Hạnh phúc trong miền cây di sản

Tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim muông reo ca, tiếng lá rừng nghẹn ngào trong gió… tất cả đã trở thành một bản nhạc tuyệt sắc mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Những cây di sản nghìn năm tuổi được bảo tồn và gìn giữ. Ảnh: Thành Sơn

Hằng ngày được sống giữa thiên nhiên núi rừng, được gia công bảo vệ những cánh rừng, những cụ cây nghìn tuổi đã trở thành niềm hạnh phúc vô bờ, khó đong đếm được của những cán bộ kiểm lâm ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). Dẫu, công việc và cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn.

Anh Tuấn, anh Mạnh bên các “cụ cây” nghìn năm. Ảnh: Thành Sơn

Hạnh phúc được đắm mình trong “rừng già” hoang dã

Không phải ngoa khi nói rằng, đến bản Vịn bạn sẽ được đắm mình trong thế giới hoang dã. Nơi đây được thiên nhiên bao bọc và ẩn chứa những kỳ quan. Anh Mạnh, anh Tuấn – kiểm lâm tại trạm bản Vịn cùng mấy người dân nai nịt gọn gàng trong những bộ quần áo chuyên đi rừng, dẫn chúng tôi đi theo tuyến cây di sản nổi tiếng ở Xuân Liên. Càng đi sâu vào rừng già, không khí càng “đẫm oxy”, bao trùm không gian là một màu xanh mướt mắt của núi rừng, tiếng khỉ vượn hú vọng lại ở đằng xa.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên nằm trên thượng nguồn sông Chu, thuộc địa phận 4 xã và 1 thị trấn: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Thị trấn Thường Xuân, Vạn Xuân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), nổi tiếng với hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam.

Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Ngoài những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi được ghi vào Sách đỏ, rừng Xuân Liên còn có nhiều loài phong lan rực rỡ và hàng trăm loại cây dược liệu quý khác.

Hệ thống cây di sản gồm Pơ mu, Sa mu tuyệt bích với đường kính lên tới gần 3,9m và cao hơn 44m đứng sừng sững như cột chống trời, camera từ điện thoại và ống kính máy ảnh khó lòng “bao trọn” được gốc lớn. Thân cây khổng lồ được bao quanh bởi thân rêu mốc và cành tán bát ngát lồng vào mây trời.

Ngoài các cây được tôn vinh, cả rừng Sa mu, Pơ mu khổng lồ khác với nhiều quần thể đứng như xếp hàng ở cách đó không xa, cũng đã được ghi nhận và có kế hoạch bảo vệ đặc biệt ở các độ cao từ 700m đến cả hơn nghìn mét so với mực nước biển.

Các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản đã khoan những lỗ nhỏ xuyên tâm bậc đại thụ và kết luận sơ bộ rằng, các “lão mộc tinh” có độ tuổi khoảng 1.500 năm. Nhiều “cụ” to cao quá, lại chứa sẵn dầu – nhựa trong thân, cành, lá nên đã bị sét đánh cháy và chết. Bà con người Thái tại bản Vịn tiếc xót kể lại điều này mà bất giác ao ước: “Chúng tôi từng nghĩ nên chăng dựng cột thu lôi bảo vệ các cụ cả thiên niên kỷ tuổi trước khi quá muộn?”.

Đường đi vào rừng đủ loại kỳ hoa dị thảo phơi bày, chim chóc véo von, côn trùng đủ loại kỳ thú. Đây là quê hương của những đàn Voọc xám (Trachypithecus crepusculus), và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) quý hiếm. Hơn thế, nơi đây còn có sự xuất hiện của loài Mang Roosevelt (Muntiacus rooseveltorum) – một loài đã được coi là tuyệt chủng hàng trăm năm nay lại được “tái phát hiện” tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.

Đã có trên 5 năm gắn bó với trạm kiểm lâm bản Vịn – xã Bát Mọt, kiểm lâm Hà Văn Mạnh đi rừng nhanh như sóc. Anh vừa đi, vừa say mê giới thiệu từng loài cây, chỉ từng khu vực mà anh đã từng thấy hoang thú. Anh kể thực vật rừng ở Xuân Liên rất đa dạng, phong phú. Còn rất nhiều cây gỗ quý hiếm, đặc biệt là Sa mu và Pơ mu, còn dổi, vàng tâm thì còn rất nhiều. Về động vật, họ thường xuyên gặp khỉ đuôi cộc, khỉ đuôi dài, chim muông, các loài thú khác như cầy, sóc…

Khi cùng người dân đi tuần tra rừng mà gặp được những đàn voọc, đàn vượn, có đàn chỉ cách 100 – 200m, nhiều khi đủ gần để chụp được ảnh, mọi người lại ra hiệu cho nhau lặng yên để tránh làm chúng sợ.

“Chúng tôi hay gặp nhất là voọc xám, vượn. Có lần, chúng tôi gặp một đàn khỉ có khoảng 10 – 15 cá thể đang đi kiếm ăn, trong đó có cả các con trưởng thành, các con nhỏ. Tôi cũng như các anh em khác và nhiều người dân ở đây khi đi tuần tra bảo vệ rừng mà gặp được những đàn khỉ, những con thú thì mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng. Tự hào vì chúng tôi còn giữ được các loài động vật hoang dã cho rừng. Niềm hạnh phúc đó khó có ngôn từ nào tả nổi” – anh Mạnh cho hay.

Anh Tuấn và anh Mạnh trong một chuyến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Thành Sơn

Anh Thiều Anh Tuấn – Trưởng trạm kiểm lâm bản Vịn cũng là một tay đi rừng cự phách, nhưng anh có vẻ trầm tính, ít nói hơn. Những chuyến đi rừng trong ngày như thế này là bình thường, còn những chuyến xa, anh Tuấn cùng đồng đội lại chuẩn bị đồ ăn thức uống rồi vào ở miết trong rừng nhiều ngày, đi thật xa đến khi không còn thấy khói bản làng, không còn nghe tiếng gà nhà gáy nữa.

Ở những khu vực đó, anh và đồng đội sẽ khảo sát, kiểm tra sự sống của các loài hoang thú, các loài cây, rồi gửi thông tin bằng các thiết bị theo dõi đặc biệt về trạm. Mỗi lần gặp loài thú nào, loài cây nào mới mà trạm chưa có nhiều dữ liệu, các anh lại mừng rỡ, hạnh phúc như hoàn thành được một công việc trọng đại trong đời.

Anh Tuấn vượt những con dốc cao như đi đường bằng. Anh cứ vừa đi vừa đẽo nhọn mấy gậy chống để “cứu cánh” những người trong đoàn vì đường xa quá mệt, không ít người phải ngồi lại để… thở dốc. Thỉnh thoảng anh lại giúp mọi người xách đồ.

“Những người dân đã quen với việc dẫn đường cho du khách đi tham quan cây di sản. Họ sẽ mang vác đồ đạc giúp du khách và hỗ trợ du khách để đi rừng an toàn. Việc này giúp họ có thêm thu nhập. Có nhiều du khách thì du lịch cộng đồng ở Xuân Liên cũng sẽ phát triển. Chúng tôi mong muốn làm sao du lịch phát triển mạnh hơn, kinh tế người dân tốt hơn, thì công cuộc bảo vệ rừng, bảo vệ cây di sản và các loài muông thú sẽ ngày càng tốt hơn” – anh Tuấn tâm sự.

Người dân đồng hành cùng kiểm lâm giữ rừng

Nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên du lịch ở Xuân Liên có tiềm năng vô tận để phát triển các hoạt động vui chơi giải trí, thư giãn và có sức hấp dẫn du khách rất lớn. Nhờ tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ rừng, nhờ phát triển kinh tế mà đời sống bà con ngày càng nâng cao, đi với đó là ý thức của bà con trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật rừng. Nếu ngày xưa họ còn vào rừng săn bắt thú thì nay họ lại chỉ mong đi rừng để có thể được nhìn ngắm các loài muông thú, được chụp lại những bức ảnh đẹp, mang về khoe với con cháu và anh em láng giềng.

