68m (xấp xỉ mức BĐIII); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,40m (trên BĐII: 0,1m).

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa có Công điện khẩn đề nghị Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các Bộ triển khai các biện pháp để bảo vệ sản xuất, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo đó, các địa phương cần kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven sông, ven kênh rạch, đặc biệt ở những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có kế hoạch di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, cần triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất cho khu vực trồng lúa, cây ăn trái và sản phẩm sau thu hoạch; tổ chức và quản lý tốt các khu trông giữ trẻ tập trung; tổ chức hướng dẫn việc đi lại và đến trường cho học sinh.

Đồng thời, kiểm tra, quản lý chặt chẽ về an toàn giao thông đường thuỷ, các bến đò; đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn, không có thiết bị cứu sinh phải đình chỉ hoạt động tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc.