Ăn Mc Donald, xài Dove hay giữ bầu khí quyển

ThienNhien.Net – Các nhà hoạt động môi trường đang lên tiếng kêu gọi việc ngừng sản xuất và buôn bán các sản phẩm có chứa nhiều dầu cọ,vì họ cho rằng chúng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ hủy hoại rừng. Điều này đã tạo ra một áp lực nặng nề cho ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm.

Bà Leila Salazar Lopez – đại diện của Mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới (RAN) có trụ sở ở San Francisco, cho biết, các công ty như Hostess và Nestle đang góp phần huỷ hoại rừng nhiệt đới do sử dụng dầu cọ trong các sản phẩm của họ.”

Trung tuần tháng 8 vừa qua, nhóm của Salazar Lopez đã có hàng loạt các cuộc biểu tình tại các siêu thị ở nhiều thành phố và thị trấn lớn trong nước Mỹ, gồm có Austin, Boston, Los Angeles, Minneapolis, New York, và San Francisco, để phản đối việc buôn bán các sản phẩm có chứa dầu cọ.

Tại các cuộc biểu tình, họ yêu cầu các siêu thị phải dán giấy thông báo với nội dung: “Cảnh báo! Sản phẩm có thể góp phần hủy hoại rừng nhiệt đới” lên các sản phẩm có chứa dầu cọ, thành phần được sử dụng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm và thực phẩm.

Bà Lopez nói: “Mục đích của chúng tôi là giúp người tiêu dùng hiểu và yêu cầu các công ty có sử dụng dầu cọ trong việc sản xuất phải ngừng các hành động hủy hoại rừng nhiệt đới. Nếu người dân Mỹ biết được các sản phẩm dùng trong gia đình và thức ăn họ dùng hàng ngày đang góp phần huỷ hoại rừng nhiệt đới tới mức độ nào, có lẽ họ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi mua những sản phẩm đó”.

Theo một kết quả nghiên cứu, nhu cầu dầu cọ trên toàn thế giới ngày càng tăng đòi hỏi việc xây dựng ngày càng nhiều các đồn điền tại những khu rừng nhiệt đới ở Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea. Mỗi năm, người ta đã phá bỏ khoảng 2,5 triệu héc ta rừng nhiệt đới để phát triển các đồn điền cọ.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu con người vẫn tiếp tục xây dựng những đồn điền cọ tại các khu rừng nhiệt đới, hậu quả ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng.

Các khu rừng nhiệt đới ở Indonesia được xem là một trong những nguồn lưu trữ khí cacbon lớn trên thế giới. Nó rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Các vùng đất than bùn ở vùng Riau trên hòn đảo Sumatra là một ví dụ. Chúng có khả năng dự trữ hơn 14 tỷ tấn khí cacbon – tương đương với lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu trong một năm. Tuy nhiên, kho lưu trữ cacbon quý giá này đang bị đe dọa bởi sự nhăm nhe ngày càng nhiều của giới kinh doanh. 

Nhóm hoạt động vì môi trường Hoà Bình Xanh khẳng định 1/4 diện tích đất ngập nước của Riau đã biến mất do sự xuất hiện cây cọ. Không có gì đảm bảo rằng những khu rừng còn lại sẽ được bảo vệ. Đồng thời, họ cũng đã chứng minh được mối quan hệ giữa 4% phát thải hàng năm trên toàn cầu với diện tích đầm lầy nhiệt đới Indonesia bị phá hủy để phát triển ngành dầu cọ.

Sau sự “đánh đổi” này, Indonesia đã trở thành đất nước có lượng khí thải nhà kính lớn thứ ba thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo như các nhà hoạt động môi trường, đến nay hầu hết các công ty sản xuất dầu cọ vẫn chưa thiện chí cải thiện tình trạng này.

Một khảo sát cho thấy hiện có khoảng hơn 300 công ty, tập đoàn sử dụng dầu cọ làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có cả tập đoàn lớn như Archer Daniels Midlands (ADM), Burger King, Cargill, Dove Soap, Kraft, Nestle, Procter & Gamble và Unilever . Nhu cầu về dầu cọ của họ ngày càng lớn, và điều này đang gián tiếp huỷ hoại rừng.

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc biểu tình, RAN đã gửi thư tới các công ty này yêu cầu họ ngừng sử dụng dầu cọ cho khi phục hồi được trạng thái cân bằng tại các khu rừng nhiệt đới.

Đầu năm nay, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi hoạt động kinh doanh trên thế giới đã gọi ADM là một trong những tập đoàn tệ nhất của năm vì những hoạt động thu hoạch dầu cọ khổng lồ tại các khu đất than bùn của Indonesia nhằm phục vụ cho việc tạo ra các loại nhiên liệu sinh học của công ty này.

Việc phá hủy các khu rừng than bùn ở Indonesia có thể đe doạ sự sinh tồn của nhiều loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi. Theo dự đoán, có thể đến năm 2012 Indonesia sẽ không còn con đười ươi.