Vùng đất ngập nước vô cùng quan trọng đối với sự sống

Nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của vùng đất ngập nước đối với con người, các nước đã thống nhất  lấy ngày 2/2 hàng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới.

Để hưởng ứng ngày này, Bộ TN&MT vừa ra Công văn đề nghị các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với tài nguyên nước, sự sống của con người, đa dạng sinh học

Hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào vùng đất ngập nước
Vùng đất ngập nước chỉ chiếm 0.75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người. Nó đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ bởi sự phá hủy bởi các cơn bão.

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên.

Với vai trò vô cùng quan trọng, từ năm 1971, 169 quốc gia đã ký kết và cam kết thực hiện hướng tới sử dụng một cách khôn ngoan tất cả các vùng đất ngập nước; Chỉ định những vùng đất ngập nước được coi là có giá trị cao đối với đất nước và thế giới đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar Sites) và đảm bảo quản lý hiệu quả; Thực hiện Hợp tác quốc tế trên các vùng đất ngập nước xuyên biên giới, chia sẻ và bảo vệ các hệ thống đầm lầy và các loài sinh vật sống trên khu vực.

Tuy nhiên, vai trò của đất ngập nước hiện vẫn đang bị đánh giá thấp, hiện trạng suy thoái chưa được cải thiện. Theo Báo cáo Công ước Ramsar, 64% đất ngập nước đã bị xuống cấp kể từ năm 1900 và sự xuống cấp vẫn tiếp tục ở mức báo động. Đây thực sự là mối quan tâm lớn bởi vì đất ngập nước rất cần thiết và quan trọng đối với cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất này, ngay từ năm 1989, Việt Nam đã là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước; quy hoạch thành lập mới 45 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030, đề cử công nhận được 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar).

“Không thể tách rời – Đất ngập nước, Nước và Sự sống”
Để nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của vùng đất ngập nước đối với con người, năm 2021, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã chọn chủ đề “Không thể tách rời – Đất ngập nước, Nước và Sự sống” (Inseparable – Water, Wetlands and Life).

Hưởng ứng ngày này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Công văn số 235/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với tài nguyên nước, sự sống của con người, đa dạng sinh học và kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể tại Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi hoàn thành các hoạt động tổ chức hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2021, gửi thông tin kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và báo cáo Ban Thư ký Công ước Ramsar.