Triệt phá 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo trộn bột đá

ThienNhien.Net – Để giảm chi phí và tăng lợi nhuận, chủ 03 cơ sở sản xuất bánh kẹo là Đỗ Văn Hợp – Doanh nghiệp Thương mại và Sản xuất Phúc Thành Khang, Nguyễn Chí Nhạn – Cơ sở sản xuất Thanh Xuân và Đỗ Đăng Chung – Cơ sở sản xuất Phong Lan, đều ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã trộn CaCO3 thường gọi là bột đá với tỷ lệ lớn vào nguyên liệu để sản xuất kẹo, bất chấp các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và tính mạng của người tiêu dùng. Việc làm vi phạm pháp luật này của họ đã diễn ra một thời gian dài và đã bị các cán bộ, chiến sĩ của Đội Vệ sinh an toàn thực phẩm – Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội (C36) triệt phá.

C36 đã bí mật lấy mẫu kẹo do Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thành Khang sản xuất đi phân tích và phát hiện hàm lượng bột đá (CaCO3) trong mẫu kẹo trên là 32,4%. Ngày 05/09/2008, C36 đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) – Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng quốc gia và Thanh tra Sở y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 03 cơ sở trên.

Tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Phúc Thành Khang, đoàn thanh tra đã thu giữ 60 bao bột CaCO3, tổng trọng lượng 1,5 tấn mà chủ cơ sở đã khai nhận dùng để pha trộn trong sản xuất kẹo với tỉ lệ 2 – 3% và 3 tấn kẹo mềm thành phẩm chứa trong kho có chứa bột đá (CaCO3).

Tại 2 cơ sở sản xuất kẹo Thanh Xuân và Phong Lan đoàn kiểm tra đã thu giữ tổng số 57 bao bột CaCO3, trọng lượng 1435kg, 43 vỏ bao bột đá đã sử dụng hết để trộn với kẹo, 5.460 kg kẹo mềm thành phẩm có trộn bột đá tại kho của doanh nghiệp này với tỉ lệ trộn “kinh hoàng” là 25 – 30%. Toàn bộ lượng bột đá trên đều không có hoá đơn chứng từ, không nhãn mác xuất xứ. Toàn bộ số kẹo thành phẩm và bao bột đá đã bị C36 cùng các cơ quan chức năng niêm phong chờ quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là Điều 19, Nghị định 126/2005/NĐ-CP, qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường, chất lượng hàng hoá: “can thiệp, tác động (thay thế, pha trộn tạp chất, chất phụ gia) làm sụt giảm chất lượng sản phẩm” và điều 15, Nghị định 45/2005/NĐ-CP qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: “sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ”, C36 đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát để phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (C15) để giải quyết triệt vụ việc trên theo đúng qui định của pháp luật./.