Giảm tỷ lệ phá và suy thoái rừng xuống mức 0

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF), các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp cần nhanh chóng xác định rõ mục tiêu nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng. Đây được coi là một phần của nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo Living Forests (Tạm dịch: Những cánh rừng sống) đã xem xét những động cơ của việc phá rừng và nhận diện những cơ hội để chuyển dịch hoạt động kinh doanh bình thường sang mô hình bền vững, đem lại lợi ích cho cả chính phủ, doanh nghiệp và các cộng đồng.

Theo ông Rod Taylor, Giám đốc Lâm nghiệp Quốc tế của WWF: “Hiện tại chúng ta đang lãng phí rừng vì thất bại trong việc lựa chọn những vấn đề chính sách thiết yếu, chẳng hạn như  cơ chế quản lý rừng và những sáng kiến kinh tế khuyến khích giữ rừng”.

Báo cáo của WWF cho rằng các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần liên kết để cùng hướng đến mục tiêu Giảm Chỉ số Phá rừng và Suy thoái rừng bằng 0 (ZNDD) vào năm 2020, coi đây là chuẩn mực đột phá toàn cầu để chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu và hạn chế suy giảm đa dạng sinh học.

Mục tiêu đạt được  ZNDD vào năm 2020 đồng nghĩa với việc sẽ không còn khu vực nào bị mất hoặc suy thoái rừng, cũng sẽ không có việc chuyển đổi rừng tự nhiên thành các đồn điền độc canh nữa. Mục tiêu ZNDD đòi hỏi tình trạng mất rừng tự nhiên hoặc bán tự nhiên phải được giảm triệt để, từ con số mất mát hiện tại 13 triệu ha rừng/năm xuống mức gần như bằng 0, và mức độ đó cần phải được duy trì mãi mãi.

 

Những cánh rừng đang dần biến mất (Ảnh: Earth911.com)

Để hình dung mục tiêu này trong thực tế, WWF đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IIASA) – nơi thiết lập cơ sở cho Báo cáo trên, phát triển Mô hình Những cánh rừng sống (LFM).

Mô hình LFM ước tính rằng nếu không hành động, “chúng ta có thể mất đi hơn 230 triệu ha rừng từ nay đến năm 2050”. Mô hình này cũng chỉ rõ “việc bảo tồn rừng có thể thực hiện được và đang hết sức cấp bách, song nó sẽ không hề dễ dàng”, ông Taylor cho biết.

Đặc biệt, cũng theo Báo cáo Living Forests, việc duy trì tỷ lệ mất rừng gần bằng 0 về lâu dài đòi hỏi ứng phó với những sức ép gia tăng lên rừng do nhu cầu lương thực, nguyên nhiên liệu cho lượng dân số đang ngày càng tăng, ước tính chạm mốc 9 tỷ người vào năm 2050.