Voi rừng tận hưởng bình yên sau lệnh phong tỏa vườn quốc gia lâu đời nhất Thái Lan

Không còn những chiếc xe jeep và đám đông, khoảng 300 cá thể voi ở vườn quốc gia Khao Yai có thể tự do rảo bước trên những con đường từng chật cứng du khách và tận hưởng những phút giây bình yên hiếm có.

Voi hoang dã thong dong rảo bước trên cung đường vắng vẻ tại Vườn quốc gia Khao Yai (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Bao đời nay, con đường mòn dẫn ra sông đều len qua sườn đồi, được bao phủ bởi cánh rừng rậm rạp và con đường này đã in sâu vào tiềm thức của các cá thể da dày tới mức chúng không muốn thay đổi. Tiếc rằng ba thập kỷ trước, con người cũng muốn ra sông ngắm những thác nước ở Khao Yai, vườn quốc gia lâu đời nhất tại Thái Lan nên đã bê tông hóa một phần con đường mòn voi vẫn đi để xây nhà vệ sinh và ki-ốt bán đồ ăn vặt.

Dù vậy, voi vẫn cần đến sông. Chúng rẽ vào con đường tránh khác gần với lối mòn cũ nhưng không gần đến mức những người đi phượt có thể nhìn thấy chúng. Không ngờ đó lại là con đường chết chóc. Con đường mòn mới đi qua một vách đá và khu vực dễ bị lũ quét. Tháng 10/2019, một cá thể voi con trượt ngã xuống vùng nước đục ngầu. Đàn voi muốn cứu nó nhưng rồi cả 11 cá thể đều thiệt mạng.

Tháng 3 năm nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Thái Lan, Khao Yai quyết định ngừng phục vụ du khách. Đây là lần đầu tiên vườn thực hiện đóng cửa kể từ khi được thành lập vào năm 1962. Không còn những chiếc xe jeep và đám đông, khoảng 300 cá thể voi được tự do đi lại trên những con đường từng chật cứng du khách. Những động vật hiếm thấy như gấu ngựa hay bò tót cũng xuất hiện trở lại.

“Vườn quốc gia có thể tự hồi phục. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các con vật xuất hiện”,  Chananya Kanchanasaka, bác sĩ thú y của Khao Yai chia sẻ.

Lệnh phong tỏa khiến thiên nhiên khắp thế giới được “xả hơi” và động vật xuất hiện ở những nơi không ngờ tới. Loài báo sư tử dạo chơi trên những con đường vắng vẻ ở thủ đô Santiago của Chile; lợn rừng thong dong khắp các con hẻm ở Haifa, Israel; cá lại về đầy khơi ở Việt Nam.

Tại Thái Lan, thiên nhiên cũng phục hồi nhanh chóng. Cuối tháng 4, khoảng 30 con bò biển – loài động vật biển có vú tương đối hiếm – xuất hiện ở một mũi đất từng đầy ắp thuyền du lịch. Rùa da và cá mập vây đen cũng quay trở lại các điểm du lịch nổi tiếng. Rái cá tự do tắm nắng trên sông và sóc chuột nhảy nhót trên cành. Những cá thể sơn dương nhút nhát lang thang trên đồng cỏ, kể cả sói lửa cũng hiện diện.

Không còn xe cộ, voi có thể nhởn nhơ đi dạo trên những con đường thoáng đãng. Chúng thong dong hít hà, nhai lá mà không cần phải co mình trước những góc lượn nguy hiểm trong rừng với vách đá và thác nước cheo leo.

Sự hồi phục bất ngờ của các quần thể động vật hoang dã ở Thái Lan đã thổi bùng cuộc tranh luận ở đất nước mà mối liên kết con người với thiên nhiên từ lâu đã bị đóng khung theo kiểu thống trị một chiều: hoặc là rừng chi phối con người hoặc con người chi phối rừng.

Không chỉ khai thác kiệt quệ những khu rừng mưa nhiệt đới của chính mình, Thái Lan còn biến thành trạm trung chuyển quan trọng trên các tuyến đường buôn lậu động vật hoang dã toàn cầu từ châu Phi sang Trung Quốc với các mặt hàng như sừng tê, ngà voi, vảy tê tê. Voi hoang dã trong khu vực thì bị bẫy và đàn áp về tinh thần để thực hiện các trò mua vui cho du khách. Nạn săn trộm và khai thác gỗ cũng diễn ra tràn lan ở Thái Lan.

Năm 2018, một ông trùm xây dựng người Thái Lan bị phát hiện mang vũ khí trong khu bảo tồn động vật hoang dã phía tây Khao Yai cùng thi thể một con báo đen, mang và gà lôi. Đuôi con báo nấu trong nồi cháo.

Somporn Chaikarn, nhân viên kiểm lâm kỳ cựu tại Khao Yai cho biết trong nhiều năm qua, du khách đến vườn đã được nâng cao nhận thức về cách tiếp cận thiên nhiên và hành vi của họ đã được cải thiện.

“Khách du lịch không còn lái xe trong tình trạng say xỉn khi tới Khao Yai. Đó là tiến bộ rất lớn”, anh tâm sự.

Hồi mới vào nghề, Chaikarn cũng tham gia xây dựng con đường dẫn xuống thác Haew Narok để du khách có thể ngắm các tầng thác đổ xuống từ độ cao khoảng 170 m.

Thác Haew Narok trong Vườn quốc gia Khao Yai, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 11 cá thể voi thiệt mạng hồi tháng 10 năm ngoái (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Những năm qua, nhân viên tại Khao Yai đã cố thay đổi tuyến đường mà voi vẫn sử dụng bằng cách xây dựng trụ bê tông, rào chắn và cả các trạm kiểm soát. Nhưng đàn voi vẫn quay lại con đường nguy hiểm cũ vì phần nhiều trong số 108 loài thực vật mà chúng thích ăn mọc nhiều ở đó.

Tháng 10 năm ngoái, rắc rối đầu tiên xuất hiện khi có tiếng kêu hoảng loạn vang lên từ thác Haew Narok. Khi đó, trời đổ mưa lớn bất thường và lũ lụt tràn đến khu vực chưa bao giờ có lũ này. Một số kiểm lâm linh cảm được điều tồi tệ xảy ra bởi mỗi năm thường có một hoặc hai cá thể voi chết trong dòng lũ dữ tại Khao Yai. Năm 1992, một cá thể voi con từng bị trượt chân, 7 cá thể khác cố gắng giải cứu nhưng rốt cuộc cả tám đều thiệt mạng. Lần này, một cá thể voi con khoảng 3 tuổi bị trượt chân khi đang cố gắng vượt sông và ngã xuống tầng thác thứ hai cách đỉnh thác hơn 60 m. Các thành viên trong đàn cố gắng cứu nó. Duy chỉ một cặp voi mẹ con khác không tham gia. Khi mưa tạnh, nước lũ vẫn ngăn bước kiểm lâm. Hôm sau, họ tìm thấy 6 thi thể voi. Ngày tiếp theo, máy bay không người lái tiếp tục tìm thấy 5 thi thể nữa.

“Cái chết của 11 cá thể voi và cả sự quản lý sai lầm của vườn quốc gia vốn hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Họ dường như quên mất mục đích chính của vườn là dành cho nghiên cứu và bảo tồn. Doanh thu lớn từ du lịch của Khao Yai dường như khiến họ quên đi nhiệm vụ chính của mình”, nhà bảo tồn nổi tiếng Kemthong Morat gay gắt.

Cựu giám đốc vườn quốc gia Srinopawan không tán đồng ý kiến này: “Các nhóm hoạt động vì môi trường nói rằng chúng tôi tập trung quá nhiều vào khách du lịch, không phải vào voi, nhưng chúng tôi cần một sự cân bằng. Chúng tôi cũng phải quan tâm tới cả những người yêu động vật hoang dã và muốn tận hưởng thiên nhiên hoang sơ”.

Dù vậy, theo lời bác sĩ thú y Kanchanasaka, vườn quốc gia đang cân nhắc liệu có nên đóng cửa định kỳ hàng năm để giúp thiên nhiên Khao Yai hồi phục hoàn toàn.

Khao Yai có diện tích khoảng 155 dặm vuông và là một phần của di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nơi đây cũng được cho là có số lượng voi hoang dã lớn nhất trong tất cả các vườn quốc gia ở Thái Lan.

Thược Dược (Theo New York Times)

Nguồn: