Miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) là vùng có địa hình đa dạng, tiếp xúc với nhiều kiểu khí hậu khác nhau nên có độ đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hiện nay, thực trạng suy thoái đa dạng sinh học khu vực này đáng báo động.
Con người là nguyên nhân chính gây suy thoái
Tại một hội thảo khoa học vừa tổ chức ở Đà Nẵng mới đây, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường (TNMT) TP.Đà Nẵng – cho biết: “Nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người gây ra đó là thay đổi nhu cầu sử dụng đất; khai thác quá mức động, thực vật hoang dã; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại. Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa đang làm gia tăng sự dịch chuyển các loài vượt ra ngoài phạm vi tự nhiên vốn có qua các hoạt động du lịch, thương mại… tác động đến hệ sinh thái bản địa và chất lượng môi trường”.
Hiện nay, khu vực MT-TN có hệ đa dạng sinh thái trải dài, có cả hệ sinh thái trên núi cao dọc dãy Trường Sơn và hệ sinh thái biển. Đây là một trong những điểm tạo nên sự đa dạng của các hệ sinh thái cũng như các loài sinh vật ở khu vực MT-TN.
GS.TS Nguyễn Quảng Trường – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam – cho hay: “Trong bối cảnh hiện nay, do chịu ảnh hưởng rất lớn từ phát triển kinh tế, Việt Nam chúng ta có rất nhiều loài sinh vật, hệ sinh thái đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, suy thoái.
Sách đỏ năm 2007, Việt Nam có khoảng 900 loài đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, thế nhưng trong quá trình đánh giá, chúng tôi phát hiện hơn 1.200 loài, tăng gần gấp đôi số lượng các loài bị đe dọa. Hiện nay, với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái cũng như các loài đang đứng trước nguy cơ đe dọa còn cao hơn nữa”.
Theo ông Trường, khu vực MT-TN có rất nhiều trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học đã được tổ chức quốc tế công nhận. Đồng thời, khu vực MT-TN cũng là nơi mà các loài sinh vật mới được phát hiện cũng như là các loài nguy cấp quý hiếm hiện đang phân bố.
Nỗ lực phục hồi
ThS Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TNMT TP.Đà Nẵng – cho biết, từ năm 2018 đến 2020, Công an TP.Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 13 vụ liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ, tổng số tiền xử phạt là 142.500.000 đồng. Đồng thời, đã phát hiện và xử lý vụ án 9,1 tấn ngà voi nhập khẩu qua cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng. Đây là một trong những nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của TP.Đà Nẵng trong thời gian qua.
Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng đã triển khai thực hiện các chính sách về bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, con vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng….
Theo các chuyên gia, trong suốt những năm vừa qua, Việt Nam cũng đã cố gắng bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên bằng các chính sách, giải pháp như thành lập hàng loạt các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và được quốc tế ghi nhận. Bên cạnh đó, với nỗ lực của các chính quyền địa phương, đã tổ chức các chương trình như bảo vệ thú lớn như voi, hổ… và các chương trình bảo vệ loài linh trưởng, san hô.
Giáo sư Nguyễn Quảng Trường cho hay, bên cạnh các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên thì rất cần sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền địa phương và người dân bằng các chính sách. Cụ thể, mỗi người chúng ta không nên sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường sống cho các loài, sử dụng để tiết kiệm điện, tiết kiệm nước; đồng thời, chung tay góp phần bảo vệ môi trường sống cho các loài.