Nghiên cứu mới về voi đầu đàn

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WSC) và Hội động vật học Luân Đôn (ZSL), những con voi cái lớn tuổi có thể sống sót trong suốt những khoảng thời gian khắc nghiệt là nhờ trí nhớ của chúng về nơi có nguồn thức ăn cũng như nước uống.

Trong một bài báo mới đây được đăng tải trên tờ Bản tin Hội Sinh học Hoàng gia (The Royal Society’s Biology Letters), những con voi đầu đàn dày dạn kinh nghiệm dẫn dắt đàn voi của mình vật lộn dành sự sống trong khoảng thời gian nạn đói và hạn hán hoành hành. 

Tiến sĩ Charles Foley – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc WSC, cho hay “Việc hiểu được cách voi cũng như các loài động vật khác phản ứng như thế nào trước những trận hạn hán sẽ rất có ích cho công tác bảo tồn và quản lý động vật hoang dã. Những khám phá của chúng tôi ủng hộ giả thiết rằng kinh nghiệm của những con voi cái lớn tuổi về vị trí các nguồn lương thực ở xa cực kì quan trọng đối với sự sống sót của cả bầy trong suốt quãng thời gian khí hậu khắc nghiệt”.

Bác sĩ Nathalie Pettorelli, một chuyên gia thuộc WSC và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết thêm, “khí hậu thay đổi có thể dẫn đến việc xuất hiện nhiều  hạn hán nghiêm trọng ở châu Phi hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những sự kiện khí hậu khắc nghiệt kiểu này có thể dẫn tới việc chọn lọc trong quần thể động vật. Lúc này, vai trò của những con voi cái đầu đàn trở nên hết sức quan trọng”. 

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát số lượng tử vong của voi con trong công viên quốc gia Tarangire của Tanzania trong suốt đợt hạn hán năm 1993, đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vùng trong suốt 35 năm qua. Trong suốt 9 tháng hạn hán trong năm đó, 16 trong số 81 con voi con trong 3 nhóm nghiên cứu đã chết, ước tính khoảng gần 20%. Thông thường, tỉ lệ tử vong của voi con trong những năm không có hạn hán chỉ khoảng 2%.

Nhóm chuyên gia cũng đã lưu tâm đến mối tương quan giữa tình trạng sống sót của voi con với việc di chuyển của bầy đàn và đặc biệt là tuổi của những con voi cái trong đàn. Giữa 3 đàn voi được theo dõi trong suốt đợt hạn hán, 2 đàn rời khỏi công viên có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với đàn voi được giữ lại ở trong khoảng đất phía bắc của khu vực được bảo vệ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng những con voi rời khỏi công viên đã thành công trong việc tìm thấy nguồn thức ăn và nước uống ngoài khu vực bảo vệ đủ để duy trì sự sống cho chúng và cho những con voi con. Đàn voi ở lại trong khu vực bảo vệ có số lượng tử vong là 63% trong năm đó.

Khảo sát về tuổi đời của cá thể voi trong 3 đàn đã gợi mở ra nhiều điều. Số liệu cho thấy rằng tuổi đời của những con voi mẹ là thông số quan trọng báo trước khả năng sống sót của voi con. Hai đàn voi rời khỏi công viên phải tự tìm thức ăn và nước uống, mỗi đàn đều có voi đầu đàn và tuổi đời của chúng là 45 và 38 tuổi, trong khi đàn voi được giữ lại công viên có voi đầu đàn tuổi đời chỉ là 33. Điều này có liên quan đến nạn săn bắt thú rừng trầm trọng trong suốt những năm 70 và 80 nhằm vào những con voi cái có chiếc ngà lớn.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn voi di rời khỏi công viên có thể gặp được nhiều thuận lợi từ những kinh nghiệm của con voi đầu đàn, con voi này lưu giữ kí ức về  những trận hạn hán và cách đàn voi đã xoay sở ra sao để giành sự sống. Điều này càng được củng cố thông qua lịch sử cuộc đời của những con voi đầu đàn lớn tuổi nhất trong suốt đợt hạn hán năm 1958-1961. Đàn voi ở lại công viên Tarangire năm 1993 không có một cá thể nào đủ lớn tuổi để nhớ được sự kiện đó.

Trong suốt thập niên 70 và 80, rất nhiều những con voi lớn nhất ở miền Đông châu Phi đã trở thành nạn nhân của những tay săn bắn thú rừng bất hợp pháp, những kẻ hám lợi muốn khai thác lợi nhuận từ “thị trường đen” – chuyên buôn bán ngà voi. 

Nghiên cứu này nhấn mạnh được tầm quan trọng của những con voi đầu đàn lớn tuổi trong việc bảo vệ sự sống sót của cả đàn trước những trận hạn hán ngày càng gia tăng do thay đổi khí hậu.