Thận trọng khi bắt giữ động vật để nghiên cứu

ThienNhien.Net – Tương tự như các bác sĩ nội khoa, điều mà các nhà sinh vật học đặt lên hàng đầu chính là việc nghiên cứu của họ sẽ không gây ra bất kỳ tổn hai nào đến các loài sinh vật. Nhưng một cuộc khảo sát mới đây đã tập trung vào những ảnh hưởng lâu dài của việc bắt giữ để nghiên cứu trên hai loài gấu – gấu xám Bắc Mỹ (<i>Ursus arctos horribilis</i>) và loài gấu đen châu Mỹ (<i>Ursus americanus</i>) – đã cho thấy rằng, các loài động vật phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn chúng ta nghĩ.

Ông Marc Cattet, nhà sinh vật học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, bắt đầu hoài nghi về những vấn đề sẽ gặp phải với những loài động vật mà ông bắt giữ khoảng 5 năm về trước, đặc biệt là đối với loài gấu xám Bắc Mỹ sinh sống trên dãy Rocky. Ông nói: “Đơn giản là chúng thường bị đau cơ, vì vậy mà ít di chuyển hơn”.

Khi ông đưa vấn đề này ra thảo luận cùng các nhà sinh vật học khác, hầu hết họ đều cho rằng ông đã sai lầm trong phương pháp nghiên cứu. Nhưng bản thân họ không hề có những số liệu cụ thể để tiến hành những đánh giá tương tự trên đối tượng nghiên cứu của mình.

Ông Powell, một nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa tại Đại học Bắc Carolina ở Raleigh, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, bộc bạch: “Tôi đã có 22 năm nghiên cứu loài gấu đen tại một địa điểm nghiên cứu ở Bắc Carolina. Nhưng tôi chưa từng quan tâm đến vấn đề này cho đến khi ông Cattet đưa ra thảo luận. Và thật đáng ngạc nhiên khi kết quả mà tôi thu được cũng giống như của Cattet. Cứ trong hai tuần thì chúng ít di chuyển xung quanh lãnh thổ của mình, và hai tuần sau đó, chúng lại di chuyền nhiều hơn như để bù đắp cho hai tuần trước kia. Và tiến trình này cứ lặp đi lặp lại. Nghiêm trọng hơn, có vẻ như không chỉ có loài gấu mà các loài động vật khác cũng bị ảnh hưởng tương tự.”

Thông thường, khi Powell, Cattet và các nhà sinh vật học khác cần có những thông tin về sức khỏe hay thói quen di chuyển của chúng, họ buộc phải bắt giữ một vài con gấu bằng cách đặt bẫy hay bắn thuốc mê. Một khi gấu đã bị khống chế, các nhà nghiên cứu gây mê chúng, sau đó đo trọng lượng cơ thể, chiều dài, trích mẫu răng, máu và mô của chúng. Họ cũng có thể lắp đặt máy theo dõi trên người chúng. Đó là phương pháp thông thường được áp dụng từ trước đến nay.

Để xác định được những triệu chứng thường biểu hiện trên các con gấu, ông Cattet, Powell cũng như các đồng nghiệp đã xem xét lại những số liệu thu thập được trong quá trình bắt giữ 32 năm qua. Đồng thời họ cũng tiến hành phân tích mẫu máu của 340 con gấu đen và gấu xám châu Mỹ.

Nghiên cứu của họ cho thấy rằng, 6/10 con gấu có hàm lượng enzim trong cơ bắp cao bất thường, đồng nghĩa với việc hệ cơ của chúng bị tổn thương do sự căng thẳng và gắng sức để trốn thoát. Đối với loài gấu, lớp mỡ dưới da đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển và sinh sản. Nhưng thật đáng lo ngại khi nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi gấu bị bắt giữ nhiều lần, chúng không thể tích trữ đủ lượng mỡ như mức bình thường. Thêm vào đó, những ảnh hưởng của việc nuôi nhốt có thể dẫn đến những nhận định sai lầm đối với hành vi và thói quen của loài gấu.

Samuel Wasser, một nhà di truyền học tại Đại học Washington, bang Seattle, hiện đang tiến hành các phương pháp nghiên cứu thận trọng hơn trong nghiên cứu sức khỏe của các loài động vật hoang dã, bao gồm cả việc phân tích chất thải của chúng.

Ông cho rằng: “Nghiên cứu này là một tiến bộ quan trọng trong việc làm sáng tỏ những ành hưởng đối với việc bắt giữ các loài động vật hoang dã”.

Một nhà sinh thái học khác thuộc ngành lâm nghiệp Hoa Kỳ tại Arcata, bang California đã từng tiến hành nuôi nhốt nhiều động vật thì cho biết: “Đây là một kết quả khiến chúng ta nhìn lại phương pháp nghiên cứu, tìm ra những phương pháp ít bạo lực hơn, và quan trọng là chỉ bắt giữ các loài động vật trong trường hợp thực sự cần thiết”.