“Có những người trước đây chuyên vào rừng săn bẫy thú, sau khi được tuyên truyền vận động, nay họ đã trở thành những thành viên tích cực của tổ bảo vệ rừng, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm lâm trong nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ các loài hoang dã” – anh Mạnh vui vẻ chia sẻ.

Hiện nay tuyến du lịch cây di sản ở Xuân Liên đang thu hút rất nhiều khách du lịch. Nhiều hộ dân đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ, đồng thời, chính nhờ các hoạt động du lịch, mà ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã lại nâng cao.

Những cây di sản nghìn năm tuổi được bảo tồn và gìn giữ. Ảnh: Thành Sơn

Chúng tôi đến với điểm du lịch cộng đồng tại bản Vịn – xã Bát Mọt và được chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn nơi đây. Phong trào làm homestay ở cái bản nhỏ tít tắp phía sau núi cao và mây mù này đang rất phát triển. Hai năm trước đại dịch, các hộ dân tại đây (phần lớn đều là dân tộc Thái) đã được chính quyền huyện Thường Xuân hướng tới mô hình làm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Được sự khuyến khích và giúp đỡ của huyện, đồng thời có sự chung tay góp sức của cán bộ kiểm lâm nơi đây, 10 hộ dân bản Vịn đã tham gia phong trào làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển rừng, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả tiềm năng.

Là 1 trong 10 homestay đang hoạt động tại bản Vịn, ông Lang Văn Hoàn chia sẻ, từ khi làm homestay đón khách du lịch, ngoài việc chăn nuôi gia súc và làm nông nghiệp, gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập từ mô hình homestay. Ông chỉ mong bản Vịn được biết đến nhiều hơn để người dân nơi đây được phát triển thêm về kinh tế.

Ngoài việc kinh doanh homestay, người dân tại bản Vịn luôn có ý thức cùng cán bộ kiểm lâm giữ gìn và bảo vệ rừng. Nhờ sự tuyên truyền mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, bản Vịn dường như chung sống và hòa mình cùng thiên nhiên và động vật hoang dã, không còn tình trạng săn bắt thú rừng và chặt phá rừng tràn lan.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo, bản Vịn thật sự là miền cổ tích còn sót lại của thiên nhiên, chờ đợi sự khám phá của những người yêu non cao, yêu văn hóa.  Ở đó, luôn có những “chàng lính ngự lâm” bảo vệ rừng già và hoang thú.

“Nếu mà nhà báo phát hiện tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng thú rừng ở khu vực trạm kiểm lâm bản Vịn quản lý, thì tôi xin từ chức, xin nghỉ việc ngay” – anh Tuấn mạnh mẽ cam kết với chúng tôi. Quả thật, không dễ gì mà nói ra những lời quyết liệt như vậy. Nhưng những gì mà chúng tôi cảm nhận được là những người kiểm lâm ở bản Vịn đã tìm thấy hạnh phúc trong chính công việc hàng ngày của mình.

Sau chuyến đi rừng đến mướt mải mồ hôi ấy, nhiều ngày sau đó, hai chân vẫn đau cứng, nhưng cảm thấy cơ thể khoan khoái, dễ chịu kỳ lạ. Thế rồi, ngày nào chúng tôi cũng thèm khát được hít thở luồng không khí “đẫm oxy” của rừng già, được quờ tay nắm lấy một nắm sương đặc quánh và được truyền cảm hứng yêu thiên nhiên từ công việc đầy đam mê của những anh chàng kiểm lâm bảo vệ rừng già, bảo vệ các cụ cây nghìn tuổi.