Thế giới quay lưng với túi nhựa

ThienNhien.Net – Vài năm trở lại đây, việc sử dụng túi nhựa, được xem là nguy hại cho môi trường đang bị hạn chế dần ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ Astraulia đến vương quốc Anh, cho tới cả Mỹ, các chính trị gia và các đoàn thể cũng đang cân nhắc về vấn đề cấm hoặc đánh thuế túi nhựa. Gần đây nhất, từ tháng 06/2008, Trung Quốc đã ra chính sách cấm sử dụng hoàn toàn túi nhựa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho môi trường trong tương lai.

Những loại túi bị tẩy chay

Trước đây, vì sự tiện dụng mà túi nhựa hay túi ni-lông đã được người tiêu dùng ở khắp thế giới ưa chuộng và sử dụng khá nhiều. Điều đó, đã dẫn đến một lượng rác thải khổng lồ từ loại túi này ngày càng gia tăng và gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, rác thải nhựa không phân hủy thành các chất vô hại, mà phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài. Khi bị đốt cháy, gặp hơi nước các chất này sẽ tạo thành acid Sulfuric dưới dạng các cơn mưa acid, rất có hại cho hệ hô hấp của người và động vật. Tệ hơn, túi ni-lông làm bằng nhựa PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất dioxin và acid Clohydric vô cùng độc hại.

Không kể những tác hại môi trường các thế hệ sau phải gánh, túi ni-lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng. Rác thải nhựa làm tắc các đường thoát nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh… Bao bì ni-lông cũng đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người vì nó chứa chì, cadimi… (có trong mực in tạo màu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi.

Do đó, để ngăn chặn sự bùng phát của túi nhựa, ni-lông trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia đã thực hiện các chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi nhựa, ni-lông bắt đầu từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng. Nhiều siêu thị tại Pháp, Hà Lan đã không phát túi ni-lông đựng đồ. Khách hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng lớn bằng ni-lông tự hủy, giấy.

Ngay từ năm 2003, ở Ireland đã khuyến khích công chúng tại đây hạn chế sử dụng túi nhựa mà thiên về những loại túi vải tái sử dụng. Những loại bao tải nhựa cũng bị đánh thuế ở Ý và Bỉ. Còn ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan. Tây Ban Nha, Na Uy, những người kinh doanh tạp phẩm sẽ phải trả thuế cho những loại bao tải nhựa.

Ở Mỹ, tháng 03/2007, Hội đồng thành phố San Francisco đã thông qua dự luật cấm sử dụng túi ni-lông trong việc gói, bọc hàng trong các siêu thị lớn, nhằm thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu có khả năng tái sinh để bảo vệ môi trường. Với lệnh cấm này, mỗi năm San Francisco tiết kiệm được 1,7 triệu lít dầu, đỡ tốn công chôn lấp 1.400 tấn rác ni-lông. Và mới đây, thành phố Los Angeles cũng thực hiện lệnh cấm này. Sắp tới, những đề xướng tương tự cũng đang được xem xét tại nhiều thành phố và tiểu bang của nước Mỹ, trong đó có New York.

Tại Úc, chính phủ nước này đã đề nghị người dân sử dụng túi dùng một lần. Ông Mike Rann, người đứng đầu bang Nam Úc đã liệt kê hàng loạt những lý do quen thuộc cho lệnh cấm này, đó là những loại túi nhựa sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cản trở việc bồi đắp đất, thải rác bừa bãi ra đường phố và những con suối, làm giết chết cuộc sống hoang dã.

Từ 01/06/2008, Trung Quốc cấm sử dụng túi nhựa trên toàn quốc và quyết tâm thực hiện một kỳ Olympic xanh. Bên cạnh đó, hàng loạt các nước và vùng lãnh thổ khác như Anh, Canada, Nhật Bản, Đài Loan … cũng đã cấm hẳn việc sử dụng túi nhựa.

Một số quốc gia ở châu Phi như Uganda, Kenya, Tanzania… cũng đang có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của túi ni-lông đối với môi trường.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì không ô nhiễm môi trường đã bắt đầu vào cuộc.

Có phải là thoát nợ?

Lệnh cấm túi nhựa đang được thế giới ủng hộ và sẽ còn được thực hiện ở nhiều các quốc gia khác nữa. Nhưng theo bà Lisa Mastny – giám đốc dự án tiêu dùng của thành phố Washington, Mỹ lại cho rằng, những lệnh cấm nhìn chung nhằm ngăn không cho các loại túi nhựa này xâm nhập vào môi trường như những loại rác thải, tuy nhiên hầu hết các chính sách đều thất bại trong việc tìm ra những giải pháp bảo vệ môi trường đúng đắn ví dụ như những loại túi vải.

Tại Mỹ, sự chống đối từ phía những người bán lẻ và từ phía nền công nghiệp sản xuất chất dẻo đã dẫn đến việc chú trọng vào tái sản xuất. Điều này  rất hữu ích nhưng hầu như không làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng. “Không điều gì có thể ngăn cản người bán hàng sử dụng lượng túi mà họ đã từng dùng trước đây”, bà nói.

Theo Mastny, thì có thể áp dụng những biện pháp hiệu quả hơn, chẳng hạn như kế hoạch đánh thuế giống ở Ireland. “Trên thực tế, Ireland đã tăng thuế nhằm đối phó với tình trạng tăng việc sử dụng các loại túi nhựa. Và điều này dường như đang tiến triển”, bà nói thêm.

Ông Keith Christman, Chủ tịch Hội hóa học Hoa Kỳ cũng lưu ý, những biện pháp cấm hay đánh thuế đối với túi nhựa buộc những người bán lẻ chuyển sang dùng túi giấy. Để sản xuất ra những loại túi giấy lại cần tiêu thụ nhiều năng lượng và thải ra nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn đối với các loại túi làm từ chất dẻo.

Hơn nữa, ông nói rằng, 92% người tiêu dùng sử dụng lại túi nhựa để lót thùng rác hay ổ cho vật nuôi của họ, giữa những thứ khác nữa. Nếu như không có những chiếc túi miễn phí từ các cửa hàng rau quả, người tiêu dùng sẵn sàng mua chúng. Do đó, theo ông, phương án đúng đắn nhất bây giờ là tăng việc tái sử dụng các loại túi làm từ chất dẻo và chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Năm 2006, đã có 368 kg các loại túi làm từ chất dẻo được tái chế, tăng 24% so với năm 2005. Những túi này được tái chế thành những loại túi mới và được sử dụng làm nguyên liệu bảo vệ hoặc trang trí.

Cobb – chủ một website chuyên bán những loại túi được tái chế và túi sử dụng một lần, đã đồng ý rằng tái chế là một bước tiến tốt và cần đánh thuế vào khâu thanh toán để thay đổi thái độ của người tiêu dùng.

“Thực chất, túi nhựa không phải là xấu. Tất cả là do sự vô ý thức của người tiêu dùng. Chỉ khi nào nhận thức được điều này, tôi cho rằng lúc đó chúng ta mới thấy được sự thay đổi”, Cobb nói.

Những người bán hàng vì môi trường

Gần đây, không ít các hệ thống siêu thị và cửa hàng trên thế giới đã ủng hộ việc hạn chế sử dụng các loại túi nhựa trong những cửa hàng của họ. Tiêu biểu như hệ thống cửa hàng World Foods Market, họ không cần phài đợi lệnh cấm mới cắt giảm lượng rác thải từ chất dẻo. Họ khuyến khích khách hàng sử dụng loại túi tái chế và sử dụng một lần bằng cách hoàn lại cho người mua từ 5 – 10 cents, tùy thuộc vào mỗi chiếc túi tái chế khác nhau.

Ở Anh, hệ thống siêu thị Tesco chuyển sang dùng những loại túi dễ bị phân hủy bởi vi khuẩn và những cửa hàng thực phẩm này sẽ bắt đầu phải trả 5 pence (10 cents) cho mỗi chiếc túi nhựa.

Bà Masty đã nói rằng, những đề xướng như thế này là phương pháp khả thi và dễ dàng để những công ty có thể thể hiện sự quan tâm của họ đối với môi trường. Phương án này không hoàn toàn tối ưu, nhưng rõ ràng nó có lợi ích chung cho cộng đồng.

Cuối năm 2007, hệ thống Metro Cash & Carry ở Việt Nam cũng đã thực hiện chương trình “Metro cùng khách hàng bảo vệ môi trường”. Theo đó, khách hàng sẽ sử dụng túi xách Metro nhiều lần để đựng hàng thay thế túi nilon. Đây là loại túi xách làm bằng sợi tổng hợp thông thường và có thể sử dụng nhiều lần.

Trước đó, hệ thống siêu thị Big C cũng đã triển khai bước đầu việc sử dụng bao bì dùng nhiều lần làm bằng nilon hữu cơ cho phép phân hủy theo quá trình tự nhiên không gây ô nhiễm.