Trong khi giá xăng, dầu tăng lên chóng mặt và năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt thì việc tìm những nguồn năng lượng mới là cần thiết. Trong những năm qua, công việc này ở Việt Nam vẫn bộc lộ khoảng trống lớn, nhất là năng lượng từ gió và mặt trời…
Thừa tiềm năng, yếu khả năng
Với điều kiện thuận lợi về địa lý, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo lớn và đa dạng, trong đó năng lượng gió (NLG) và năng lượng mặt trời (NLMT) có thể khai thác trực tiếp. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm ở phía Bắc là 3,69 kWh/m2 và phía Nam là 5,9 kWh/m2, với số giờ nắng dao động từ 1.600-2.600 giờ/năm. NLMT đã bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam với khoảng 6.000 trạm điện mặt trời với tổng công suất 750 kW được lắp đặt cho khu vực miền núi và hải đảo. Cùng với NLMT, vùng lãnh thổ có thể khai thác có hiệu quả NLG chiếm 9% diện tích cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển miền Trung.
Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm 1m2 thiết bị đun nước nóng bằng NLMT có thể tiết kiệm được từ khoảng 500-900 kWh điện tùy theo vùng khí hậu và hiệu suất thiết bị. Điện NLMT có lợi thế cung cấp cho các hộ gia đình, khu vực dân cư nông thôn biệt lập mà sử dụng lưới điện quốc gia rất tốn kém cho công tác truyền tải. Cho dù chương trình phát triển mở rộng lưới điện được thực hiện khẩn trương thì đến năm 2010 nước ta vẫn còn khoảng 1.100 xã, làng vùng sâu, vùng xa và miền núi với khoảng 3 triệu dân chưa có điện lưới. Cũng có khoảng 500.000 hộ khác trong các xã có điện được xem là không thể có điện vì chi phí đầu tư cao. Rõ ràng với những tính toán ấy, việc sử dụng NLMT, NLG phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân là việc làm cần được tính đến.
Những nghiên cứu mô hình ứng dụng NLG, NLMT ở nước ta không phải là ít nhưng để nhân rộng lại chưa nhiều. Bằng chứng là số doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này quá hiếm hoi. Trong khi đó, một số sản phẩm “made in Vietnam” lại được ứng dụng tại nước ngoài, trong đó trường hợp Công ty cổ phần tập đoàn Kim Đỉnh thắng thầu dự án cung cấp thiết bị điện chiếu sáng đô thị, pin NLMT tại Vê-nê-xuê-la trị giá 1 triệu USD là ví dụ. Kim Đỉnh cũng là đơn vị đầu tiên trong nước nghiên cứu, ứng dụng NLMT kết hợp NLG và sử dụng đèn LED tiết kiệm điện vào lĩnh vực chiếu sáng công cộng nhưng chưa có một dự án nào tại Việt Nam sử dụng công nghệ ưu việt này.
Khó triển khai vì sao?
Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Văn Lạng cho biết: Công ty Kim Đỉnh vừa lắp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 bộ đèn LED sử dụng kết hợp NLG, NLMT. Chi phí ban đầu cho mỗi bộ đèn là khá lớn, trên 3.000 USD nhưng hiệu quả lâu dài rất khả quan. Các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam hoàn toàn có thể thay thế toàn bộ thiết bị chiếu sáng bằng công nghệ này, góp phần giảm áp lực thiếu điện triền miên như hiện nay.
Thực tế, do đầu tư ban đầu lớn nên việc triển khai các ứng dụng sản xuất điện, thiết bị từ NLG và NLMT chưa được phổ biến rộng rãi và đây chính là trở ngại nhất. Nhiều nhà khoa học cho rằng, trong khi đầu tư xây dựng các nguồn điện mặt trời còn khó khăn về vốn thì Nhà nước nên đặc biệt chú ý đến chính sách phát triển thiết bị đun nước nóng và cung cấp nguồn điện quy mô gia đình.
Việc cần làm lúc này là Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu, khảo sát thị trường, đánh giá hiệu quả kinh tế, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc lồng ghép vào các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện. Việc kiểm soát và đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của loại thiết bị này nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng là việc làm không thể bỏ qua. Các tấm pin mặt trời hiện sử dụng ở ta đều được nhập từ nước ngoài, chất lượng tốt và hoạt động ổn định. Song các thiết bị phụ trợ như bộ điều khiển, ắc qui… do trôi nổi từ nhiều nguồn nên chất lượng chưa cao, trong khi các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa ở các địa phương chưa được chú trọng. Vì vậy, sự hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế tiêu chuẩn phù hợp cho các thiết bị, xây dựng cơ chế buộc thực hiện đối với các dịch vụ điện mặt trời, bảo đảm tính an toàn và độ tin cậy nên sớm được cơ quan chức năng ban hành.
Theo ông Phạm Huy Phong, Trưởng phòng Kĩ thuật nghiên cứu và phát triển của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC), với 30.000 bộ máy nước nóng NLMT dung tích trung bình 180 lít khi được đưa vào sử dụng sẽ giúp tiết giảm khoảng 57 triệu kWh điện/năm… Các gia đình chỉ phải đầu tư một lần mà có thể sử dụng hàng chục năm không phải đóng tiền điện.
Được biết, tỉ lệ đóng góp năng lượng tái tạo đến nay trong cân bằng năng lượng còn thấp, chỉ chiếm 2,3% trong tổng thể năng lượng điện, trong đó có tính cả đến năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, thủy điện nhỏ, địa nhiệt… Rõ ràng, nguồn NLG, NLMT vốn được cho là khả dĩ nhất để phát triển tại nước ta vẫn đang trong thời kỳ “ngủ đông”!