Khu vực APEC: Cần cải cách để tiết kiệm năng lượng

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, các nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tiêu tốn đến 9 nghìn tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng nếu không thực hiện cuộc cải cách về năng lượng. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện có thể đem lại cho các nước này 700 tỷ đô la từ nay đến năm 2030. Song các quốc gia đang phát triển đã phản biện và cho rằng điều này chưa được chứng minh. Rất có thể nó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đối với các nước nghèo.

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cấp cao khu vực APEC hồi tháng 04/2008, Thủ tướng Thái Lan Samak nhận định “Để phát triển bền vững trong khu vực chúng ta cần thực hiện ngay một cuộc cải cách về quản lý năng lượng, cần phải tập trung hết sức vào nguồn năng lượng sẵn có”. Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc ở châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) cũng đã kêu gọi sự hợp tác cấp quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, song người dân nghèo thì phản đối.

Theo đánh giá của ESCAP,  dưới sự định hướng của các chính phủ việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu dùng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 40% năng lượng trên toàn thế giới, tính đến 2050.

Bà Noeleen Heyzer – Tổng thư ký điều hành của ESCAP, nói: “Sự phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch sẽ làm trầm trọng thêm nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương vốn đã dễ bị tổn thương. Giá dầu đang tăng nhanh và tác động của phát thải đến sự ấm lên toàn cầu có nghĩa rằng các nước cần phải suy nghĩ nghiêm túc về tính cấp bách của các chương trình năng lượng của họ. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, các nước nghèo ngày càng khó có khả năng đáp ứng nhu cầu về năng lượng của họ. Đây không còn là một sở thích mà là điều bắt buộc phải làm”.

Báo cáo này cũng đề xuất các biện pháp cổ phần hóa các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng năng lượng và phát triển tiêu chuẩn cho khu vực này cũng như cải cách về thuế để khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Bà Heyzer nói rằng, các nước cần hợp tác triển khai các chương trình phát triển năng lượng để trao quyền hành động cho khoảng 1,7 tỷ người Châu Á đang không sử dụng năng lượng tái tạo hoặc sử dụng lãng phí năng lượng.

Tuy nhiên, theo ông Mirza Azizul Islam, một cố vấn của bộ tài chính Bangladesh, các đề xuất đưa ra trong báo cáo sẽ làm tổn thương đến các nước kém phát triển. Ông nói:“Sự cân bằng trong các chính sách quản lý năng lượng trong báo cáo không thỏa đáng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bất mãn trong xã hội”

Các nước kém phát triển sẽ gặp nhiều hạn chế hơn khi triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hay công nghệ về năng lượng tái tạo, như các dự án xây dựng đập thủy điện có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và kéo theo nhiều vấn đề về dân sinh, môi trường.